Cao su tiểu điền: Lạm dụng chất kích thích để khai thác mủ

CSVN – Do giá mủ cao su có xu hướng nhích dần trong thời gian gần đây, vì một số lợi ích trước mắt nên không ít hộ trồng cao su tiểu điền đã áp dụng nhiều biện pháp “kích” mủ bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Việc lạm dụng chất kích thích để khai thác mủ về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng vườn cây.

Bà Trần Thị Mì đang sử dụng các công cụ để khai thác mủ bằng phương pháp bơm khí ethylene
Khai thác mủ bằng khí ethylene

Bà Trần Thị Mì ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú (Bình Phước) cho biết, những năm trước bà vẫn khai thác mủ bằng phương pháp truyền thống nên phải thuê mướn rất nhiều nhân công. Tuy nhiên, gần đây lượng lao động tại địa phương, nhất là lao động trẻ đổ xô đi làm công nhân tại các khu công nghiệp dẫn đến khan hiếm lao động. Qua tìm hiểu trên mạng nhận thấy việc khai thác mủ bằng khí ethylene không đòi hỏi kỹ thuật cao lại ít tốn nhân công, sản lượng cao nên bà triển khai áp dụng trên 10 ha cao su.

Theo đó, thay vì làm theo cách truyền thống là dùng dao cạo lớp vỏ ngoài thân cây cao su để mủ từ từ chảy ra men theo lối dẫn chảy vào chén thì trước khi khai thác bà Mì dùng khí ethylene bơm vào thân cây để kích mủ, sau đó dùng một chiếc máy khoan (bằng điện cầm tay) một lỗ bằng chiếc đũa có chiều sâu khoảng 0,5cm. Sau khi khoan xong chỉ cần gắn một ống nhựa rỗng ruột, dài khoảng 7cm, có thiết kế vừa đủ để gắn vào lỗ vừa được khoan, cứ thế mủ nước sẽ tự động chảy từ lỗ khoan xuống miệng chén. Bà Mì cho biết, mỗi lần bơm khí chỉ lấy mủ được 3 lần, để duy trì lượng mủ thì khoảng 12 ngày chủ vườn sẽ bơm khí ethylene vào thân cây một lần, mỗi bình khí ethylene nặng 8 kg có giá 2 triệu đồng/bình và được sử dụng liên tục trong 3 tháng, trung bình 1 ha cao su, với phương pháp D4 sẽ lấy được từ 100 – 140 kg mủ/lần bơm. Bà Mì cho rằng, phương pháp này tiện lợi hơn vì không phải thức khuya dậy sớm và thu được lượng mủ nhiều hơn so với truyền thống. Không riêng gì gia đình bà Mì, hiện tại trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng đang có hàng trăm nhà vườn áp dụng biện pháp tương tự. Hầu hết các nhà vườn cho rằng cách khai thác này đem lại nhiều tiện lợi, nhất là trong điều kiện giá mủ cao su đang lên, nhiều bà con hám lợi nên mạnh tay áp dụng bất chấp hậu quả.

Túi nhựa, ống hút dùng để khai thác mủ bằng phương pháp bơm khí ethylene

Thạc sĩ Nguyễn Năng – Trưởng phòng Nghiên cứu sinh lý khai thác cao su Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cho biết: “Phương pháp khai thác mủ cao su bằng khí chỉ áp dụng trên một số giống cũ, kém hiệu quả hoặc khi cây chuyển qua cạo úp, thanh lý. Theo đó, phương pháp này chỉ nên áp dụng với cây có tuổi cạo thứ 15 trở lên nhưng để tăng lượng mủ đồng nghĩa với việc phải tăng lượng phân bón lên gấp đôi, bón nhiều lần và trải đều trong năm. Qua khảo nghiệm thực tế, chỉ 4-5 tháng đầu phương pháp này cho năng suất tăng rất cao so với cạo truyền thống, nhưng sau đó lượng mủ giảm dần. Vì vậy, nông dân cần thận trọng và tính toán kỹ trước khi áp dụng phương pháp này.

Thân cây cao su suy kiệt bên những lỗ khoan chi chít để lấy mủ bằng phương pháp bơm khí ethylene
Hệ quả khó lường khi lạm dụng chất kích thích

Cùng với sử dụng khí ethylene, thời gian gần đây không ít người trồng cao su còn lạm dụng thuốc kích thích quá mức “kích” sản lượng, tăng lợi nhuận. Chỉ sở hữu gần 1 ha cao su hơn 10 năm tuổi, với phương pháp cạo D2 mỗi ngày thu được gần 70 kg mủ, đem lại thu nhập gần 1 triệu đồng là những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Long xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Theo ông Long, bí quyết để đạt sản lượng trên là do ông thường xuyên sử dụng chất kích thích là ethylene được tìm hiểu từ trên mạng. Khi mới sử dụng, cây cho mủ tăng từ 20% – 30%, còn về lâu dài thì chưa rõ, hiện mủ đang có giá nên ông mạnh tay áp dụng.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng thuốc kích thích không phải không được phép sử dụng trong ngành cao su, tuy nhiên, phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, không nên lạm dụng. Tiến sĩ Nông học Nguyễn Văn Bắc – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bù Đốp cho biết, theo nhiều tài liệu về cây cao su thì việc sử dụng thuốc kích thích cho vườn cây cần phải thực hiện đúng liều lượng. Nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài cây khô mặt cạo, khô mủ, chu kỳ khai thác rút ngắn lại. Không ít trường hợp vườn cây do sử dụng thuốc kích thích liên tục trong một thời gian dài đã ảnh hưởng đến sức đề kháng của cây dẫn đến nhiễm bệnh, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ và năng suất vườn cây.

Bên cạnh đó, việc mua thuốc là quá dễ dàng, chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng là có ngay lọ thuốc để bôi mà không nhận được sự hướng dẫn hay khuyến cáo nào. Vì vậy, cần tăng cường quản lý chặt các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật tại các địa bàn, nhất là các vùng sâu vùng xa. “Với người trồng cao su cần tính toán đến những hậu quả lâu dài có thể xảy ra. Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà phải bỏ công sức, tiền bạc trong một thời gian dài để khắc phục những hệ quả của việc lạm dụng thuốc kích thích mủ”, tiến sĩ Bắc nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, trước tình trạng nông dân trồng cao su tiểu điền áp dụng kỹ thuật kích thích cho mủ bằng khí ethylene, và lạm dụng các loại thuốc kích thích khác, Sở đã gửi khuyến cáo đến các huyện, thành, thị đề nghị chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai thông tin đầy đủ đến nông dân về các phương pháp này và tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ bảo vệ thực vật về sử dụng chất kích thích, và bằng khí ethylene cho cây cao su.

“Bình Phước hiện có khoảng 246.659 ha cây cao su, trong đó cao su tiểu điền chiếm khoảng 30%, tập trung ở tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Để đầu tư một ha cao su từ ban đầu tới khi cho khai thác mất cả tỷ đồng. Việc người dân sử dụng thuốc kích thích mủ cao su không đúng quy cách, có thể mang lại cái lợi trước mắt, nhưng về lâu dài có thể sẽ gây ra những cái hại khôn lường, người dân cần thận trọng khi sử dụng”, bà Tuyết nhấn mạnh.

TRUNG NGUYÊN