Nông nghiệp Việt Nam quyết làm ăn lớn

CSVN – Hàng loạt công ty lớn trong nước cũng như nước ngoài đang đổ vốn vào lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện ước mơ đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp.

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy CPV Food Bình Phước. Ảnh: CTV

Với việc đầu tư bài bản vào vùng nguyên liệu và công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nông nghiệp VN đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu hàng có hàm lượng chế biến cao, giá trị gia tăng cao.

Vốn lớn đổ vào nông nghiệp

Liên tiếp trong các tháng  cuối  năm  2020,  tin vui dồn dập tới với ngành nông nghiệp. Bất chấp một năm khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dịch bệnh trên vật nuôi cây trồng phức tạp, biến đổi khí hậu, năm 2020 ngành nông nghiệp đã đạt kim ngạch xuất khẩu ấn tượng với 41,25 tỉ USD, tăng 1,6% so với năm 2019.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch 2021, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trong khó khăn, nông nghiệp (NN) tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế. “Kim ngạch XK năm 2020 đạt khoảng 41,25 tỉ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo)” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Hàng loạt các dự án quy mô hàng ngàn tỉ đồng đã đổ vào nông nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy sức hấp dẫn của ngành hàng này đã tăng lên. Không những vậy, cơ cấu nông nghiệp VN sẽ có sự thay đổi cơ bản khi nông nghiệp chuyển lên sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ chế biến.

Tháng 12/2020, với số vốn đầu tư ban đầu  250 triệu USD, dự án Tổ hợp nhà máy CPV Food Bình Phước có công suất thiết kế lên đến 100 triệu con/năm (sau năm 2023), do Tập đoàn CP thực hiện được xem là tổ hợp chăn nuôi chế biến thịt gà xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại. Theo chủ đầu tư, dự án CPV Food Bình Phước mang tầm quốc tế, sẽ tạo ra bước đột phá trong ngành chăn nuôi Việt Nam; cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Các thị trường xuất khẩu dự kiến là Nhật Bản (45%), Châu Âu (35%), Châu Á (10%) và Trung Đông (10%). Dự án kỳ vọng sẽ đem về nguồn ngoại tệ 100 triệu USD/năm trong giai đoạn 1 và 200 triệu USD/năm trong giai đoạn 2.

Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty Cổ  phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết dự án chuỗi khép kín xuất khẩu thịt gia cầm này nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm, góp phần đưa Việt Nam gia nhập vào bản đồ xuất khẩu thịt gia cầm có thương hiệu trên thế giới. “Tập đoàn đã áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới – đặc biệt có những công nghệ chưa từng được áp dụng tại các nước khác trong hệ thống của tập đoàn CP trên toàn cầu, nay lần đầu tiên áp dụng tại tỉnh Bình Phước, Việt Nam”.

Trước đó, vào tháng 9/2020, Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) tổ chức lễ khởi công dự án “Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk” quy mô khoảng 200 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng. Dự án có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà được chọn lựa kỹ càng để bảo đảm nguồn gen tốt. Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25 nghìn con heo bố mẹ và heo hậu bị.

Thời gian qua nông nghiệp VN cũng chứng kiến sự “lấn sân” của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nội địa chuyển qua làm nông nghiệp và đã đạt được những thành tích ấn tượng.

Tháng 3/2015, Tập đoàn Hòa Phát công bố đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhắm đến sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chất đạm. Khi đó mục tiêu của “vua thép” là  chiếm 10%  thị phần ngành thức ăn chăn nuôi có quy mô ước tính khoảng 6 tỉ USD trong thời gian 10 năm. Tập đoàn cũng có kế hoạch tập trung chăn nuôi lợn và bò thịt theo mô hình khép kín. Sau 9 tháng năm 2020, dù doanh thu mảng nông nghiệp cũng chỉ ở mức gần 8.000 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận từ mảng này của Hòa Phát lên tới 1.296 tỉ đồng, cao gấp hơn hai lần so với kết quả cả năm 2019.

Nếu so sánh mức doanh thu và lợi nhuận mảng nông nghiệp của Hòa Phát với các doanh nghiệp cùng ngành có thể nhận thấy, Hòa Phát đang trở thành một trong những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hướng tới ngôi vị cường quốc nông nghiệp

GS Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT, Úc) cho rằng, sau đại dịch chắc chắn thế giới sẽ thay đổi, phải sắp đặt lại để đi vào một trật tự mới. Không chỉ quan điểm về chất lượng thực phẩm, mà vị trí trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm, dược phẩm cũng sẽ thay đổi. Đây là cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam cất cánh.

Để tăng kim ngạch xuất khẩu các loại siêu thực phẩm và thực phẩm chức năng nói trên, tuy có lợi thế trong sản xuất nhưng Việt Nam phải nghiêm chỉnh áp dụng không những quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP như VietGAP, GlobalGAP mà còn phải tuân thủ quy trình sản xuất chế biến tốt GPP và các quy định quốc tế khác như trách nhiệm xã hội CSR, FairTrade.

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy chuỗi cung ứng thực phẩm tươi chỉ đáp ứng yêu cầu địa phương. Do vậy sau đại dịch, ngành thực phẩm chế biến  sẽ có tăng trưởng lớn.

Việt Nam có lợi thế về chế biến trái cây và rau quả, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới như sầu riêng, mít, xoài, ổi, dứa/ khóm, đu đủ, gấc, chanh dây… Nông dân Việt có thể cung ứng sản phẩm cho thế giới. Nhưng là nông dân toàn cầu thì phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định mang tính quốc tế!

BÌNH MINH