CSVN – Sau hơn 1 năm phát động phong trào thi đua “Giúp nhau trở thành thợ giỏi” của Công đoàn Cao su Chư Prông, số lượng CN khai thác mủ cao su có tay nghề khá giỏi ở các nông trường tăng lên, từ đó năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và thu nhập của CN cũng được nâng cao.
Trước mỗi vụ khai thác mới, công ty đều tập huấn cho số CN khai thác mới và đào tạo lại cho đội ngũ CN cũ để nâng cao tay nghề, tuy nhiên vẫn còn tình trạng CN cạo sai làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng vườn cây.
Trước tình hình đó, đầu năm 2019, Công đoàn công ty đã phát động phong trào “Giúp nhau trở thành thợ giỏi”. Sau khi phát động phong trào đã được đông đảo CN các nông trường hưởng ứng và mỗi CN có tay nghề giỏi được phân công giúp đỡ từ 1-3 CN có tay nghề yếu hơn.
Chị Rơ Mah Xuyn, một CN có tay nghề giỏi của đội 6 NT Thanh Bình cho biết: “Tôi được đội giao nhiệm vụ giúp CN Siu Nhung có tay nghề giỏi. Siu Nhung là CN trẻ mới vào nghề nên tay nghề còn yếu, nên vậy khi nhận nhiệm vụ tôi luôn sát sao với bạn ấy, hướng dẫn cặn kẽ từng chi tiết một. Để có đường cạo chuẩn và đẹp, ngoài việc thuộc nằm lòng kiến thức về kỹ thuật khai thác, tôi còn rèn luyện kỹ năng cho Siu Nhung đến khi trở thành thói quen. Để cho bạn ấy thấy rõ tác dụng của việc cạo đúng, cạo chuẩn thì tôi cạo thử 1 hàng cây và từ đó để so sánh với hàng cây mà bạn ấy cạo. Kết quả là lượng mủ hàng cây tôi cạo tăng gần 30% so với hàng cây bạn ấy cạo”.
Siu Nhung chia sẻ: “Em vui lắm, được chị Xuyn tận tình chỉ bảo nên đến nay qua xếp loại hàng tháng tay nghề em đều đạt khá và giỏi, sản lượng mủ của vườn cây cũng được nâng lên, từ đó thu nhập hàng tháng của em cũng được tăng lên”.
Là CN gắn bó với Nông trường Đoàn Kết khá lâu, chị Rơ Mah Búp CN ở đội 9 nhận thấy việc rèn luyện để nâng cao tay nghề là yếu tố quyết định đến việc khai thác vườn cây đúng kỹ thuật, duy trì ổn định hết chu kì khai thác và sản lượng mủ đạt chất lượng cao. Với vai trò là nhân tố tích cực trong phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, chị Búp luôn vận động CN quan tâm, chăm sóc tốt vườn cây từ khâu làm cỏ đến bón phân, chống cháy, bôi thuốc mặt cạo; không ngừng luyện tập tay nghề ngay tại vườn cây và yếu khâu nào thì luyện khâu đó; luôn đi cạo đúng giờ, không bỏ cây cạo, bỏ phần cạo hoặc bỏ phiên cạo thì mới tận thu hết được năng suất của vườn cây… Bản thân chị cũng nhận giúp đỡ 2 CN khai thác mới vào nghề nên tay nghề còn yếu.
Đánh giá về hiệu quả của phong trào thi đua “Giúp nhau trở thành thợ giỏi”, ông Trần Văn Tiến – Chủ tịch Công đoàn Cao su Chư Prông nhấn mạnh: Từ phong trào này, năm 2019 vừa qua đã có 44 CN tay nghề yếu qua giúp đỡ đã trở thành tay nghề khá và giỏi và nhờ tay nghề được nâng lên nên sản lượng đều đạt, vượt chỉ tiêu giao khoán, chất lượng vườn cây được nâng lên, đảm bảo cho cả chu kỳ khai thác có năng suất cao, bền vững.
Tỷ lệ CN có tay nghề khá, giỏi bình quân trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 78,4% (tăng 4,4% so với năm 2019) và tỷ lệ thợ trung bình, kém giảm tương ứng. Năm 2020 đã có 120 thợ giỏi nhận giúp đỡ cho 175 thợ có tay nghề yếu, kém. Với hiệu quả mang lại chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào này trong những năm tiếp theo với mong muốn 100% CN đề đạt tay nghề khá giỏi, từ đó cùng với giải pháp thiết thực của công ty nâng cao sản lượng hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh mà Tập đoàn giao.
HÀ ĐỨC THÀNH
Related posts:
- Cảnh báo bệnh rụng lá Pestalotionpsis trên vườn cây cao su
- Dây dẫn mủ bằng thép, mang lại hiệu quả cao
- MDF VRG Kiên Giang: Tiết kiệm 290 triệu đồng/tháng nhờ sử dụng tràm bông vàng sản xuất ván MDF CARB,...
- Cao su Nghệ An: Hơn 8.500 cây cao su ảnh hưởng nặng do mưa lũ
- Đảng bộ VRG góp sức xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội giữ vững an ninh quốc phòng
- Cao su Dầu Tiếng - Lai Châu: Nỗ lực vượt khó trong mùa mưa, phấn đấu vượt sản lượng
- Nệm Đồng Phú khai trương nhà phân phối tại Campuchia
- Để những bàn tay vàng vươn xa, vươn cao
- "Cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút tuyển dụng và ổn định lao động"
- 4 giải pháp cho nông nghiệp Tây Nguyên