CSVNO – Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu khác lao đao vì dịch COVID-19 thì các nhà kinh doanh gỗ vẫn giữ được đà tăng trưởng đáng chú ý trong năm 2020.
Cũng như nhiều ngành hàng khác, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 từng có những lúc gặp khó khăn lớn do dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, thời gian nửa cuối năm 2020 đánh dấu kỷ lục chưa từng có trong ngành gỗ, liên tục trong 5 tháng liền, từ tháng 7 đến tháng 11, tháng nào ngành gỗ cũng đạt hơn 1 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Thậm chí, ước cả tháng 12, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng hơn 1 tỷ USD. Qua đó lập kỷ lục 6 tháng liên tiếp, tháng nào cũng đạt hơn 1 tỷ USD.
Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho rằng ngành gỗ Việt Nam hầu như không bị gián đoạn về sản xuất, không nhà máy nào bị phong tỏa vì có ca nhiễm bệnh COVID-19.
Do đó, ngành gỗ Việt Nam không chỉ duy trì được năng lực xuất khẩu mà còn có thể lấp được vào chỗ trống do ngành gỗ ở nhiều nước bị gián đoạn sản xuất bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng, kịp thời của các doanh nghiệp gỗ trong quảng bá, bán hàng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng tốt của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt ở kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính quý IV/2020 của Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (Mã: GDT) cho thấy, doanh thu bán hàng đạt gần 125 tỷ đồng, tăng gần 20%, lợi nhuận sau thuế đạt 28 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung cả năm 2020, GDT ghi nhận doanh thu đạt gần 403 tỷ đồng, tăng 16,6%, lợi nhuận sau thuế đạt gần 80 tỷ đồng, tăng gần 8% so với năm ngoái. Qua đó, GDT đã hoàn thành cả kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2020.
Đáng chú ý, doanh nghiệp cho biết đã nhận được nhiều đơn hàng cho năm sau, với tổng giá trị khoảng 3,7 triệu USD tăng 130% so với cùng kỳ, ước đạt 25% kế hoạch cả năm 2021.
Tương tự, Công ty cổ phần MDF VRG Quảng Trị (Mã: MDF) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh tăng cả doanh thu và lợi nhuận trong quý IV năm nay.
Theo báo cáo tài chính quí IV/2020 của MDF, doanh thu của công ty đạt hơn 348,7 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với việc cắt giảm các chi phí hoạt động, lãi ròng của doanh nghiệp tăng hơn 54,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 21,3 tỉ đồng.
MDF cho biết thị trường tiêu thụ những tháng đầu năm 2020 hết sức khó khăn một phần do thời gian nghỉ tết, sản lượng tiêu thụ giảm, đồng thời do tác động của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến thị trường xuất nhập khẩu gỗ nói chung và tình hình tiêu thụ sản phẩm gỗ MDF của công ty nói riêng.
Tuy nhiên sang quý IV, tình hình kinh tế khởi sắc nên công ty tiêu thụ hết sản lượng tồn kho đồng thời sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó nên doanh thu quý IV cao hơn cùng kỳ. Cùng với phí lãi vay trên đơn vị sản phẩm thấp nên việc kinh doanh mang lại hiệu quả cao hơn, vượt nhẹ kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Một doanh nghiệp khác cũng báo lãi quý cuối năm 2020 tăng trưởng mạnh là Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Thuận An (Mã: GTA). Theo báo cáo tài chính quý IV/2020, doanh thu thuần của GTA đạt gần 144 tỷ đồng, giảm 1,7% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt gần 6,3 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2019.
Nguyên nhân khiến lãi ròng của GTA tăng mạnh có thể nằm ở việc giá vốn bán hàng giảm đã giúp lợi nhuận gộp đổi chiều tăng hơn 15,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính tăng 27%, đạt hơn 6,1 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2020, tổng doanh thu thuần đạt 568,2 tỷ đồng, giảm 14,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 18,3 tỉ đồng, tương đương mức lãi thu về của năm ngoái.
Với Công ty Cổ phần Phú Tài (Mã: PTB), kết quả kinh doanh mảng gỗ cũng là điểm sáng của doanh nghiệp trong năm 2020 khi doanh nghiệp này đã vượt 10% kế hoạch doanh thu thì gỗ đóng góp hơn 50%.
Cụ thể, kết thúc năm 2020, Phú Tài đạt 5.661 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng nhẹ 2% so với năm 2019.
Trong đó, mảng gỗ đạt 3.010 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch và chiếm 53% cơ cấu doanh thu. Lợi nhuận trước thuế của mảng gỗ là 223 tỷ đồng, vượt 27% so với kế hoạch, chiếm hơn 48% tổng lãi ròng của PTB.
Trong khi đó, doanh thu của Công ty cổ phần Chế biến Gỗ An Cường – doanh nghiệp chuyên về đồ gỗ nội thất sụt giảm bởi thị trường xây dựng trong nước chưa phục hồi. Tổng doanh thu quý IV/2020 của doanh nghiệp đạt đã giảm 18,3% so với quý IV/2019, xuống mức 1.208 tỷ đồng.
Dù vậy, nhờ giá vốn giảm và doanh thu hoạt động tài chính tăng đã góp phần kéo lợi nhuận sau thuế của An Cường tăng hơn 30% so với cùng kì 2019, đạt 148 tỷ đồng.
Tính chung cả năm, doanh thu của An Cường hơn 3.753 tỷ đồng, giảm 15,4% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt gần 492 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 1% so kết quả thực hiện năm ngoái.
theo thuongtruong.com.vn
Related posts:
- Xuất khẩu cao su của Malaysia tăng lên hơn 15 tỷ USD năm 2021
- Nhiều cơ hội hợp tác giao thương cho doanh nghiệp cao su, nhựa, giấy, sơn
- VAFI bất ngờ kiến nghị nhà nước hạ lãi suất tiền gửi về 0%
- Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó TGĐ Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam: "Sự hỗ trợ của các đối tác trong ngà...
- Chữ tín và chất lượng vỏ xe "★★★ VRG " là mục tiêu hàng đầu
- Sri Lanka nâng cao hiệu quả hoạt động của cao su tư nhân
- Sức hút từ khu công nghiệp Rạch Bắp
- Chuyên gia Jom Jacob dự báo giá cao su năm 2023: Tín hiệu tích cực
- Phát triển sản phẩm cao su thiên nhiên thương hiệu VRG theo hướng bền vững
- VRG Nhật Bản tích cực hỗ trợ các đơn vị ký kết đơn hàng