CSVN – Phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình hội nhập, do đó những năm qua thực hiện theo chiến lược của VRG, các đơn vị trực thuộc đã “khởi động” và bước đầu có kết quả tích cực trong chặng đường này. Nhiều đơn vị đã xác định phát triển bền vững là chương trình đột phá cần phải quyết liệt thực hiện hơn nữa trong năm 2021.
Chương trình đột phá
Thực hiện chủ trương của VRG về phát triển bền vững ngành cao su, công ty đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS/FM) cho 8.500 ha cao su. Triển khai xây dựng, thực hiện đánh giá cấp chứng chỉ các hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) và trách nhiệm giải trình nguồn gốc sản phẩm (DDS) theo tiêu chuẩn PEFC. Nhờ thực hiện nghiêm túc các quy định và nhận được sự đánh giá tốt của các chuyên gia, công ty tiếp tục được chứng nhận là doanh nghiệp phát triển bền vững trong năm vừa qua.
Ông Lê Văn Vui – TGĐ công ty cho biết: “Năm 2021, công ty sẽ thực hiện chứng chỉ rừng bền vững phần diện tích còn lại, điều đó có nghĩa là công ty sẽ thực hiện trên toàn bộ diện tích 14.000 ha. Phát triển bền vững là chương trình đột phá của công ty trong năm 2021, đây là nhiệm vụ trọng tâm mà công ty cần phải thực hiện tốt để khẳng định thương hiệu sản phẩm Cao su Bình Long trên thị trường trong nước và quốc tế. Công ty sẽ nỗ lực thực hiện tốt theo bộ tiêu chuẩn của các chứng chỉ rừng bền vững yêu cầu và cố gắng xây dựng đơn vị nằm trong top đầu của VRG về phát triển bền vững”.
Trong quá trình thực hiện, các nông trường gặp không ít khó khăn vì phải thực hiện theo đúng các tiêu chuẩn quy định của chứng chỉ yêu cầu. Theo đó, tại các nông trường đều quyết liệt trong việc sản xuất xanh – sạch – thân thiện với môi trường.
“Việc thực hiện để đạt các chứng chỉ rừng bền vững có rất nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài việc nâng cao hiệu quả SXKD, doanh nghiệp phải có trách nhiệm cộng đồng xã hội và môi trường. Từ trước đến nay, công ty thực hiện tốt vai trò này và được cộng đồng đánh giá cao, nhưng khi thực hiện chương trình rừng bền vững thì các tiêu chuẩn, nguyên tắc đều đòi hỏi khắt khe hơn, tiêu chí cao hơn. Do vậy yêu cầu trên mọi lĩnh vực, phương diện, công ty cần phải nâng lên một tầm cao mới”, ông Lê Văn Vui – TGĐ cho biết thêm.
Năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục sử dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (Bộ chỉ số CSI) làm thang đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững; Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường; và Chỉ số Lao động. Trong năm qua, VRG có 14 đơn vị đạt Top 100 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam.
Trong đó có Cao su Đồng Phú. Đây là đơn vị được tỉnh Bình Phước đánh giá cao trong việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp với địa phương, ngoài việc chăm lo tốt đời sống NLĐ trong đơn vị, công ty còn tích cực tham gia cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, công ty có 3 nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A, được Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Phước đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong việc bảo vệ môi trường khi thực hiện các hoạt động sản xuất.
Gia tăng lợi nhuận để phát triển bền vững
Ông Hồ Cường – TGĐ Công ty CPCS Đồng Phú cho biết: “Định hướng phát triển bền vững là xu thế tất yếu, do vậy trong năm 2021 và những năm tiếp theo, công ty tiếp tục xây dựng đơn vị theo hướng phát triển bền vững. Một trong những hoạt động chính của công ty trong năm 2021 đó là đẩy nhanh việc mở rộng Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú để tăng lợi nhuận đất đai. Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhằm gia tăng lợi nhuận để đảm bảo phát triển bền vững”.
Riêng đối với TCT Cao su Đồng Nai, năm 2020 VRG giao TCT thực hiện Chứng chỉ rừng Việt Nam trên diện tích 7.000 ha tại Nông trường An Lộc, Bình Lộc và Túc Trưng. Cao su Đồng Nai cũng là 1 trong 14 doanh nghiệp của VRG đạt Top 100 Doanh nghiệp bền vững năm 2020.
Trong năm qua, VRG cũng đã phối hợp với tổ chức Oxfam để xây dựng tài liệu Sổ tay hướng dẫn kết nối cộng đồng, bao gồm tham vấn cộng đồng và xử lý các khiếu nại của cộng đồng. Tài liệu này đã hoàn thiện dự thảo và tổ chức tập huấn tham vấn cộng đồng tại Cao su Đồng Nai.
Phát huy những kết quả đạt được trong năm qua, năm 2021, TCT tiếp tục thực hiện sản xuất theo các bộ tiêu chuẩn để thực hiện Chứng chỉ rừng bền vững trên diện tích 10.000 ha.
MINH NHIÊN
Related posts:
- Thu nhập người lao động Cao su Phú Riềng đạt trên 12 triệu đồng/người/tháng
- Tập trung xây dựng thương hiệu cao su tại Campuchia
- Phấn đấu vượt 3 - 5% kế hoạch sản lượng
- Cao su Đồng Nai chuẩn bị tốt nhất cho Hội thi
- Cao su - Dòng chảy hào hùng
- Nguyễn Thị Thủy đạt Bàn tay vàng NT Ia H’lốp, Cao su Chư Sê
- Tuyên dương 168 người lao động công tác tại Lào, Campuchia
- Sôi nổi Hội thao CNVC LĐ VRG khu vực I
- “Bình Phước tích cực hỗ trợ cho Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su”
- Giá mủ tăng, CN hăng hái vào việc