Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh với ngành cao su Việt Nam

CSVNO – Với ngành cao su Việt Nam, dấu ấn sâu đậm nhất của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tập trung ở hai thời kỳ ông giữ trách nhiệm Bí thư chi bộ đồn điền cao su Lộc Ninh – Bí thư Huyện ủy lâm thời Hớn Quản, và Chủ tịch nước – Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch nước, Đại tướng (1/12/1920), Tạp chí Cao su VN giới thiệu bài viết của Đại tá, PGS, TS. Hồ Sơn Đài về Đại tướng với ngành cao su.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân thăm VRG
Từ đồn điền cao su Lộc Ninh

Sau khi rời bỏ công việc cu ly quét dọn, chế biến thực phẩm nguội và đánh máy thuê ở Đà Lạt, năm 1942, ông đến miền Đông Nam bộ, xin vào làm thuê tại đồn điền cao su Lộc Ninh. Đồn điền cao su Lộc Ninh (Usine centrale de Plantion de Loc Ninh) thuộc Công ty cao su Viễn Đông (Société de Caoutchoues d’Extrêne-Orient – CEXO, ra đời năm 1910, trụ sở đặt tại Paris)  là kết quả của cơn sốt thành lập đồn điền cao su gắn liền với việc cướp đất đai của đồng bào các dân tộc đầu thế kỷ XX.

Tại đây, trong lúc làm phu chế biến và chuyển cấp thực phẩm cho 12 làng của đồn điền, Lê Đức Anh có điều kiện đi lại, tiếp xúc và bắt đầu tổ chức hoạt động cách mạng trở lại. Ông thành lập nghiệp đoàn phu cao su tại 12 làng thuộc đồn điển cao su Lộc Ninh, chỉ đạo vận động công nhân tranh thủ tăng gia sản xuất, ăn ở vệ sinh, ngủ mắc màn chống muối sốt rét, không đánh bài bạc, xây dựng tình yêu thương đoàn kết giữa người Việt Nam với người Việt Nam; từ đó tuyên truyền xây dựng các tổ chức nòng cốt của cách mạng. Tiến thêm bước nữa, ông bí mật thành lập các đơn vị vũ trang tự vệ mật, mua sắm vũ khí và luyện tập quân sự.

Khi Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một thành lập (năm 1943), Lê Đức Anh được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh phụ trách chỉ đạo phong trào ở đồn điền cao su Lộc Ninh và toàn bộ vùng nông thôn phía bắc tỉnh Thủ Dầu Một. Tháng 2-1944, chi bộ Đảng Cộng sản ở Lộc Ninh được thành lập gồm 4 đảng viêndo Lê Đức Anh làm Bí thư. Ông cùng Chi bộ lãnh đạo xây dựng phát triển lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng trong công nhân cao su, nhân dân trong vùng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, chuẩn bị đón thời cơ vùng lên khởi nghĩa.

Đại tướng Lê Đức Anh (thứ ba từ trái sang) trong một cuộc họp của Bộ Chỉ huy miền ở căn cứ Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước ngày nay) năm 1972, khi đó ông đang là tham mưu trưởng. Ảnh: TƯ LIỆU

Đến đầu năm 1945, ngoài lực lượng vũ trang tự vệ mật, đồn điền cao su Lộc Ninh thành lập một số hội cứu quốc như thanh niên, phụ nữ, mặt trận. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Quân Nhật đến Lộc Ninh, hất cẳng Pháp, chiếm giữ các vị trí quan trọng ở thị trấn, đồn điền cao su và đồn biên phòng dọc biên giới Việt Nam – Campuchia. Trước tình hình trên, ông Lê Đức Anh ráo riết chỉ đạo phát triển lực lượng bán vũ trang, xây dựng các đơn vị Thanh niên Tiền phong. Đến tháng 8-1945, ở Lộc Ninh lực lượng bán vũ trang ở Lộc Ninh (gồm cả tự vệ chiến đấu mật và Thanh niên Tiền phong) lên đến một trung đội. Ngày 24-8-1945, ông cùng chi bộ đồn điền Lộc Ninh lãnh đạo lực lượng quần chúng có sự hỗ trợ của các đơn vị vũ trang lật đổ chính quyền thực dân, thành lập ủy ban công nhân tự quản trong đồn điền và ủy ban nhân dân tại các làng ở Lộc Ninh.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, theo sự phân công của Tỉnh ủy Lâm thời Thủ Dầu Một, ông Lê Đức Anh tiếp tục chỉ đạo nhân dân khu vực Lộc Ninh – Hớn Quản kiện toàn chính quyền cách mạng, ổn định đời sống, xây dựng lực lượng vũ trang. Bản thân ông trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang tập trung tại Lộc Ninh (gồm hai trung đội), chủ yếu là công nhân cao su và thanh niên người dân tộc thiểu số ở địa phương. Đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ của hai trung đội này đều mặc áo màu nâu, nên thường được nhân dân gọi là “Bộ đội áo nâu”. Trong những ngày mới thành lập, vừa củng cố lực lượng, vừa huấn luyện các đơn vị “Bộ đội áo nâu” dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lê Đức Anh đã tham gia chiến đấu tại mặt trận số 2 bao vây quân Pháp trong thành phố Sài Gòn và cơ động bảo vệ phái viên Trung ương Nguyễn Bình tại Chiến khu Đ.

Thực hiện quyết nghị của Hội nghị An Phú Xã (Gia Định) do Nguyễn Bình triệu tập, ngày 25-11-1945, lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một hợp nhất lại, thành lập Chi đội Vệ quốc đoàn, mang phiên hiệu số 1. Chi đội có ba đại đội. Đại đội 3 do Nguyễn Văn Ngọ (tự Quý) làm đại đội trưởng, Lê Đức Anh làm Chính trị viên. Địa bàn hoạt động của Đại đội vẫn là vùng cao su Lộc Ninh, Hớn Quản. Đầu năm 1946, Lê Đức Anh được điều về giữ trách nhiệm Chính trị viên Chi đội 1. Từ đây, ông cơ động trên nhiều vùng chiến trường với các chức vụ khác nhau, xa dần địa bàn cao su miền Đông Nam bộ.

Đến ngành cao su Việt Nam
Ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, TGĐ VRG thăm, chúc thọ Đại tướng vào năm 2014

Tháng 8-1991, Đại tướng Lê Đức Anh được bầu làm Chủ tịch nước. Đó là thời điểm ngành cao su Việt Nam vừa bước qua giai đoạn đầu thực hiện cơ chế đổi mới, khẳng định vị trí quan trọng của ngành trong nền kinh tế quốc dân. Đó cũng là thời điểm tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động lớn. Chiến tranh lạnh kết thúc, xu thế hòa bình đối thoại dần thay thế xu thế đối đầu, quan hệ Việt Nam – ASEAN, Việt Nam – Trung Quốc được cải thiện.

Ở cương vị mới, trong bộn bề công việc, Chủ tịch nước Lê Đức Anh vẫn luôn quan tâm chỉ đạo ngành cao su Việt Nam. Ông trao đổi với Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, sau đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc phát huy sức mạnh tổng hợp, phát triển nền kinh tế nội sinh. Ông xúc tiến chính sách đối ngoại mở cửa, tạo điều kiện để các ngành kinh tế, trong đó có cao su vượt qua những khó khăn lớn về vốn và thị trường tiêu thụ do sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Mỗi lần đi công tác hoặc về nhà riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi có điều kiện tiếp xúc, ông đề tranh thủ trao đổi với Tổng cục trưởng Phạm Sơn Tòng, rồi Tổng Giám đốc Trương Văn Tươi (Tư Cao) về phương hướng đổi mới cơ chế quản lý của ngành. Ông thường nói: “Thời Tây làm chủ đồn điền, bộ máy nhân sự gọn nhưng rất hiệu quả. Tư bản đồn điền thu lợi nhuận cao, đời sống của công nhân cũng được chú ý đầy đủ. Mức sống của một công nhân trung bình ở Lộc Ninh có thể tương đương với các gia đình trung lưu lúc bấy giờ. Vậy nên, đổi mới trong ngành cao su, trước hết là đổi mới về cơ chế”.

Cũng do đó, từ năm 1991, Tổng cục, rồi Tổng công ty Cao su Việt Nam bắt có nhiều thay đổi về tổ chức quản lý theo hướng gọn nhẹ, chú trọng tính hiệu quả, phù hợp với các quy luật khách quan của cơ chế thị trường. Đến năm 1995, Tổng Công ty cao su Việt Nam được thành lập trên cơ sở sắp xếp các doanh nghiệp quốc doanh thuộc Trung ương và địa phương về sản xuất, lưu thông và dịch vụ cao su. Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty cao su Việt Nam quy định quy chế mới, theo đó, Tổng công ty thực hiện nhiệm vụ kinh doanh cao su theo quy hoạch và kế hoạch phát triển cao su của Nhà nước, bao gồm: nhận và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác; xây dựng kế hoạch phát triển, đầu tư, tạo nguồn vốn đầu tư, cung cấp vật tư thiết bị, trồng trọt, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xuất nhập khẩu, liên doanh liên kết với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước. Bên cạnh Tổng Công ty, điều hành ngành còn có Hội đồng Quản trị, từ đó từng bước xóa bỏ cơ chế hành chính về quản lý Nhà nước.

Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng từ năm 1991, ngành cao su Việt Nam từng bước đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Sản lượng khai thác và chế biến ngày một tăng: năm 1991 là 59.344 tấn (101,70%), năm 1993 là 79.289 tấn (104,33%), năm 1995 là 118.640 tấn (107,85%). Chất lượng sản phẩm được nâng cao. Thị trường xuất khẩu mở rộng ra cả khu vực trước đây vốn rất khó tính và dần ổn định. Đội ngũ công nhân ngày càng được trẻ hóa với trình độ tay nghề cao. Đời sống công nhân cao su được cải thiện rõ rệt do thu nhập tăng từ sản xuất kinh doanh và do sự phong trào làm kinh tế hộ gia đình phát triển. Thành tựu nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của Đại tướng Chủ tịch nước Lê Đức Anh với các chủ trương vĩ mô và những ý kiến chỉ đạo cụ thể.

Trong cuốn hồi ký chưa kịp xuất bản của mình, Đại tướng viết: “Có thể nói nhiệm kỳ 1991-1997 mà tôi được giao trọng trách Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch nước cũng là giai đoạn Việt Nam chúng ta triển khai toàn diện, có hiệu quả công cuộc đổi mới đất nước với một nỗ lực rất cao của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tôi cho rằng nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển so với các quốc gia, dân tộc khác cũng không nhẹ hơn nỗi nhục mất nước. Cuộc đấu tranh chống nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh sẽ khó khăn, gian khổ và lâu dài hơn cuộc đấu tranh chống xâm lược. Vì vậy, mỗi thành viên của cộng đồng dân tộc, mọi công dân Việt Nam phải bền chí gấp nhiều lần, phải thực sự vì nước, vì dân, kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân, gia đình, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội; phát huy đầy đủ khả năng của các thành phần kinh tế, giải phóng ngày càng lớn lực lượng sản xuất của đất nước, tích cực áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần của xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội, với củng cố quốc phòng và an ninh”!

ĐẠI TÁ, PGS, TS. HỒ SƠN ĐÀI