Ngành cao su: Nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ

CSVN – Thực tế những năm gần đây, VRG không còn độc canh cây cao su mà đã có chủ trương chuyển đổi những diện tích đất không còn phù hợp với cây cao su, qua các cây trồng khác hiệu quả hơn.

Ngành cao su có lợi thế về quỹ đất tập trung lớn, thuận lợi để phát triển NNHC. Ảnh: PV

Toàn ngành cao su VN hiện có hơn 930.000 ha, riêng VRG quản lý quỹ đất trên 330.000 ha trong nước, rải đều khắp các vùng miền của cả nước

. Đa số diện tích đất này tập trung theo quy mô đại điền, liền vùng, liền khoảnh, thuận lợi để quy hoạch, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, phù hợp với quy mô nông trại, trang trại lớn. Đây là lợi thế và là nguồn tài nguyên lớn, rất giá trị để phát triển NNHC từ trồng trọt đến chăn nuôi theo chuỗi kinh tế tuần hoàn khép kín.

Ngành cao su còn có một nguồn lực quý giá khác, đó là con người. Người công nhân cao su, vốn dĩ cũng là nông dân. Bản thân họ và gia thuộc có kinh nghiệm làm nông nghiệp với nhiều cây trồng vật nuôi khác nhau, cộng thêm được trang bị kiến thức bài bản của một người công nhân, rất cần thiết để làm NNHC theo quy mô hộ  gia đình hoặc trang trại.

Trong những năm qua,  Công  đoàn  Cao su VN cũng như các công ty cao su đều phát động và đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình trong công nhân cao su. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm giỏi, kể cả làm NNHC, là tiền đề và cơ sở thuận lợi để phát triển NNHC trong ngành cao su, trước hết là kinh tế gia đình công nhân cao su.

Các công ty cao su có nguồn lực tài chính; có kinh nghiệm và năng lực tổ chức sản xuất, chế biến; có nhiều mối quan hệ với khách hàng đối tác; có thị trường tiêu thụ… Đây là những lợi thế không nhỏ và là “bàn đạp” để phát triển NNHC một cách hiệu quả.

Thực tế những năm gần đây, VRG không còn độc canh cây cao su mà đã có chủ trương chuyển đổi những diện tích đất không còn phù hợp với cây cao su, qua các cây trồng khác hiệu quả hơn. Rõ rệt nhất là chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại một số công ty ở Đông Nam Bộ, bước đầu cho hiệu quả khá khả quan.

Đối với những diện tích vẫn trồng cao su thì đẩy mạnh trồng xen canh với nhiều cây trồng khác nhau trên vườn cây KTCB, góp phần tăng nguồn thu, đảm bảo việc làm và nâng cao đời sống người lao động. Đặc biệt, VRG đang định hướng phát triển bền vững, trong đó tập trung vào 3 trụ cột: Kinh tế – Môi trường – Xã hội. Phát triển NNHC cũng chính là phát triển xanh, sạch, bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của ngành cao su và cũng là của ngành nông nghiệp Việt Nam.

T.N