Gian nan phòng chống cháy ở vùng biên

CSVN – Tây Nguyên đang bước vào mùa khô, thời tiết diễn biến hết sức khó lường khi nắng nóng gay gắt. Các đơn vị trên địa bàn đã tích cực, chủ động trong công tác phòng chống cháy, gian nan nhất là những đơn vị ở vùng biên.

Lãnh đạo Cao su Chư Prông và Nông trường An Biên kiểm tra dụng cụ chữa cháy ban đầu của Đội 31
Nguy cơ cháy cao

Vùng dự án Ia Mơr thuộc huyện Chư Prông – Gia Lai hiện có 3 đơn vị đang trồng, chăm sóc và khai thác cao su là Cao su Chư Prông, Chư Păh và Chư Sê với tổng diện tích trên 4.000 ha. Nhằm hiểu rõ hơn nỗi nhọc nhằn của những người được giao nhiệm vụ giữ an toàn cho vườn cây trong mùa khô, chúng tôi đến Nông trường An Biên – Cao su Chư Prông để trải nghiệm một ngày trực gác với anh em bảo vệ.

11 giờ trưa, chúng tôi leo lên một chòi gác thuộc Đội 31, lúc này anh Ngô Văn Viên, một mình túc trực trên chòi gác. Trao đổi với chúng tôi, anh nói: “Trong nhiều năm qua, công việc của anh em bảo vệ rất căng thẳng khi mùa khô đến, chòi gác có 2 bảo vệ và 1 tổ trưởng thường xuyên thay ca cho nhau, gác trực 24/24”.

Anh Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc nông trường cho biết: “Nông trường có khoảng 571 ha cao su ngưng đầu tư, diện tích này nằm xen kẽ, nhỏ lẻ “da beo da báo” với vườn cây kinh doanh và vườn cây chăm sóc kéo dài, mỗi năm định mức chỉ được 3 công chống cháy nên rất nguy hiểm nếu có cháy xảy ra. Thời điểm này nhiều người dân đi bắt chim, chuột, rắn trên vườn cây ngưng đầu tư, chỉ cần sơ suất, thiếu ý thức vứt một tàn thuốc lá thì nguy cơ bùng phát đám cháy trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra”.

Chòi gác cao 50m của Đội 28 có thể quan sát được diện tích vườn cây của nông trường và gần như toàn bộ diện tích của Cao su Chư Păh nên bảo vệ của hai nơi cùng trực với nhau, vừa thêm người lại tiện lợi và tiết kiệm nhưng vẫn đạt được mục đích đề ra. Vừa đưa mắt theo dõi vùng cao su rộng lớn, anh Bùi Thanh Tâm – bảo vệ của Cao su Chư Păh vừa chia sẻ: “Tôi làm bảo vệ ở đây đã nhiều năm, cảnh cháy rừng lấn cao su cũng thấy nhiều rồi, nhưng khi phát hiện đều được thông báo và những người ở dưới tổ chức dập ngay khi có đám lửa”.

Đề cao cảnh giác, sẵn sàng nguồn lực dập lửa nếu có cháy

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài 2 xe công nông có khả năng chứa 3 khối nước/xe thì tại những chòi gác nông trường đều trang bị những bình chữa cháy bằng điện khoác vai, có thể xử lý và khoanh vùng ban đầu, tạm thời trong khi chờ đợi những máy móc phương tiện khác.

Anh Kiên cho biết: “Mỗi đội đều được trang bị 4 bình chữa cháy khoác vai, ngoài ra nông trường có 2 xe công nông và nhiều bình chữa cháy khoác vai trong các hộ gia đình công nhân, dù nguy cơ xảy ra cháy trong mùa khô rất cao nhưng vườn cây của nông trường chưa có đám cháy nào đáng kể. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở NLĐ cần nêu cao ý thức tự giác trong quá trình đi làm nương, đốt rẫy, không được chủ quan, lơ là đối với công tác phòng chống cháy. Đồng thời nhắc nhở các em nhỏ, thanh niên tham gia săn bắt trong vùng cao su ngưng đầu tư phải cẩn thận, cảnh giác nguy cơ xảy ra cháy”.

Để công tác phòng chống cháy được thực hiện tốt thì ngoài tiền lương, chế độ theo quy định cho anh em trực chống cháy thì công ty còn hỗ trợ thêm mỗi người 2 lít xăng để tăng cường công tác tuần tra. Nông trường và tổ chức Công đoàn cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho anh em trực gác, huy động anh em cán bộ nông trường tham gia cùng trực chống cháy… Nhờ vậy, trong thời gian qua vườn cao su của nông trường được đảm bảo an toàn, không có vụ cháy đáng tiếc nào xảy ra.

VĂN VĨNH