CSVNO – Theo thông tin từ Tập đoàn Cao su Quốc tế (International Rubber Consortium Limited (IRCo), bệnh rụng lá Pestalotiopsis đã xảy ra vào năm ngoái đang bùng phát trở lại tại Thái Lan.
Các báo cáo chính thức từ thực địa, video và hình ảnh liên quan đã cho thấy tình hình nghiêm trọng của các đồn điền cao su ở tỉnh Phang-Nga. Dự đoán điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.
Các đồn điền nằm ở phía Tây Nam của Thái Lan là khu vực sản xuất cao su tự nhiên chính của nước này, đã bị nhiễm trở lại bệnh rụng lá Pestalotiopsis. Khi bị nhiễm bệnh, cây sẽ bị rụng lá tương tự như mùa thay lá hàng năm.
Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAOT) đã khuyến cáo nông dân không nên thu hoạch cao su từ những cây hoặc đồn điền bị ảnh hưởng vì nó sẽ làm cho cây bị suy kiệt. Ông Jom Jacob, chuyên gia ANRPC cho rằng điều này sẽ dẫn đến việc nông dân sẽ phải nghỉ cạo sớm hơn khoảng 45 ngày so với thông thường (khoảng nửa cuối tháng 1 hàng năm) và việc lá rụng bất thường tái diễn có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất trong hai năm tới.
Các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế (IRRDB) đã chỉ ra một trong những nguyên nhân chính làm cho cây dễ bị nhiễm loại bệnh này là do cây cao su bị suy kiệt vì không được chăm bón tốt trong một thời gian dài. Điều đáng quan tâm nhất là thời điểm này đang là thời kỳ sản xuất cao su cao nhất của Thái Lan.
Năm ngoái RAOT báo cáo rằng các khu vực bị ảnh hưởng của bệnh này tập trung và chỉ được tìm thấy ở các tỉnh dọc theo biên giới Thái Lan-Malaysia. Vào tháng 11 năm 2020, RAOT báo cáo rằng tổng diện tích bị ảnh hưởng ước tính khoảng 65.000 – 90.000 ha (90.000 ha cho khoảng 132.000 tấn cao su hàng năm).
Mặc dù 80% diện tích bị ảnh hưởng vẫn nằm dọc theo khu vực biên giới, nhưng căn bệnh này đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh ở miền nam Thái Lan, ngoại trừ 2 tỉnh nằm ở khu vực phía trên là Chumporn và Ranong. Điều khiến Chính phủ Thái Lan lo lắng là trong trường hợp xấu nhất, khu vực bị ảnh hưởng trong tương lai gần có thể lây lan nhanh chóng và tác động sẽ trầm trọng hơn vì mầm bệnh đã phát triển và bám rễ ở hầu hết các khu vực ở miền Nam.
Trên thực tế, việc loại bỏ hoặc kiểm soát sự lây lan của mầm bệnh này, có thể là Pestalotiopsis hoặc Colletotrichum – là rất khó khăn và đầy thách thức – chỉ đơn giản là do các bào tử nằm rải rác khắp nơi từ mặt đất đến ngọn của cây cao su.
Vì đây là một loại bệnh lây truyền qua đường không khí nên có khả năng cao nó sẽ lây lan sang khắp Thái Lan và các nước lân cận như Myanmar, Campuchia, Lào và đến Việt Nam nếu không được chữa trị. Các nhà nghiên cứu đã nhận định rằng các yếu tố môi trường ở Thái Lan là phù hợp và thuận lợi cho mầm bệnh này phát triển và lây lan nhanh hơn Phytophthora – một loại bệnh cao su phổ biến ở khu vực này.
Ba tổ chức cao su quan trọng trong khu vực và quốc tế là Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế (IRRDB), Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Tự nhiên (ANRPC) cũng như Hội đồng Ba bên Cao su Quốc tế (ITRC) đã cảnh báo và sẵn sàng để cùng hợp tác tìm cách giảm thiểu và giải quyết vấn đề nghiêm trọng này của ngành cao su thiên nhiên.
NGUYỄN ANH NGHĨA (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)
và https://www.facebook.com/groups/1432270323668049
Related posts:
- Công đoàn Cao su Việt Nam trao nhà Mái ấm công đoàn cho công nhân Cao su Kon Tum
- Ý nghĩa "Bữa cơm Công đoàn"
- Cao su đứng vững ở miền núi phía Bắc
- Cao su Chư Mom Ray đưa hơn 1.000 ha vào cạo mới
- Nâng cao hiệu quả sản xuất cao su
- Sản xuất SVR 10, 20 theo công nghệ mới nhằm giảm suất đầu tư
- 45 thí sinh thi an toàn vệ sinh viên giỏi
- Cao su Phú Riềng chuẩn bị tốt nhất cho Hội thi
- Phải kiểm soát bằng được các ổ dịch trong khu công nghiệp
- Đẩy mạnh thi đua nước rút hoàn thành nhiệm vụ năm 2020