CSVN – Trên thế giới, chắc hẳn nước nào cũng rất hâm mộ môn thể thao vua, tuy nhiên thái độ biểu cảm thì mỗi nơi thể hiện một sắc thái tình cảm khác nhau, nhưng người Việt ta xét về tình cảm với bóng đá, yêu – ghét chẳng thua nước nào trên thế giới.
Ăn bóng đá, ngủ bóng đá
Thật ấn tượng khi thầy Park cùng các học trò giành Á quân U23 tại Thường Châu Trung Quốc. Tình yêu của người Việt với bóng đá do bị dồn nén quá lâu chợt bật tung cảm xúc, khắp nơi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, bất kể tuổi tác, dân tộc, vùng miền đều xuống đường, cờ đỏ rợp trời… miệng hô Việt Nam vô địch, hát vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Hầu như trung tâm các thành phố lớn mọi người ra đường, kẹt xe suốt nhiều giờ nhưng không ai khó chịu mà lấy làm vui vẻ hào hứng quên hết nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày. Vậy mới thấy tình yêu bóng đá của người Việt ta, dù mới chỉ là tầm châu lục.
Cũng từ đây, mọi bước đi của thầy trò HLV Park được người hâm mộ quan tâm theo dõi, cứ mỗi giải quốc tế dù cấp độ nào, chúng ta lại “sôi” sùng sục, ăn bóng đá – ngủ bóng đá. Thậm chí cô bán rau, chị bán cá cũng thuộc từng tên, từng số áo của đội tuyển.
Có doanh nghiệp ngoài ủng hộ hàng tỉ đồng cho đội tuyển còn cho toàn bộ cơ quan được nghỉ xem truyền hình trực tiếp khi đội ta đá trong giờ làm việc, có doanh nghiệp còn chi thưởng cho toàn thể anh em cơ quan khi đội nhà chiến thắng…
Tại Seagame 30, khi ta lần lượt thắng các đội vòng bảng, những âm thanh cuồng nhiệt hào hùng như sóng, một màu cờ đỏ rực khắp sân, cờ ở mặt, cờ trên áo, trên nón, trên tay, đại kỳ liên tục bay lượn trên khán đài khu vực có cổ động viên Việt Nam, tiếp lửa “bơm” tinh thần cho thầy trò Park Hang Seo thắng thuyết phục 3 – 0, một chiến thắng lịch sử, thỏa lòng bao trái tim mong mỏi, đợi chờ khát khao 60 năm.
Cả nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng từ thành thị tới thôn quê, một đêm đi “bão”, một đêm khản tiếng, một đêm kẹt xe, một đêm không ngủ, cả tuần, cả tháng sau mà trong người vẫn lâng lâng khó tả.
Để tình yêu bóng đá trọn vẹn, đong đầy
Tuy nhiên để niềm vui trọn vẹn, ta cũng cần suy nghĩ lại với tư cách là người hâm mộ.
Thứ nhất, hâm mộ nhưng đừng quá khích, khi thắng thì khen hết lời, khi thua thì chê thậm tệ, khi thắng thì xuống đường đua xe vừa mất trật tự an toàn giao thông, tụ tập nhậu nhẹt ăn mừng quá đà, những hành động phản cảm xa lạ với tình yêu bóng đá đích thực.
Thứ hai, người hâm mộ cần cổ vũ có văn hóa, không xem thường đội bạn, không cay cú khi thua trận hay bị thủng lưới. Ngày nay công nghệ, mạng xã hội đã giúp ta tiếp cận các sự kiện nhanh, có người cứ hay “phán” những huấn luyện viên, cầu thủ theo chủ quan cảm tính. Dĩ nhiên nhận xét đánh giá là quyền của mỗi người nhưng không nên quá tả, quá hữu để tình yêu với bóng đá luôn đong đầy.
Thứ ba, để thắng trong giải lớn tầm cỡ không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt gần đây ta thường hòa với Thái Lan. Các lớp cầu thủ đàn anh trước đây cứ gặp người Thái là “cúm giò”, ngày nay thầy trò ông Park không còn “lép” với họ nữa, nhưng xét cho cùng ta vẫn chưa hơn họ.
Thái Lan có đến 13 “lò” đào tạo bóng đá như kiểu Hoàng Anh Gia Lai, đặc biệt các học viện ấy còn tiến cử các “viên ngọc thô” đi các trung tâm đào tạo bóng đá các nước Châu Âu tiếp tục mài giũa thành “những viên ngọc sáng”, nên họ vẫn có tiềm năng lớn nhất khu vực, chính Kiatisuk (dico Thái) đã từng nhận xét, bóng đá VN phải ít nhất 10 năm nữa mới vượt qua được Thái Lan không phải không có cơ sở.
Người viết bài này không cổ súy cho thứ bóng đá bạo lực, và cũng không đồng tình với một vài người muốn tạo tên tuổi của mình qua sự thăng hoa của đội tuyển. Người hâm mộ chúng ta hãy cổ súy cho những hành động đẹp vì nền bóng đá nước nhà để nền bóng đá phát triển bền vững, vươn lên tầm lớn hơn, để bản đồ bóng đá toàn cầu có tên Việt Nam chứ không chỉ khu vực “ao làng” Đông Nam Á.
MINH ANH
Related posts:
- Tác giả nữ trẻ và những chuyến đi
- Hội diễn tạo động lực thi đua lao động sản xuất
- Lẩu trâu: Món ngon nhớ lâu
- Công ty mẹ Tập đoàn giải nhất Hội diễn Khu vực IV
- Đỗ Hoàng Linh: Thủ khoa tỉnh Bình Phước
- Phóng viên Tạp chí Cao su VN đạt giải báo chí về học và làm theo Bác
- A Yung hát hay đàn giỏi
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su: Vì chất lượng nguồn nhân lực Cao su Việt Nam và xã hội
- Đẩy mạnh tuyên truyền ca khúc về ngành cao su
- Hát lên tình yêu nghề