CSVN – Đóng góp vào thắng lợi của VRG trong năm 2020 trong hoàn cảnh nhiều khó khăn không thể không kể đến nỗ lực vượt khó của lãnh đạo đơn vị và NLĐ các vùng miền, từ miền Trung đến miền núi phía Bắc.
Khu vực miền núi phía Bắc: Chăm lo tốt đời sống người lao động
Năm 2020, Cao su Điện Biên tiếp tục là đơn vị về trước kế hoạch sớm nhất khu vực miền núi phía Bắc. Công tác khai thác mủ được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất đạt 1,25 tấn/ha mủ đông quy khô (đạt 105,9% kế hoạch), sản lượng hơn 2.850 tấn. Tổng doanh thu gần 88,5 tỷ đồng (đạt 103% kế hoạch), nộp ngân sách Nhà nước hơn 278 triệu đồng. Thu nhập bình quân của NLĐ đạt hơn 4,7 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ, chính sách của NLĐ được công ty thực hiện đầy đủ và kịp thời.
Năm vừa qua, Cao su Lai Châu II khai thác được hơn 2.207 tấn mủ, đạt 100,3% kế hoạch, tổng doanh thu hơn 71 tỷ đồng. Tạo việc làm ổn định cho NLĐ với mức lương từ 4,2 – 5 triệu đồng/người/tháng. Công ty đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, huyện Sìn Hồ hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch Covid – 19 cho 267 người với tổng số tiền 480 triệu đồng. Xây dựng 3 căn nhà Mái ấm Công đoàn có giá trị 125 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 20 nhà cho công nhân tổng trị giá 250 triệu đồng;…
Tại Hội nghị NLĐ của công ty năm 2021, ông Lê Thanh Hưng – Phó TGĐ VRG đề nghị: “Trong năm 2021 và những năm tiếp theo công ty cần phải phối hợp tốt với chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác bảo vệ vườn cây, tài sản, đảm bảo an ninh trật tự vùng cao su. Chủ động rà soát, kiểm tra diện tích vườn cây kém hiệu quả để khắc phục. Quan tâm đời sống vật chất tinh thần cho NLĐ, thường xuyên quan tâm giúp đỡ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn”.
Tổng số diện tích khai thác của Cao su Sơn La năm 2020 gần 3.930 ha, công ty đã khai thác được 3.283 tấn mủ quy khô, năng suất bình quân 0,91 tấn/ha (tăng 1,5 lần so với năm 2019).
Dự kiến năm 2020, công ty sẽ chi hơn 2 triệu đồng/ha cho các hộ dân góp đất trồng cây cao su. Tạo việc làm ổn định cho gần 1.300 công nhân, với tiền lương bình quân hơn 4,2 triệu đồng/ người/tháng, tăng 10% so với năm 2019.
Các công ty cao su miền Trung: Chủ động nhiều giải pháp vượt khó
Kết thúc năm 2020, Cao su Bình Thuận đã đạt lợi nhuận 15,9 tỷ đồng (vượt 6%), nộp ngân sách Nhà nước 24,8 tỷ đồng (vượt 111%). Thu nhập bình quân NLĐ đạt 7,3 triệu đồng/người/ tháng. Năm 2020, công ty nằm trong top 100 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp bền vững. Về việc thực hiện chương trình phát triển bền vững, công ty thực hiện hệ thống quản lý chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC – CoC) và Chứng chỉ rừng bền vững (VFCS/PEFC – FM), đang chuẩn bị cho việc đánh giá cấp chứng nhận của tổ chức chứng nhận.
Nhờ chủ động đưa ra các biện pháp đồng bộ, xây dựng kịch bản điều hành phù hợp, điều tiết cân đối hiệu quả các nguồn lực nhằm đảm bảo hoàn thành cao nhất kế hoạch SXKD đề ra, Cao su Quảng Trị đã tiêu thụ vượt KH đề ra với giá bán cao. Tổng sản lượng tiêu thụ 1.875 tấn (vượt 33,9% KH), giá bán bình quân 35,2 triệu đồng/ tấn. Công ty đã tích cực tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa khách hàng, chú trọng khách hàng ổn định là các nhà máy sản xuất cao su trong nước. Nhờ vậy, công tác tiêu thụ luôn đảm bảo ổn định.
Năm 2020, Cao su Hà Tĩnh được VRG giao chỉ tiêu sản lượng khai thác mủ 1.600 tấn với diện tích 1.998 ha. Xác định đây là nhiệm vụ trong tâm, ngay từ đầu năm công ty đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng năng suất vườn cây từ những tháng đầu, quý đầu của năm. Công ty đã linh hoạt quy định số cây cạo cho từng đối tượng NLĐ, điều chuyển công nhân hợp lý giữa các đơn vị thừa cây cạo và đơn vị thiếu lao động. So với năm 2019 tăng từ 500-700 cây trên mỗi CNLĐ. Thực hiện cạo mủ đông, tăng thời gian cạo nhằm tăng sản lượng và thu nhập cho NLĐ (thời gian cạo cả ngày)…
Với Cao su Quảng Nam thì có nhiều biện pháp để giảm giá thành sản xuất như tiết giảm chi phí quản lý, thương thảo với các đối tác để giảm chi phí gia công chế biến (từ 3,3 triệu đồng/tấn xuống còn 2,8 triệu đồng/tấn), hỗ trợ đơn giá khai thác ở các khu vực khó khăn để thu hút lao động nhằm tăng sản lượng mủ… Công ty đã nỗ lực tìm kiếm đối tác nhằm hợp tác đầu tư một số lĩnh vực như cụm công nghiệp, khu dân cư, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng xen cây gỗ lớn vào diện tích vườn cây ngưng đầu tư.
Riêng Cao su Nam Giang – Quảng Nam về trước kế hoạch sản lượng 20 ngày nhờ nỗ lực giữ vững nhịp độ tăng tưởng năng suất, ổn định môi trường SXKD, đảm bảo tiền lương bình quân của NLĐ trên 5,3 triệu đồng/tháng/người (tăng 15% so với năm 2019).
Các chỉ tiêu của Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh cũng đều vượt so với KH được giao. Công ty đẩy mạnh tiết giảm tối đa chi phí trong SXKD, giảm được giá thành sản phẩm đáng kể so với KH. Chăm lo tốt cho gần 600 lao động, lương bình quân gần 4,7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, công ty đã tích cực các hoạt động do địa phương và VRG tổ chức, thực hiện tốt các hoạt động xã hội từ thiện, an sinh xã hội.
TRẦN HUỲNH – MINH NHIÊN – VŨ PHONG
Related posts:
- Hoạt động sản xuất kinh doanh cao su tại Campuchia năm 2024 nhiều triển vọng
- Phát triển cao su ở miền núi phía Bắc: Góp phần "thay da đổi thịt" vùng cao
- Cao su Bình Long tổ chức đối thoại định kỳ với người lao động
- Hành trình phát triển cao su ở Lào, Campuchia: Thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị keo sơn
- Dù làm ở đâu, việc gì thì vẫn luôn cố gắng
- Cao su Chư Prông đảm bảo cây giống chất lượng cho vụ trồng mới
- Tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất tại các công ty cao su miền Trung
- Công đoàn Cao su Việt Nam trao 2 căn nhà Mái ấm Công đoàn cho công nhân Tổng Công ty Cao su Đồng Nai
- Cao su Tây Ninh Siêm Riệp vượt khó, hoàn thành nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh
- Cao su Bà Rịa Kampong Thom tổ chức lớp học nghiệp vụ quản lý tổ đội