CSVN – Sau 4 lần chỉnh sửa, bổ sung, Quy trình kỹ thuật (QTKT) cây cao su năm 2020 dự kiến được ban hành chính thức vào tháng 10/2020. Quy trình sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển cao su của VRG trong tình hình mới theo hướng bền vững.
Trước đây, QTKT được Tổng cục CSVN, Tổng Công ty CSVN tiếp theo là VRG xây dựng và áp dụng vào các năm 1990, 1997, 2004 và 2012 đã mang lại hiệu cao nâng cao năng suất, chất lượng và diện tích vườn cây cho ngành cao su. Hiện nay, với sự tiến bộ trên nhiều lĩnh vực cùng với việc mở rộng diện tích trồng cao su ngoài vùng truyền thống (Đông Nam bộ) nên QTKT cần được cập nhật, bổ sung và chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Ban biên soạn QTKT 2020 gồm các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, quản lý của Viện Nghiên cứu CSVN và Ban Quản lý kỹ thuật cùng các ban chuyên môn của VRG. QTKT 2020 sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển cao su của VRG trong tình hình mới theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Giảm công lao động thông qua ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật trên vườn cây.
Đồng thời, cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới, loại bỏ các kỹ thuật không còn phù hợp trong QTKT cây cao su. Với sự cam kết và triển khai của VRG về phát triển cao su bền vững, dựa trên sự hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, có trách nhiệm với xã hội và môi trường. QTKT lần này còn chú trọng đề cập đến nhiều vấn đề có liên quan đến yếu tố về môi trường, xã hội, phát triển rừng… là những phần bổ sung mới ngoài những điều khoản kỹ thuật như đã nêu trong các QTKT được ban hành trước đây.
Phát biểu tại Hội thảo góp ý QTKT cây cao su năm 2020 được tổ chức tại Viện Nghiên cứu CSVN ngày 12/9 vừa qua, ông Lê Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN & PTNT nhấn mạnh: “VRG đã tổ chức xây dựng QTKT cây cao su năm 2020 rất bài bản, đây là tài liệu dài, có ý nghĩa, tập hợp thành tựu của Viện Nghiên cứu CSVN và khoa học công nghệ của ngành cao su. Trên cơ sở hội thảo hôm nay, tôi đề nghị Ban biên soạn sẽ hoàn thiện dự thảo và trình lên VRG xem xét và ban hành. Sau đó, VRG cùng phối hợp với Cục trồng trọt để ban hành QTKT cây cao su thống nhất trong cả nước”. Sau nhiều lần góp ý của các đơn vị, đến nay dự thảo QTKT 2020 gồm có 9 chương.
Theo đó, QTKT có những điểm thay đổi chính như: Phạm vi áp dụng thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ các đơn vị thành viên trồng cao su do VRG quản lý và các đơn vị VRG có phần vốn chi phối; Giới thiệu khái niệm sản xuất cao su bền vững gồm: Hiệu quả kinh tế, trách nhiệm xã hội và tuân thủ pháp luật, trách nhiệm bảo vệ môi trường; Thay đổi chính trong sản xuất cây con, cây giống cao su, trồng và chăm sóc, trồng xen, thu hoạch mủ và công tác bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, QTKT có bổ sung mới thêm chương Thu hoạch gỗ; Trách nhiệm quản lý vườn cây cao su; Phụ lục gồm các văn bản pháp quy, hướng dẫn chi tiết cần thiết và bổ sung thêm các thuật ngữ sử dụng trong QTKT.
Ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG nhấn mạnh: “Việc xây dựng QTKT là nhiệm vụ quan trọng, hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện và tiến tới xây dựng QTKT 2020 thành quy trình chuẩn của quốc gia. Thay mặt lãnh đạo VRG, tôi ghi nhận và đánh giá cao các thành viên Ban biên soạn. Đây sẽ là tài liệu khoa học, cơ sở xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với từng giai đoạn. Là cơ sở pháp lý để thông qua đó VRG đánh giá hiệu quả của các đơn vị. Và đây cũng sẽ là tài liệu cơ bản định hướng tổ chức sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất cao su, hướng đến xây dựng tài liệu kỹ thuật cây cao su cho cả nước”.
MINH NHIÊN
Related posts:
- Yêu cầu thực tế quản lý rừng cao su bền vững
- Trồng cao su theo hàng kép
- Lấy ý kiến xây dựng cơ cấu bộ giống cao su 2016 - 2020
- Linh hoạt mở miệng cạo, đảm bảo hiệu quả kinh tế kỹ thuật
- Bồ công anh là cây trồng thay thế cho cao su: Một ngành công nghiệp mới
- Rà soát Tiêu chuẩn TCVN 3769:2004 - Cao su thiên nhiên SVR
- Khảo nghiệm tuyển chọn giống mới
- Đa dạng hóa cây trồng để nâng cao giá trị sử dụng đất
- Cao su Quảng Trị: Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu vườn cây
- DHL Express thử nghiệm lốp không hơi Michelin UPTIS