CSVN – Phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi (LTN – TTG) tại Công ty CPCS Sa Thầy đã tạo ra nhân tố xuất sắc cho đội thợ giỏi. Bên cạnh đó, sự chuẩn bị chu đáo, ôn luyện kỹ lưỡng, có sự cọ xát và thi đua trong nội bộ, đã giúp các thí sinh có niềm tin và tâm lý thoải mái khi tham dự hội thi cấp ngành.
Từ luyện tay nghề làm nên đội thợ giỏi xuất sắc
Nếu như lần đầu tiên, năm 2014 chỉ tham gia để học hỏi kinh nghiệm khi đội thợ giỏi công ty mới “chập chững” vào nghề khai thác, đến năm 2016, kết quả có 3 cá nhân được công nhận kiện tướng, thì đến hội thi năm 2018 số lượng kiện tướng được nâng lên 4.
Năm 2020, đánh dấu một sự nỗ lực vượt bậc của Đội thợ giỏi Cao su Sa Thầy, với 6 thành viên tham dự thì đã có 3 thành viên mới tham gia lần đầu và 1 trong 3 thành viên ấy đã xuất sắc đạt 100 điểm, cùng với 2 đồng đội đạt điểm tuyệt đối và giành danh hiệu Bàn tay vàng tại hội thi năm nay, đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của đội thợ giỏi công ty.
Những ngày cuối tháng 12, trời Tây Nguyên bắt đầu chuyển mùa, gió rét báo hiệu một mùa thay lá cho những cây cao su nơi đây. Tuy nhiên, không khí lao động sản xuất nơi vùng cao su Sa Thầy đứng chân vẫn rất “ấm”, ấm bởi không khí thi đua nước rút 3 tháng cuối năm cho những giọt mủ cuối vụ, và với những người thợ thì “cái ấm” ấy được lan tỏa từ thành quả mà đội thợ giỏi công ty mang về từ Phú Riềng – nơi vừa tổ chức Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su năm 2020. 3 Bàn tay vàng, 3 niềm tự hào lớn lao đã mang về cho đơn vị những niềm vui khó tả, được mọi người ngưỡng mộ, đón chào, làm cho không khí thi đua những ngày cuối năm thêm phần vui tươi và “ấm” hơn bao giờ hết.
Gặp anh Hoàng Văn Sỹ – 1 trong 3 Bàn tay vàng hội thi cấp ngành năm 2020 tại buổi gặp mặt đội thợ giỏi của lãnh đạo công ty, anh hào hứng cho biết: Qua 3 kỳ tham gia, đút rút kinh nghiệm của từng đợt và chính từ phong trào LTN – TTG được công ty phát động hàng năm, người lao động trong đơn vị đã có ý thức nâng cao tay nghề để tăng thu nhập. Mọi thợ giỏi khai thác đều nghiêm túc thực hiện, tự rèn luyện tay nghề ngay tại phần cây của mình, học hỏi thêm từ đồng nghiệp, vì vậy mà hầu hết các thành viên đều rất tự tin khi dự thi.
Tiền đề vững chắc cho tương lai
Phong trào LTN – TTG trong toàn công ty được phát động ngay từ những ngày đầu mùa vụ mới. Các nông trường, đội, tổ sản xuất và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể NLĐ. Mỗi công nhân luôn cố gắng nâng cao trình độ tay nghề, rèn luyện qua từng đường cạo, từng ngày ra vườn, mỗi giờ nghỉ ngơi thì các thợ cạo lại trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng tiến bộ. Họ ý thức rằng, yếu tố tay nghề sẽ góp phần nâng cao năng suất sản lượng và mấu chốt là tăng thu nhập của chính bản thân, gia đình và cùng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Vẫn còn cảm giác hân hoan từ niềm vui nhận được phần thưởng Bàn tay vàng từ hội thi, anh Nguyễn Văn Thế bộc bạch: Em sẽ tiếp tục hưởng ứng và vận động mọi người cùng thực hiện tốt phong trào LTN – TTG do công ty phát động hàng năm. Ngoài việc chú tâm từng đường cạo, cố gắng tìm ra giải pháp tốt hơn để nâng cao tay nghề, hy vọng sẽ tiếp tục được tham gia ở những hội thi năm sau do công ty và ngành cao su tổ chức.
Trao đổi với ông Đặng Ưng – Phó TGĐ công ty, Trưởng đoàn tham dự Hội thi cấp ngành năm 2020, ông khẳng định: Những nhân tố trong đội thợ giỏi hôm nay, sẽ là nguồn cảm hứng, là động lực, tấm gương tiêu biểu cho phong trào LTN – TTG toàn công ty trong những năm tiếp theo. Chính hiệu quả tích cực từ phong trào LTN – TTG là cơ sở để công ty tiếp tục có những định hướng, giải pháp để nâng cao trình độ tay nghề NLĐ.
ÁNH NGỌC
Related posts:
- Tập huấn bảo vệ thực vật tại Campuchia
- Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật nước thải sơ chế cao su
- Sản xuất mủ SVR 10 chất lượng cao từ mủ phụ
- Sáng kiến "phun thuốc cỏ tự chế bằng xe máy" hiệu quả và an toàn
- Hơn 70 cán bộ kỹ thuật được tập huấn về công tác bảo vệ thực vật cây cao su
- Nông trường Ya Chim (Cao su Kon Tum) phấn đấu giữ vững năng suất 2,3 tấn/ha
- Phương pháp tạo tán vườn cây KTCB tại Công ty CPCS Tây Ninh
- Trồng rừng FSC hiệu quả kinh tế gấp 1,5 lần
- Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật: Nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí
- Chuyển đổi công nghệ chế biến SVR 3L sang SVR 10, 20