CSVN – Bất chợt, hôm nay lại bắt gặp hình ảnh cái giàn đựng mủ tạp thân thương được làm thủ công từ cây tre, cây tầm vông… như đang khẽ chạm ký ức một thưở quay về.
Ngày đó, ở đơn vị chúng tôi, cái giàn đựng mủ tạp do công nhân lao động tự làm, vật liệu cũng giản đơn dễ tìm, như: cây tre, tầm vông. Mỗi người mỗi việc, đào lỗ, chôn trụ, chặt song, chẻ vạt… làm rất kiên cố và chắc chắn. Chúng tôi có thể ngồi nghỉ ngơi, ăn cơm. Bởi vậy, mà tuổi thọ cái giàn cũng sử dụng rất bền, chỉ khi nào chân trụ bị mối gặm nhấm, mục ruỗng bên trong… lung lay, là thay chân trụ mới, nhờ đó cái giàn sẽ được phục hồi vững chắc sử dụng đến hết mùa cạo.
Địa điểm giàn mủ thường được chọn ở vị trí trung tâm của mỗi vườn cây cao su đang thu hoạch mủ, để người thợ tập kết mủ về đó cho thuận tiện cân đo đong đếm mủ xong, thì bỏ lên giàn, chỉ việc đợi xe cơ giới tới vận chuyển về hồ chứa lưu trữ mủ tại nhà Đội hoặc trực tiếp về nhà máy chế biến mủ.
Có lẽ trong vườn cao su, nơi đông đúc và rộn ràng nhất là địa điểm giàn mủ, nào là tiếng động cơ xe máy vận chuyển tập kết mủ, tiếng í ới lao xao, tiếng cười vui rộn rã của người thợ trộn lẫn âm thanh vào nhau in hệt một góc chợ quê náo nhiệt.
Bẵng đi một thời gian, giàn mủ tạp làm bằng tre được thay thế bằng sàn bê tông. Mỗi khi lòng hoang hoải, trống vắng ta ngồi ngẫm nghĩ lại cuộc sống, công việc mưu sinh… Và bất chợt, hôm nay lại bắt gặp hình ảnh cái giàn đựng mủ tạp thân thương được làm thủ công từ cây tre, cây tầm vông… như đang khẽ chạm ký ức một thưở quay về.
CẢI VĂN
Related posts:
- Người thợ giỏi và khát khao chiến thắng
- Tự hào, trân trọng giá trị truyền thống ngành
- Khèn Mông xuống chợ
- Sôi nổi trại hè “Hoa phượng đỏ” Cao su Dầu Tiếng
- 250 tác phẩm tham gia Giải Báo chí khu vực Tây Nguyên lần thứ I
- Dân ca ví, giặm - Tìm về mạch nguồn yêu thương
- “Tiếng nói công nhân cao su Dầu Tiếng” lan tỏa đến từng khu phố
- Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam
- Làng quê đang biến mất
- Công ty CP TM DV & Du lịch cao su đạt giải nhất chương trình