CSVN- Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang là mục tiêu hướng đến của nền nông nghiệp các nước nói chung và cũng là tương lai cần đạt được của nền nông nghiệp Việt Nam.
Nông nghiệp hữu cơ đang phát triển mạnh
Chỉ trong 2 năm, kể từ khi Chính phủ có Nghị định 109/2018/NĐ-CP về NNHC, NNHC ở nước ta đã phát triển mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, diện tích canh tác hữu cơ tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.700 ha năm 2019. Cả nước có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ trên nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi. Có 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ; 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm.
Sản phẩm NNHC Việt Nam được tiêu thụ trong nước và đã xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới; trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất thế giới.
Các chuyên gia đều nhìn nhận, trong hành trình lan tỏa NNHC, ngoài cơ quan quản lý Nhà nước thì hạt nhân quan trọng là doanh nghiệp và người nông dân. Trong đó, Tập đoàn Quế Lâm được đánh giá là doanh nghiệp đi tiên phong, SXKD hữu cơ hiệu quả và góp phần lan tỏa “lửa” làm NNHC hàng đầu hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Vĩnh –TGĐ Tập đoàn Quế Lâm cho biết, nếu như năm 2018 mới chỉ có 32 tỉnh thành đồng hành cùng Quế Lâm trên diện tích gần 60.000ha các loại cây trồng, năm 2019 có 39 tỉnh trên diện tích hơn 73.000ha, thì đến năm 2020 đã có 51 tỉnh thành cùng vào cuộc trên diện tích hơn 100.000 ha. Qua đó cho thấy nhận thức về một nền NNHC đã đang làm thay đổi cục diện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Còn nhiều trở lực trong phát triển nông nghiệp hữu cơ
Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết hiện nay trong nước có 2 mô hình sản xuất NNHC là doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (EU, Mỹ, Nhật…) để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ ở các thành phố lớn. Các nhóm hộ nông dân chủ yếu sản xuất NNHC theo tiêu chuẩn PGS và tiêu thụ thị trường nội địa.
Theo ông Thanh, sản xuất NNHC vẫn còn nhiều khó khăn do quy trình sản xuất hữu cơ khá khắt khe, chi phí sản xuất cao, năng suất cây trồng vật nuôi thấp, thị trường cho sản phẩm nông sản không ổn định… Do vậy, đa số nông dân chưa có nhu cầu chuyển sang sản xuất NNHC, hoặc sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ về địa bàn, đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách khuyến khích thúc đẩy sản xuất NNHC còn thiếu, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ… là những “trở lực” ảnh hưởng đến phát triển sản xuất NNHC hiện nay.
Ngoài những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung, theo ông Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, NNHC còn khó khăn riêng như việc chuyển đổi từ sản xuất vô cơ sang hữu cơ; vật tư nông nghiệp rất thiếu, chưa hình thành dịch vụ vật tư đầu vào cho NNHC.
Phải xây dựng được một hệ sinh thái hữu cơ
Ngày 23/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885/ QĐ-TTg, phê duyệt Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030.
Theo đó, đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích phát triển NNHC đạt từ 1,5 – 2% tổng diện tích đất nông nghiệp và năm 2030 đạt từ 2,5-3%.
Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, đây là mục tiêu không đơn giản vì sản xuất NNHC không phải ngày một ngày hai là có thể triển khai được và phát triển được thì phải quản lý được.
“Các địa phương không phát triển NNHC ồ ạt, mà từng bước hướng đến hữu cơ và đạt hữu cơ. Cần xây dựng đề án NNHC trên cơ sở xác định rõ quy hoạch tiềm năng, thế mạnh, diện tích, quy mô, cây, con chủ lực và khả năng làm NNHC của từng vùng để trình Bộ NN&PTNT xem xét triển khai”, ông Nam lưu ý.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phân tích, để phát triển NNHC đồng bộ, bền vững, phải xây dựng được một hệ sinh thái hữu cơ, trong đó bao gồm người nông dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan truyền thông đều nằm trong hệ sinh thái đó, gắn kết, mang tính chất cộng sinh với nhau. Hệ sinh thái đó phải rộng hơn chuỗi giá trị, như thế sẽ thành công.
Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, thời gian tới Trung tâm sẽ triển khai một số giải pháp trong như lựa chọn các sản phẩm có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ; xây dựng mô hình NNHC theo chuỗi liên kết giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, sẽ tăng cường đào tạo và hợp tác quốc tế về NNHC; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào SXKD sản phẩm hữu cơ, phân bón hữu cơ, phân, chế phẩm sinh học…
Về góc độ thị trường, theo ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), để NNHC thực sự lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian tới, vấn đề cốt lõi nhất vẫn là thay đổi tư duy. Cơ quan quản lý Nhà nước phải thay đổi tư duy từ xin cho thành tư duy phụng sự, kiến tạo cho doanh nghiệp để phát triển.
“Theo kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT về phát triển NNHC, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh xây dựng các mô hình, các vùng trọng điểm về NNHC, phải có điểm sáng để xây dựng lòng tin để từ đó nhân rộng ra các vùng, các địa phương. Tiếp tục tuyên truyền tiêu thụ sản phẩm NNHC, mở rộng thị trường. Chúng ta tin tưởng người tiêu dùng sẽ từng bước thay đổi nhận thức”, ông Toản nói.
TRUNG NGUYÊN
Related posts:
- Chính sách BHXH, lao động - tiền lương có hiệu lực từ năm 2023
- Vững bước tiến lên !
- Cao su Mang Yang đẩy mạnh hợp tác phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Nông trường VII, Cao su Lộc Ninh: 2 năm liền về trước kế hoạch sản lượng sớm nhất công ty
- Ước vọng năm mới 2021: Thành công, sung túc, phát triển
- Công đoàn Cao su Phước Hòa: Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
- Các công ty thành viên VRG có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh
- "VRG thực hiện rất tốt công tác an toàn vệ sinh lao động"
- Đất và người ở Sơn La
- Công ty CPCS Quasa – Geruco sẽ thực hiện vượt các chỉ tiêu năm 2021