Giá cao su tăng vọt và dự báo vẫn chưa đạt ‘đỉnh’

CSVNO – Kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên khắp thế giới (tháng 4/2020), giá cao su thiên nhiên âm thầm leo dốc. Nhưng đà tăng thực sự gây ấn tượng là từ đầu tháng 10 tới nay.

Chỉ trong 3 tuần qua, giá cao su đã tăng gần 1/5, theo đó giá trên sàn Osaka (Nhật Bản) – tham chiếu cho thị trường cao su toàn cầu – trong vòng chưa đầy 20 ngày (5-23/10) đạt 268 JPY/kg, tăng gần 20%. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Chỉ trong vòng một tuần qua, giá đã tăng 5,6%, mức tăng theo tuần nhiều nhất trong vòng hơn 7 năm qua.

Tại các thị trường Châu Á khác, giá cũng đồng loạt tăng mạnh. Trên sàn Thượng Hải trong cùng khoảng thời gian trên, giá đã tăng tăng 23% lên 13.740 CNY/tấn, cũng cao nhất trong vòng hơn 3 năm; đặc biệt trên sàn Singapore tăng gần 30%, từ 190,7 US cent/kg lên 245,3 US cent/kg.

Có hàng loạt yếu tố đang thúc đẩy giá cao su tăng.

Thứ nhất, ngành ô tô thế giới hồi phục sau đại dịch Covid-19, nhất là ở Trung Quốc. Tháng 9 vừa qua đánh dấu tháng đầu tiên ngành ô tô hồi phục gần như trên khắp toàn cầu, sau giai đoạn dài sa sút do dịch bệnh. Ngành ô tô Trung Quốc hồi phục sớm nhất, ngay từ mùa Hè, và hiện đã có 3 tháng liên tiếp doanh số bán xe mới tăng trưởng. Tiêu thụ xe chở khách của Trung Quốc tháng 9/2020 tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,91 triệu chiếc. Đặc biệt, Tiêu thụ ô tô khách của Ấn Độ trong tháng 9/2020 tăng mạnh 31,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng nhiều nhất trong vòng 27 tháng.  Tiêu thụ xe hơi ở các thị trường Mỹ, Châu Âu.. cũng bắt đầu hồi phục sau giai đoạn giảm mạnh vì chính sách phong tỏa chống Covid-19.

Thứ hai, xuất khẩu găng tay cao su của Thái Lan không ngừng tăng mạnh, thêm 154,9% trong tháng 9/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm nay tăng 61,4%, bởi dịch bệnh làm gia tăng mạnh nhu cầu các sản phẩm y tế.

Thứ ba, mưa lớn ảnh hưởng tới sản xuất cao su của những nước sản xuất chủ chốt, nhất là Thái Lan và Việt Nam. Biểu tình ở Thái Lan cũng ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực sản xuất, trong đó có ngành khai thác cao su.

Thứ năm, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 23/10 thông báo sẽ áp các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm cao su nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu kể từ 28/10, cụ thể là cao su tổng hợp EPDM (ethylene propylene diene monomer (M-class)) – có thể khiến nhu cầu cao su thiên nhiên của nước này tăng lên.

Về triển vọng thị trường từ nay đến cuối năm, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo xu hướng giá cao su tăng sẽ còn tiếp diễn trong khoảng 2 tháng tới, chủ yếu do lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục hồi phục, giữa bối cảnh doanh số bán ô tô ở Ấn Độ cũng tăng và Mỹ sẽ tung thêm chương trình kích thích kinh tế mới.

Trong báo cáo mới nhất vừa công bố giữa tháng 10, ANRPC đã nâng dự báo tiêu thụ cao su toàn cầu năm 2020 thêm 67.000 tấn lên 12,611 triệu tấn, mặc dù con số đó vẫn thấp hơn 8,4% so với năm 2019. Lý do điều chỉnh tăng bởi nhận định lạc quan hơn về thị trường Trung Quốc sau những số liệu kinh tế mới công bố gần đây. Dự báo Trung Quốc sẽ tiêu thụ 1,38 triệu tấn cao su trong quý IV/2020, gần sát mức 1,40 tấn của cùng kỳ năm trước; và tổng khối lượng cao su nhập khẩu vào nước này trong năm 2020 sẽ tăng 1,6% so với năm 2019.

ANRPC đồng thời cũng nâng dự báo về triển vọng tiêu thụ cao su ở Ấn Độ khi các hoạt động sản xuất tại quốc gia Nam Á này dần phục hồi, nhất là lĩnh vực cao su, giữa bối cảnh sản lượng cao su thiên nhiên của Ấn Độ năm 2020 dự báo sẽ giảm 42.000 tấn xuống 668.000 tấn do dịch Covid-19 gây thiếu nhân lực nghiêm trọng.

Trong 8 tháng đầu năm nay, tiêu thụ cao su toàn cầu giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 8,151 tấn.

Chương trình kích thích kinh tế mới trị giá 1 nghìn tỷ USD của Mỹ dự kiến sẽ sớm được thông qua, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế số 1 thế giới này, từ đó lan tỏa đến kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, các dự báo về nhu cầu có nhiều yếu tố bất trắc liên quan đến quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, vì dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là ở Mỹ và Châu Âu, gây nguy cơ nhiều quốc gia phải tái phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, giữa bối cảnh vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2 chắc chắn sẽ chưa sớm có mặt trên thị trường với khối lượng lớn.

Về nguồn cung, sản xuất cao su thiên nhiên năm nay gặp khó khăn do dịch bệnh làm khan hiếm  nhân lực lao động và gây khó khăn cho việc vận chuyển. Sản lượng cao su thiên nhiên thế gới đã giảm 8,7% trong 8 tháng đầu năm 2020, xuống 7,778 triệu tấn, và dự báo sẽ giảm tiếp 3% trong 4 tháng còn lại của năm 2020. ANRPC dự báo sản lượng cả năm 2020 sẽ giảm 6,8% so với năm 2019, xuống 12,901 triệu tấn, chủ yếu do sự sụt giảm ở Thái Lan và Ấn Độ. Sản lượng của Thái Lan dự báo sẽ giảm 332.000 tấn, xuống 4,478 triệu tấn.

theo Tri thức trẻ