Phát huy thế mạnh từ phong trào thi đua

CSVN – Do nắng hạn kéo dài, cuối tháng 7 công việc khai thác mới được bắt đầu. Nhưng đến 15/11 Nông trường An Biên (Cao su Chư Prông) vẫn đạt trên 82% kế hoạch, dự kiến kết thúc năm sẽ vượt khoảng 5%. Có được kết quả này, Ban lãnh đạo nông trường đã vận dụng sáng tạo, phát huy thế mạnh của phong trào thi đua, nhất là thi đua nước rút 3 tháng cuối năm.

Ông Võ Toàn Thắng – TGĐ công ty trao thưởng đột xuất cho các cá nhân về đích sớm của Đội 31 – Nông trường An Biên
Thi đua ở nơi khó nhất công ty

Là một nông trường non trẻ, hình thành từ năm 2010 trên đất rừng nghèo kiệt của xã Ia Mơr thuộc huyện Chư Prông. Đến nay, Nông trường An Biên đã có 659 ha cao su khai thác và sớm nhất mới năm thứ 4, lao động trên 94% là đồng bào nên quá trình sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Cuộc sống nơi biên giới cũng hết sức khắc nghiệt với thời tiết nắng hạn, giao thông đi lại chưa thuận tiện, nơi ăn chốn ở còn tạm bợ, nhất là khó khăn về nguồn nước khi nước từ giếng đào hay khoan chỉ có thể dùng để tắm giặt, còn ăn uống thì phải mua từ ngoài huyện hay các xã khác chở vào.

Vùng đất khó cũng tạo ra những con người cần cù, chịu khó và siêng năng. Chị Kpuih Phiệt – Công nhân Đội 31 chia sẻ: “Mình đến đây làm công nhân cao su từ năm 2012, cuộc sống ban đầu đến nay vẫn còn rất khổ cực vì không thể làm nhà do chính quyền không cho chuyển đổi sang đất nhà ở, nguồn nước ăn phải đi mua, xa chợ, xa trường học…nhiều lần có ý định nghỉ làm, nhưng từ ngày có cao su khai thác thì tiền lương và thu nhập của gia đình mình được cải thiện, nhất là những tháng cuối năm 2020 được công ty, Công đoàn nông trường thưởng nhiều lần vì hoàn thành kế hoạch sớm”.

Anh Vũ Đức Hậu – Phó Giám đốc, kiêm chủ tịch Công đoàn nông trường cho hay: “Do vườn cây và con người của nông trường đặc thù hơn các đơn vị khác, nên việc khai thác vượt sản lượng của công nhân ở đây càng trở lên khó khăn. Nếu tính sản lượng trên từng cây thì công nhân có thể đạt, nhưng nếu tính năng suất/ha thì ở đây không ai đạt yêu cầu do tỷ lệ cây đủ điều kiện khai thác là khá thấp. Chính vì thế, chúng tôi phải linh động và bằng nhiều cách để đưa phong trào thi đua, đưa cơ cấu tiền thưởng cũng như hình thức thưởng nhiều hơn cho anh em công nhân phấn khởi, làm động lực phấn đấu”.

Ưu tiên những điều kiện tốt nhất

Không những ban lãnh đạo nông trường linh động, có nhiều cách làm để kích thích tinh thần công nhân hăng say lao động.

Lãnh đạo công ty cũng có nhiều ưu tiên cho nông trường nơi biên giới, ông Võ Toàn Thắng – TGĐ công ty cho biết: “Chúng tôi có nhiều ưu tiên cho lao động của Nông trường An Biên, trước hết là đơn giá tiền lương ở đơn vị này cao nhất công ty, phân bón và vật tư cho vườn cây luôn cấp phát sớm, tiền lương luôn chi trả sớm hơn cùng một số chế độ khác để anh em công nhân yên tâm công tác. Trong thi đua, chúng tôi vẫn có những sự ưu ái riêng cho người lao động nơi đây, những đề xuất kiến nghị của nông trường đều được lãnh đạo công ty ưu tiên giải quyết trước”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Trần Văn Trọng – Đội 30 kể: “Cũng nhờ lãnh đạo nông trường và công ty quan tâm nên anh em công nhân ở đơn vị chúng tôi rất hiểu và chia sẻ, từ đó cố gắng, nỗ lực sát cánh cùng đơn vị vượt qua nhiều khó khăn trong thời gian qua”.

Để có một giọt mủ vượt, công nhân của Nông trường An Biên phải nỗ lực gấp đôi, thậm chí là gấp 3 so với những đồng nghiệp ở nông trường khác. Rõ ràng, trong gian khó như ở một nông trường vùng biên thì việc linh động, biết cách phát huy thế mạnh từ phong trào thi đua là cần thiết và hiệu quả. Có như vậy mới mong giữ chân người lao động ở lại lâu dài, gắn bó với vườn cây.

VĂN VĨNH