CSVN – Mỗi sáng bên quán cóc của gia đình chú Hai, lúc nào cũng thấy mấy ông bạn già ngồi nhâm nhi từng ngụm cà phê, rồi hàn huyên tâm sự biết bao nhiêu chuyện ở đời. Chuyện làm ăn, chuyện xưa, chuyện nay, vui có, buồn có và cả chuyện người công nhân cao su thời bây giờ…
Sáng nay cũng vậy, đang thưởng thức từng giọt đắng thấm sâu vào cơ thể, trong không khí hối hả của ngày cuối năm, có người thì thêm chút hài hước, câu chuyện nghe rôm rả hẳn lên.
Bỗng trời đổ mưa. Ủa, ông trời nhìn vậy mà mưa ta? Thím Hai lo là vì bên cạnh quán, cây cao su già sát vách cọ vào mái tôn nên bị giột. Thím Hai lật đật xách thùng ra hứng. Ông Năm nhìn thấy, vội hỏi: Thùng này là thùng của công nhân đựng mủ đây. Ủa, ở đâu sao mà mới thế? Chú Hai cười chưa kịp phân bua, thì thím Hai lên tiếng: Của ông Hai nhà tui chứ đâu nữa, mấy chục năm làm công nhân cạo mủ, nay nghỉ hưu rồi nhưng ông ấy ngày ngày lau chùi sáng quắc, để xách nước tưới rau. Tôi ngạc nhiên hỏi: Làm gì mà lau chùi kĩ vậy ông? Ông cười trả lời gọn ơ: Vật bất ly thân của tui đó bà!
Còn nữa nè, đây là con dao cạo – Thím Hai lật đật lấy ra khoe: Ông chùi rửa sạch sẽ, quấn kĩ đầu mũi dao, rồi gác bên vách nhà thỉnh thoảng lại đem ra ngắm nghía, hý hoáy lau chùi.. tui la “Ông rảnh quá! tui thì làm không hết việc, ông lại bảo vật bất ly thân của tui đó bà ơi”. Bởi vậy, ai xin ông cũng không cho.
Mà đúng thật, gần 30 năm chú thím Hai làm công nhân khai thác mủ, những “vật bất ly thân” như đôi thùng, con dao cạo này đã gắn bó hàng ngày bên mình. Nó đi theo cuộc hành trình rất dài dầm mưa dãi nắng, sương gió dãi dầu, nó cùng với người thợ cạo đã tạo dựng nên cơ đồ từ trong gian khó đi lên.
Mấy đứa con của chú thím Hai học xong đi làm, mỗi đứa một nghề. Không có đứa nào theo nghề của chú thím cả. Có chị hàng xóm làm công nhân cạo mủ, có lần sang nhà xin “đồ nghề” nhưng chú Hai trả lời: vật bất ly thân của chú đấy cháu ạ!
- Cây cao su già kia thì chặt đi chứ dể làm gì chú Hai. Rủi lỡ gió mưa nó gãy thì nguy hiểm quá! – Anh Tám ngồi ở góc quán góp ý.
Chú Hai bảo: Hổng được, cây đó là vật bất ly thân của chú đó.
- Trời, cái gì cũng “vật bất ly thân” là sao chú? – Anh Sáu lùn dí dỏm. Chú hai nghiêm sắc mặt, rồi lúc trầm, lúc bổng, lúc thì như nghẹn lại: Cây cao su này có từ khi chú Hai còn nhỏ xíu. Lúc mà ba mẹ làm công nhân cạo mủ thời Pháp, những khi ba mẹ chú đi cạo về là chú Hai lén lấy trộm dao của ba mẹ ra tập cạo trên cây cao su này, cứ như thế ngày này qua ngày khác riết rồi thành thạo luôn. Có hôm ba chú bắt được đánh cho chú một trận vì nếu làm hư dao không có cạo là bị cai nó đánh thừa chết thiếu sống đó cháu ơi! Cho đến năm 16 tuổi cũng là lúc đất nước giải phóng, chú xin vào làm công nhân cạo mủ, vì quá rành việc cạo mà không phải qua lớp học cạo đó cháu à.
Đời chú thím Hai gần 30 năm làm công nhân cạo mủ, vui buồn với cây cao su. Chú thấy mình hạnh phúc vì được sống trong cảnh thanh bình, được làm chủ đất nước, làm chủ mọi thứ, được tự do sống làm việc là hạnh phúc lắm rồi. Nghĩ lại mà thương ba mẹ chú sống trong thời lầm than nô lệ, cả đời không ngước mặt lên được.
NGUYỄN NHỊ
Related posts:
- Cao su Sa Thầy về đích sớm 44 ngày nhờ thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ
- VRG tham gia hội nghị tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về công tác xây dựng Đảng
- Chính quyền thuộc địa và việc trồng cao su ở Đông Dương
- Hiến kế giữ chân người lao động
- 40 năm cây cao su làm thay đổi cuộc sống buôn làng Tây Nguyên
- MDF VRG Kiên Giang cần xây dựng các quy chế cụ thể trong sản xuất kinh doanh
- NEPAL phát triển cao su để hồi sinh các vùng đất bị suy thoái
- Ngành cao su Việt Nam có nhiều nội lực phát triển bền vững
- Cao su Hà Tĩnh phấn đấu sản xuất trên 2.000 tấn mủ
- Ấn Độ nỗ lực vực dậy ngành cao su