CSVN – Đó là chia sẻ của ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT Cao su Đồng Nai khi nói về nguồn nhân lực để đáp ứng cho yêu cầu phát triển của TCT trong giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo.
– Xin ông cho biết những thách thức TCT đang đối mặt và bước đột phá trong giai đoạn này như thế nào?
Ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT: Đại hội Đảng bộ TCT nhiệm kỳ 2020 – 2025 được tổ chức thành công đã thống nhất nhiều chỉ tiêu thực hiện trong 5 năm tới của TCT. Từ kết quả hoạt động giai đoạn 2015 – 2020, tổng doanh thu của TCT khoảng 9.700 tỷ đồng, con số này đã đặt ra yêu cầu TCT phải có quy mô hoạt động tương xứng với tiềm năng và phù hợp với xu hướng phát triển của VRG trong thời gian tới.
Trên cơ sở thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, chúng tôi xây dựng định hướng phát triển trong 5 năm tới để làm sao trong giai đoạn 2020 – 2025 tổng doanh thu phải đạt được 14.600 tỷ đồng, lợi nhuận 4.500 tỷ đồng. Đây là trọng trách rất nặng nề trong môi trường TCT có nhiều thách thức như hiện nay, chủ yếu tập trung vào các yếu tố sau: Thứ nhất, thị trường cao su vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng, thêm vào đó dịch bệnh Covid – 19 đã tác động làm cho thị trường chuyển động chậm trong các vấn đề về giá và nhu cầu cao su.
Thứ hai, tổng số lao động hiện nay của TCT có hơn 4.500 người, trong đó lực lượng khai thác 3.600 người. Lực lượng lao động vẫn đang còn thiếu, ở một số nông trường lao động khai thác chỉ đạt 60 – 65%. Việc thiếu lao động có nhiều nguyên nhân, tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm của khu vực, vì vậy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh chóng, đặc biệt là dự án sân bay Long Thành đã kéo theo quy hoạch vùng của địa phương thay đổi mạnh mẽ trong nhiều năm tới đây. Nhiều ngành nghề mới phát triển sẽ thu hút lao động địa phương và các tỉnh lân cận.
Thứ ba, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất, trong đó chuyển đất nông nghiệp sang công nghiệp. Vì vậy, diện tích cao su sụt giảm 5.000 ha trong toàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025.
Trước những thách thức đó, TCT sẽ phát huy những tiềm năng sẵn có, phát triển về quy mô nhưng không thiên về nông nghiệp. Tổng doanh thu sẽ tập trung ở ngành công nghiệp dịch vụ như mở rộng phát triển KCN ngành nghề chính, dịch vụ chợ đầu mối, đầu tư logictis, dịch vụ nông nghiệp cây cao su như cơ giới hóa, tự động hóa trên vườn cây.
TCT đã và đang nhanh chóng hình thành các công ty con chuyên về dịch vụ nông nghiệp cho cây cao su để đưa vào hoạt động. Mục tiêu trong 5 năm tới, doanh thu cao su chỉ còn khoảng 45%, còn lại là ngành nghề khác, chúng tôi cũng xây dựng tối thiểu 1 sản phẩm tinh chế mang thương hiệu của Cao su Đồng Nai.
– Trước những yêu cầu phát triển của TCT trong tình hình mới, xin ông cho biết TCT đã có bước chuẩn bị về nguồn nhân lực như thế nào?
Ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT: Trước yêu cầu phát triển của TCT, nhu cầu về nhân lực cần phải có sự thay đổi lớn, không chỉ ở mảng lao động trực tiếp mà lao động quản lý, dịch vụ, phụ trợ, quản lý cấp cao cũng phải có những điều chỉnh để phù hợp. Có thể khẳng định rằng, nhân lực là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả của TCT trong giai đoạn 5 – 10 năm tới.
Công tác về nhân sự là một công tác phức tạp,
chính vì vậy Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV, Ban TGĐ TCT đã đề ra định hướng trong công tác nhân sự. Đầu tiên là quy hoạch, định vị các vị trí, đơn vị hình thành để từ đó đưa ra nhu cầu về nhân sự. Đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn trong công tác quy hoạch, không chỉ là các tiêu chuẩn về chuyên môn mà còn về chính trị đạo đức, tầm nhìn, phong cách làm việc.
Trong sơ đồ quy hoạch nhân sự, TCT ưu tiên lực lượng cán bộ trẻ và nữ. Đồng thời, tạo điều kiện để các em tham gia nhanh trong công tác quản lý ở độ tuổi 30, từ 30 – 35 tuổi sẽ bố trí chức danh phó – trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc các nông trường. Việc quy hoạch nhân sự đảm nhận vị trí cán bộ chủ chốt nằm trong khoảng 40 – 45 tuổi để các em có thời gian phát triển xuyên suốt, gắn bó với đơn vị. Đối với nhân sự trong công tác nông nghiệp, TCT đặt trọng tâm lớn vì đây là công việc đặc thù nên yêu cầu cán bộ kỹ thuật phải gắn bó xuyên suốt các nông trường, dự án công ty con trong và ngoài nước.
Ngay từ bây giờ, TCT đào tạo bổ sung lực lượng này. Và để thu hút được nhân tài, chúng tôi sẽ tạo môi trường làm việc tốt khi đến làm việc, không chỉ đãi ngộ về tiền lương thu nhập, mà còn nhiều vấn đề khác như động lực làm việc, môi trường thăng tiến để các bạn có tâm huyết và trách nhiệm với công việc. Trong quan điểm làm việc, TCT xây dựng quan hệ làm việc không ranh giới, không có khoảng cách phòng ban nông trường, luôn luôn trao đổi công việc liên tục. Công việc của bộ phận nào hướng đến giải quyết tổng thể. Để làm được vậy cần phải có thời gian tạo dựng.
– Nhưng, theo đề án tái cơ cấu đơn vị cần phải sắp xếp lại các đầu mối quản lý và tinh giản nhân sự, xin ông cho biết thêm về vấn đề này?
Ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT: Hiện nay, TCT đang thực hiện đề án định biên nhân sự, giảm từ 13,5% xuống còn 9%, phấn đấu giảm xuống còn 8% để tinh giản bộ máy quản lý. Trên cơ sở đó nâng mức tiền lương của NLĐ, thu hút được lao động mới – trẻ – giỏi về làm việc cho TCT. Đến năm 2021, lương bình quân sẽ tăng lên 12,2 triệu đồng/người/tháng, đây là đột phá lớn trong công tác về lao động tiền lương. Đề án này sẽ thực hiện xong vào năm 2021 và có hiệu quả trong việc sử dụng lao động quản lý.
Về các đầu mối quản lý, TCT luôn linh hoạt, thay đổi để phù hợp với từng thời kỳ. Trước đây có 13 nông trường, 13 phòng ban, sau đó để nâng dần hiệu quả hoạt động, quản lý nên TCT đã sắp xếp lại còn 10 nông trường.
Công tác tổ chức nhân sự rất quan trọng, vì yêu cầu phát triển doanh nghiệp không cho phép dư thừa, nên phải rà soát để tiết giảm chi phí nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh sắp xếp tổ chức, cần rà soát rõ ràng về nhân sự, trước đây có những vị trí chuyên trách nhưng hiện nay các vị trí TCT phải có sự kiêm nhiệm, để chức năng này hòa nhập tốt hơn với các chức năng khác.
Việc làm này của TCT trong thời gian qua được lãnh đạo VRG đồng tình, ủng hộ. Về nguyên tắc, TCT tạo điều kiện tối đa cho con em NLĐ trong ngành tiếp tục làm việc, nhưng có yêu cầu phải nâng dần kiến thức chuyên môn và có những đóng góp, cống hiến cho đơn vị phát triển, chứ không chỉ là người thụ hưởng. Mới đầu, công tác tinh giản, sắp xếp đầu mối gặp nhiều khó khăn nhưng dần dần đã tạo được sự đồng lòng.
– Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
HÀ KHUÊ (thực hiện)
Related posts:
- Chủ động phòng chống cháy mùa khô
- Vận dụng lợi thế để phát triển, bứt phá
- Các doanh nghiệp gỗ khu vực Tây Nguyên nỗ lực “xoay sở” trong khó khăn
- Cao su Mang Yang: Nhiều hoạt động chung tay phòng, chống dịch Covid-19
- Cao su Chư Prông: Tổ chức hội thảo Quản lý rừng bền vững
- Cao su Bà Rịa Kampong Thom: Phấn đấu vượt ít nhất 5% sản lượng
- "Các đơn vị miền núi phía Bắc cần bám sát kế hoạch, tổ chức sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm"
- Đích đến 55 tỷ USD: Ngành Nông nghiệp cần khai thác nhóm hàng thế mạnh
- Cao su Kon Tum khen thưởng 102 học sinh sinh viên học giỏi, vượt khó
- Trung tâm cao su Tây Nguyên tập huấn cho cán bộ kỹ thuật Cao su Chư Mom Ray