Đất nở

 

CSVN – Ngày cuối năm, chúng tôi lại có dịp trở về Nông trường Suối Ngô và Nông trường Bổ Túc (Công ty CPCS Tân Biên) để nghe những hộ công nhân, nông dân kể chuyện làm ăn “trong năm khó” và  họ đang “phất lên” làm giàu từ trồng xen canh. 

Anh Nguyễn Văn Quyền – Giám đốc Nông trường Bổ Túc đang “khoe” dưa hấu trúng mùa
Cao su “hưởng lợi” từ việc xen xanh

Trong tiết trời se lạnh, xe chúng tôi băng nhanh đi qua những cánh rừng cao su đang chờ ngày thanh lý. Nhìn qua cửa kính, hai bên đường những cánh rừng cao su tái canh, một màu xanh ngút ngàn, trong nắng sớm những lộc non đang vươn thẳng đón khí trời vẫn còn đọng sương đêm.  

Anh Nguyễn Văn Quyền – Giám đốc Nông trường Bổ Túc, phấn khởi cho chúng tôi biết, đó là một trong những diện tích trồng xen dưa hấu của hơn 125 ha cao su tái canh của nông trường. “Nhờ hưởng lợi” từ nguồn phân bón và nước tưới, công chăm sóc của việc cho hộ nông dân nhận trồng xen canh dưa hấu (vụ 2) nên cây cao su “sung sức” phát triển tốt, dẫu đang vào mùa nắng nóng.

Theo chân anh Quyền, chúng tôi có dịp “mục sở thị” vườn cao su tái canh trồng xen dưa hấu của anh Nguyễn Văn Hùng, mới cảm nhận rõ ràng được sự “thụ hưởng” giá trị thực của công tác trồng xen đem lại. Với 9 mẫu nhận khoán trồng xen dưa hấu trên đất cao su, công tác đầu tư khá bài bản, hệ thống tưới nước phun sương trải khắp, anh vừa đi vừa cúi xuống hái tỉa bớt những “quả dưa đèo, đông khen”, nhẹ nhàng nâng những quả dưa to căng tròn mướt mát, khoe với chúng tôi: “Chỉ còn gần tháng là thu hoạch, những trái như vầy, chí ít cũng nặng tầm 6 -7 kí. Hy vọng sẽ “trúng đậm” nếu như không bị “rớt giá”.

 Như trải lòng về công việc cũng người làm nông nghiệp, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vẫn canh cánh nỗi lo về dịch bệnh, lo thời tiết, giá cả bấp bênh… Nhưng năm nay, với anh Hùng, thời tiết thuận lợi, giá cả lại tốt hơn mọi năm nên mỗi mẫu (ha) trừ vốn đầu tư ban đầu, anh cũng lời “tầm khoảng” hơn  60 triệu đồng/ha. 

Được biết, anh là hộ nông dân nhận trồng xen vụ 2 của nông trường mấy năm gần đây. Do thấy việc trồng dưa hấu đem lại hiệu quả kinh tế cao, hơn nữa “dễ ăn’ hơn những loại cây trồng khác nên anh mạnh dạn đầu tư khá bài bản nên dưa tốt trái, mấy vụ trước “trúng dữ dằn” vì “đất hạp và dưa ngọt”. Anh Hùng say sưa kể về công tác xuống giống, bón phân và thu hoạch… Bên cạnh đó là niềm vui khi thấy những hàng cao su tái canh cứ vươn cao, xanh mướt đâm chồi thì trong người thấy “phẻ hẳn ra”.

Khát vọng làm giàu và không cho “đất nghỉ”

Về Tân Châu những ngày này, chúng tôi không chỉ bắt gặp niềm vui của người trồng xen trên những vườn cao su tái canh  đang chờ ngày thu hoạch. Mà chúng tôi còn nghe được cả những dự định của người công nhân nhận trồng xen bí đỏ cho những vụ tiếp theo, ngay khi “đất đang nghỉ” sau một mùa “tận hiến” bội thu.

Ghé vào hộ gia đình bác Nguyễn Văn Cò – Gia thuộc công nhân khai thác Đội 2, Nông trường Suối Ngô – Nguyễn Quốc Cường, chúng tôi thấu hiểu đầy đủ khát vọng làm giàu luôn “cháy bỏng” không chỉ ở người trẻ mà còn ‘thường trực” trong tâm khảm người nông dân dù tuổi đời đã gần bảy mươi. 

Bác Ba Cò lái máy cày xới đất trồng bí trên diện tích cao su tái canh

Gặp lại bác Ba Cò, chúng tôi bỗng nhớ hình ảnh người lái máy cày xới đất trồng bí trên diện tích cao su tái canh ngày đầu xuống giống, dưới nắng rát của buổi trưa cuối hè, miệng đeo khẩu trang “chống dịch” hồ hởi kể về những dự định trong tương lai khi mùa bí đỏ đến ngày thu hoạch “tiền lãi chắn chắn được tầm hơn 40 triệu đồng/ha”… khi chúng tôi về Nông trường Suối Ngô để viết bài về gương vượt sản lượng. 

Bên chiếc máy cày mới toanh vừa “tậu về” sau vụ thu hoạch lãi hơn 200 triệu đồng trên 9 luồng (gần 2 mẫu) bí đỏ gia đình nhận xen canh, tay bắt mặt mừng, bác vồn vã đưa chúng tôi “tham quan” cơ ngơi của gia đình, một khoảng vườn cao su sau nhà là cả một đàn gà đang đến thời điểm “rả đàn”, một hệ thống chồng trại với 5 con lợn nái và lò ấp trứng, nồi nấu rượu… 

Vẫn giọng hào sảng ngày nào, “Năm nay, làm ăn thuận lợi, đụng đâu thắng đó, mà lại thắng đậm luôn. Riêng vụ bí đỏ vừa rồi thu lãi gần 2 trăm, cộng thêm hơn tạ gà “rả đàn”, “xuất chuồng” đàn heo của 5 con heo nái…

“Năm trước trồng bí lãi hơn 40 chục triệu/ha. Vậy mà vụ này được mùa trúng giá, cho lãi hơn 150 triệu luôn. Cũng nhờ công ty, nông trường tạo điều kiện cho gia đình nhận thêm đất cát để tăng gia sản xuất. Năm tới, nếu nông trường cho nhận khoán, “kiếm thêm” chục luồng để mần thêm. Còn sức là còn mần và mần dài dài…”, Bác Ba Cò phấn khởi bộc bạch.

Ngoài hộ gia đình công nhân Nguyễn Văn Cường, ở Nông trường Suối Ngô còn có các hộ gia đình nhận khoán, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu, như gia đình anh Lý Hồng nhận 1,4 mẫu trồng bí lời gần 160 triệu đồng, có tiền sửa sang lại nhà cửa khang trang; hộ gia đình anh Nguyễn Tuấn Phong lãi gần 70 triệu/ ha…

Ở đây “đất đang sinh”

Nghe người công nhân phấn khởi kể về chuyện làm ăn, về những dự định sắp tới trong tương lai, chúng tôi chợt nhận ra sự lạc quan của anh Trần Minh Sang – Giám đốc Nông trường Suối Ngô là hoàn toàn có cơ sở, khi anh chia sẻ về công tác tái canh của đơn vị, trong đó nông trường đã xây dựng quy chế, quy trình giao đất, trồng xen kết hợp chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản, khoán công chăm sóc nhằm tiết kiệm chi phí, giảm suất đầu tư và tăng thu nhập cho NLĐ. Năm 2020 được coi là trúng lớn của các hộ nhận khoán trồng xen canh bí đỏ, “thừa thắng” nông trường sẽ tiếp tục thực hiện giao khoán cho năm 2021. 

Chia tay vùng đất Tân Châu khi năm hết và Tết đang đến rất gần. Những chậu mai đang nảy lộc chờ khoe sắc, những giỏ lan hồ điệp của người công nhân mua về vui thú điền viên sau những ngày vất vả trên lô đã chuẩn bị cấn nụ bung bông đón xuân. Đâu đó còn là hình ảnh người công nhân cao su vội vã chở những chậu hoa về chưng Tết. Với họ, năm nay sẽ ăn Tết lớn hơn mọi năm, mua thêm vài dây pháo bông ăn mừng một năm trúng mùa, được giá và “thắng con côvit”… 

Chiều muộn, đi qua đập tràn, những luồng gió thổi từ nước sông hồ Dầu Tiếng phả vào mát rượi, khiến lòng lâng lâng vui sướng và cảm giác khoan khoái lạ thường. Vẫn còn đâu đó nỗi lo hiện hữu về dịch bệnh covid, nhưng hình ảnh những vườn xen canh bí đỏ, dưa hấu, bắp, mè  và màu xanh của rừng cao su tái canh ngút ngàn với bao ước vọng tốt đẹp của người nông dân trồng cao su khi giá đang lên và “đất đang sinh” theo mùa xuân đang đến rất gần.

NGUYỄN LÝ