CSVN – Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ được xem là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành gỗ vẫn đảm bảo tăng trưởng ít nhất 15% so với năm 2019. Ông Bùi Hữu Thêm – Phó Tổng Thư ký HAWA đã chia sẻ với PV Tạp chí Cao su VN về ơ hội phát triển của ngành gỗ Việt Nam.
– HAWA có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh và mặc dù nằm ở miền Nam, nhưng HAWA có các thành viên trên toàn quốc, liên hệ với tất cả các tỉnh thành và giữ vai trò đầu tàu của ngành gỗ Việt Nam. Xin ông chia sẻ về định hướng hoạt động của HAWA trong thời gian tới?
Ông Bùi Hữu Thêm: Hiện nay, HAWA có trên 550 hội viên trải dài từ Bắc đến Nam trên 25 tỉnh thành. Xác định phương hướng và tầm nhìn chiến lược, HAWA khẳng định tiếp tục là cầu nối với Chính phủ để vận động chính sách tốt cho doanh nghiệp. Thực hiện tốt vai trò huấn luyện đào tạo, tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp hội viên từ các hội chợ, triển lãm do HAWA tổ chức. Thu hút thêm nhiều hội viên, phát triển theo tốc độ khoảng 10 – 15%/năm. Tăng tính kết nối thành khối đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, lợi ích trong cộng đồng doanh nghiệp hội viên, sự đồng lòng, hỗ trợ nhau phát triển ổn định. Tạo cho cộng đồng doanh nghiệp hội viên có cảm hứng đóng góp tích cực theo nhiều mặt: sản xuất, tăng trưởng, môi trường, xã hội, thiện nguyện…
Với thị trường quốc tế, đến năm 2025, HAWA nỗ lực hết sức, góp phần hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, trong đó, doanh nghiệp Việt phải chiếm 60 – 70%. Thêm vào đó, HAWA sẽ thực hiện hàng loạt chương trình, thúc đẩy ngành gỗ nói chung trở thành một ngành tạo cơ hội thu hút nguồn lực mạnh mẽ vì những yếu tố như công nghệ, kích thích sáng tạo, thẩm mỹ cao, áp dụng công nghệ để chuyển lượng sản phẩm OEM thành ODM… nâng cao sức cạnh tranh, tạo lợi nhuận cao.
Tầm nhìn của HAWA trong 5 năm tới là 60% doanh nghiệp Việt xuất khẩu phải có 30% doanh nghiệp làm được những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, 20% hàng ODM, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành gỗ và nội thất, phát triển quỹ đất công nghiệp với chi phí hợp lý để làm cơ sở sản xuất và tạo ra công ăn việc làm cho cộng đồng…
Với tầm nhìn chiến lược 5 năm này, HAWA muốn đưa ngành gỗ và nội thất là ngành công nghiệp có sức hút, tăng giá trị lợi nhuận cho sản phẩm, tăng giá trị gia tăng cho ngành, tăng chuỗi cung ứng toàn diện, thu hút nhà đầu tư mới, đưa thương hiệu đồ gỗ Việt ra toàn cầu.
– Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành gỗ; theo ông ngành gỗ cần bứt phá như thế nào để phát triển? Triển vọng ngành gỗ trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Hữu Thêm: Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rộng khắp trên cả thế giới, trong đó Việt Nam là nước có tỷ trọng xuất khẩu lớn, đứng thứ 5 trên thế giới và ngành gỗ là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn. Đối với ngành gỗ, những tháng đầu năm dịch bệnh bùng phát bị ảnh hưởng rất nhiều. Trước tình hình đó, HAWA đã có nhiều chương trình nhằm hỗ trợ hội viên vượt qua dịch Covid và đặc biệt có những phương án làm sao để trong tình hình khó khăn, các doanh nghiệp cũng không ngừng phát triển. Một trong những minh chứng đó là HAWA đã ra mắt nền tảng hội chợ triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam mang tên HAWA Online Platform for Exhibition (HOPE), vào ngày 7/8. Không cần phải đến các hội chợ, triển lãm trực tiếp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, nội thất vẫn có thể giới thiệu chi tiết, sinh động từng sản phẩm và cả không gian showroom trưng bày, nhà xưởng sản xuất của mình đến các khách hàng khắp nơi trên thế giới.
Hiện tại, tại địa chỉ: http://hopefairs.com, HOPE đã quy tụ 100 showroom trực tuyến bao gồm nhà sản xuất và xuất khẩu nội thất Việt Nam, với hàng nghìn sản phẩm tiêu biểu và từng bước kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn trên toàn cầu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, xuất khẩu đồ gỗ, nội thất cho doanh nghiệp Việt. Nhiều doanh nghiệp qua đó đã có được đơn hàng mà “không tiếp xúc”.
Nhờ hội chợ triển lãm trực tuyến của HAWA, dù phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh Covid, năm 2020 ngành gỗ vẫn đảm bảo tăng ít nhất 15% so với năm 2019. Năm 2019 vừa rồi kim ngạch toàn ngành gỗ đạt 11,2 tỷ USD. Theo dự kiến năm 2020, mặc dù Covid-19 gặp nhiều khó khăn, nhưng năm nay dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 12,5 tỷ USD, điều đó nằm trong tầm tay, không có gì quá xa.
Ngành gỗ được Chính phủ đánh giá là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Ngành gỗ hiện đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, mỗi năm sẽ tăng từ 10 – 15%, đến năm 2022 tăng lên 13,5 – 14 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2025 là 20 tỷ USD là có khả năng đạt được. Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật trong nước cùng với các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới được Việt Nam ký kết như: CPTPP, EVFTA và RCEP.
Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới có mức độ cam kết cao, toàn diện sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, giúp doanh nghiệp gỗ Việt tiệm cận vị trí “mắt xích” quan trọng trong các chuỗi giá trị sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng toàn cầu, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các người mua hàng tiềm năng, thúc đẩy tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ giữa Việt Nam và nhiều khu vực, nhiều quốc gia. Đặc biệt ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4 – 6 năm sau khi các Hiệp định có hiệu lực giúp ngành gỗ Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác.
-Trân trọng cảm ơn ông!
TRẦN HUỲNH (thực hiện)
Related posts:
- Công đoàn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Công đoàn Cao su Việt Nam ký quy chế phối ...
- Một lòng với nghề
- Tháng cuối năm ở Cao su Nghệ An
- Để vững vàng vượt "bão giá"
- Trong gian khó, có niềm tin!
- "Đẩy mạnh tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng"
- Xôn xao tiếng gọi vào mùa
- Cao su Đồng Phú chia cổ tức 50%
- Tọa đàm “Người truyền lửa” ôn lại truyền thống vẻ vang của Đoàn
- Tích cực hỗ trợ các công ty khắc phục thiệt hại sau bão số 9