CSVN – Những bờ rào đá nơi đây là một ví dụ cụ thể cho sự thích ứng, chinh phục tự nhiên của người Mông.
Lên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, ngoài việc ược chiêm ngưỡng những kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, những kiến tạo địa chất độc đáo, ta còn ngỡ ngàng, thán phục cuộc sống đầy bền bỉ của những người dân nơi đây.
Để sinh tồn và phát triển đời này qua đời khác, người dân trên Cao nguyên đá, đặc biệt là người Mông đã trở thành những chủ nhân biết thuần phục đá, biến những bất lợi của đá trở thành những ưu điểm che chở cho sự sinh sôi trên miền đá.
Bất cứ ở đâu trên Cao nguyên đá Đồng Văn, trong các bản làng người Mông, ta đều bắt gặp những bờ rào đá được xếp tay vô cùng chắc chắn, bao quanh những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường xinh xắn. Việc làm bờ rào đá dường như là nét riêng, đặc trưng của Cao nguyên đá Đồng Văn. Hỏi những người già trong các làng bản, không ai biết rào đá xuất hiện tự khi nào hoặc người Mông học cách làm rào đá từ đâu.
Chỉ biết ai sinh ra, lớn lên khi lập gia đình riêng, việc thứ hai sau khi dựng nhà thì phải làm bờ rào đá. Rào đá bao quanh các gia đình nhìn có vẻ rất giản dị, bình thường nhưng làm rào đá thì không hề đơn giản. Để có được rào đá hoàn chỉnh bao quanh một ngôi nhà và mảnh đất rộng chừng 200 – 300m2 có thể một gia đình cùng với người thân, hàng xóm mất đến hàng tháng trời đập đá, khuôn đá, xếp đá và làm một chiếc cổng gỗ có mái ngói, hoặc ranh và dán giấy đỏ đầy ý nghĩa và hết sức lãng mạn.
Nhìn những bờ rào đá bao quanh một ngôi nhà, phần nào ta có thể đoán được tiềm lực kinh tế, nếp sinh hoạt của gia đình ấy. Nhà có kinh tế thì sẽ làm rào đá dầy, cao và kỹ thuật xếp đá cũng được coi là nhất khi có thể nhờ được những người khéo léo xếp. Những viên đá xù xì, kích thước to nhỏ khác nhau nhưng khi được xếp lại với nhau cứ tự nhiên giằng, giữ lấy nhau chắc chắn.
Rào đá có độ dày khoảng 50cm và có thể cao ngang mặt một người bình thường (khoảng chừng 1,4 – 1,6m), một chiều cao khá lớn. Để kiểm tra độ chắc của nó, bạn hãy thử đưa hai bàn tay ấp vào bức đá rồi thử xô hoặc lay mạnh một cái xem sao!? Thậm chí nếu có khoảng chục người xô toát mồ hôi nó cũng không đổ. Thế mới biết không phải tự nhiên người ta lại dựng lên bờ rào đá.
Những người Mông có tuổi trên Cao nguyên đá cho biết, nếu không có bờ rào đá thì gia súc, gia cầm trong các gia đình sẽ vượt ra ngoài phá hết hoa màu, hơn nữa mùa đông trên Cao nguyên rét lắm, nếu không có rào đá thì gió rét sẽ xé nát những ngôi nhà, làm vật nuôi chết vì rét và bệnh… Rào đá của các gia đình nơi biên cương từ xa xưa cũng là thứ bảo vệ các gia đình khỏi trộm cắp, giặc giã.
Không biết rõ rào đá ra đời từ khi nào, nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, rào đá còn nguyên giá trị với tác dụng của nó là vô cùng cần thiết. Người Mông đã biết tận dụng thiên nhiên, lấy thiên nhiên để chinh phục thiên nhiên, đó là điều giải thích tại sao trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt con người vẫn tồn tại và phát triển trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Xem bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao” của Đài truyền hình Việt Nam, chắc hẳn chúng ta còn bắt gặp một tình yêu qua bờ rào đá thật lãng mạn của 2 nhân vật chính. Hãy lên với Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn vào cuối tuần, sẽ có lần bạn may mắn được chứng kiến một đôi trai, gái Mông đang thẹn thùng thổ lộ tình yêu qua một bờ rào đá.
HUY TOÁN
Related posts:
- Đỗ Hoàng Linh: Thủ khoa tỉnh Bình Phước
- Cao su - dòng chảy hào hùng
- “Lòng trung thành” - Một tác phẩm gần gũi với công nhân cao su
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024
- "Kỳ án con ruồi" và 2 câu chuyện văn hóa
- Đoàn trong trái tim tôi
- Cao su - Dòng chảy hào hùng
- Hành trình về phía mặt trời
- Tranh dân gian treo Tết - Xưa và Nay
- Phụ nữ ngành cao su phấn đấu hoàn thành sứ mệnh trong thời đại mới