CSVN – Ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật (KHKT) trên vườn cây được xác định là yếu tố then chốt đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất vườn cây và hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Đầu tư về “chất” và “lượng”
TCT Cao su Đồng Nai xây dựng mục tiêu đến năm 2023, năng suất vườn cây bình quân sẽ đạt 2 tấn/ha trở lên. Để thực hiện điều đó, TCT đã xây dựng các chương trình cụ thể.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, TCT chú trọng thực hiện nhanh chương trình đầu tư đổi mới và thâm canh vườn cây, hình thành vườn cây theo cơ cấu diện tích giữa khai thác và KTCB, cơ cấu về độ tuổi, giống cây, cơ giới hóa, diện tích thâm canh, luân canh cải tạo đất hợp lý để từng bước tự động hóa trong khai thác nhằm ứng phó với tình hình thiếu lao động, nhằm nhanh chóng tăng năng suất vườn cây đạt 2 tấn/ha vào giữa nhiệm kỳ.
Đứng trước những cơ hội và thách thức của ngành cao su, TCT đặc biệt nắm bắt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn 2020 – 2025 về việc gắn kết chặt chẽ phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và sản xuất thông minh.
Hòa chung với sự phát triển của tỉnh, của ngành và của đất nước, Cao su Đồng Nai cũng xác định chỉ có tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất mới giúp tăng hiệu suất lao động, giảm sức lao động thủ công của NLĐ, độ chính xác của máy móc đem lại sẽ tạo ra chất lượng đồng đều của vườn cây, sản phẩm.
Vì vậy, với mục tiêu tập trung vào thay đổi cơ cấu giống, chú trọng chăm sóc vườn cây KTCB để duy trì mật độ 70% diện tích khai thác và 30% diện tích vườn cây KTCB cho những năm về sau, những năm gần đây TCT đã ứng dụng cơ giới hóa tối đa trên vườn cây.
Ứng dụng cơ giới hóa trên vườn cây là một lộ trình lâu dài, do đó bên cạnh việc đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại nhất, phù hợp với địa hình tại Đồng Nai thì TCT còn chú trọng xây dựng, thu tuyển và đào tạo đội ngũ cơ giới lành nghề, có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Đầu năm 2020, Tổ canh tác cơ giới tập trung được xây dựng với quy mô lớn theo chuyên môn hóa và khoa học thực tiễn đáp ứng kỹ thuật canh tác trên vườn cây để hướng tới mục tiêu vườn cây năng suất trên 2 tấn/ha bền vững.
Hiện nay, tổ cơ giới của TCT có 20 thành viên có tâm huyết. Các thành viên trong tổ này đều phải đảm bảo được tiêu chuẩn khi ra vườn cây phục vụ sản xuất là thợ lái máy cày kéo, khi vào công xưởng phải là thợ cơ khí. Đội ngũ cơ giới của TCT đủ năng lực để có thể độc lập sửa chữa khi máy móc có trục trặc, hỏng hóc.
Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và công việc, với mục tiêu cao nhất và hiệu quả nhất khi ứng dụng cơ giới hóa, đội ngũ cơ giới có trách nhiệm sáng chế, cải tiến máy móc phù hợp với yêu cầu của sản xuất. Với lực lượng tổ cơ giới như hiện nay của TCT đủ đáp ứng cho công việc của 10 nông trường với diện tích quản lý trên 35.000 ha.
Tổ cơ giới có nhiệm vụ sửa chữa, nâng cấp đại tu và bảo dưỡng các xe máy cơ giới, 100 xe máy cày MTZZ và 50 xe tải các loại. Về định hướng phát triển cơ giới hóa trong giai đoạn 2020 – 2025, TCT sẽ đầu tư các thiết bị cơ khí và máy kéo thế hệ mới, hiện đại của Liên bang Nga, bổ sung xe mới phục vụ nhiệm vụ mới ngày càng cao của TCT.
Dự kiến mỗi năm TCT đầu tư 5 – 10 xe, như vậy đến năm 2025 sẽ có thêm 25 – 30 xe đầu máy kéo mới đáp ứng được nông nghiệp công nghệ cao. TCT sẽ thường xuyên cập nhật, chế tạo và nâng cấp, cải tiến thiết bị cơ giới.
Ứng dụng cơ giới hóa tối đa trên vườn cây
Ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT nhấn mạnh: “Ban lãnh đạo công ty đặc biệt chú trọng vào việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trên vườn cây. Việc này sẽ mang lại nhiều hiệu quả, dễ thấy nhất là tăng hiệu suất công việc, tiết giảm suất đầu tư, giảm lao động thủ công ở những công đoạn không cần thiết. Công tác tái canh năm nay được tăng cường sử dụng cơ giới hóa ở các công đoạn, chính vì vậy, tiến độ thực hiện tái canh ở TCT đảm bảo về thời gian và chất lượng vườn cây.
Trong 5 năm tới, TCT sẽ dịch chuyển sang phát triển về dịch vụ nông nghiệp cây cao su như cơ giới hóa, tự động hóa trên vườn cây. Đặt trọng tâm phát triển công ty con trực thuộc, đảm nhận vấn đề cơ giới hóa, dịch vụ chuyên nghiệp cho cây cao su”.
Trong những năm gần đây, TCT đều ứng dụng cơ giới hóa trong công tác tái canh, KTCB và khai thác như: máy dọn mặt bằng, máy khoan hố, máy bón lót phân, máy cày rạch ngầm phá thành nén hố khoan, máy vận chuyển cây giống, máy cắt cỏ, máy vùi lấp thảm phủ, máy bón phân công suất 25 ha/ngày, máy phun phòng trị các loại bệnh trên vườn cây… Song song đó, tổ cơ giới của TCT còn liên tục sáng chế các băng tải di chuyển phân bón, cây giống… lên xe tải để hạn chế các công đoạn thủ công nhất có thể.
Anh Phạm Ánh Phương – Trợ lý TGĐ, phụ trách vấn đề cơ giới nông nghiệp của TCT cho biết: “Tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ trong sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trên vườn cây nhằm tạo ra môi trường đất màu mỡ, cây xanh tươi, giảm suất đầu tư, tăng năng suất lao động, hiệu quả trên mọi lĩnh vực, đảm bảo môi trường sinh thái bền vững và giúp cho NLĐ tăng thêm thu nhập nhờ hiệu suất công việc tốt hơn.
Đây mới chính là một quy trình bền vững. Vì vậy, TCT đầu tư cơ giới hóa toàn diện trên vườn cây, đặc biệt là trong công tác tái canh. Tất cả những công đoạn từ làm đất, khoan hố, bón phân, đưa cây giống tới vị trí hố trồng… đều được thực hiện bằng máy, chỉ có công đoạn nào máy móc không thể thay thế được NLĐ mới làm bằng phương pháp thủ công”.
Từ thực tế, chị Lê Thị Hiền – Giám đốc Nông trường Bình Lộc chia sẻ: “Lãnh đạo TCT rất quan tâm cơ giới hóa trên vườn cây. Điều đó thể hiện rõ trong hiệu quả của công tác tái canh trồng mới năm 2020. Các công đoạn từ các khâu khoan hố, bón phân, lấp hố đều được thực hiện bằng máy móc. Lực lượng xây dựng cơ bản của Nông trường Bình Lộc chỉ có 8 người nhưng có thể đảm nhận được việc tái canh 100 ha.
Nhờ sự hỗ trợ của máy móc nên nông trường thực hiện đúng tiến độ đề ra, công nhân tập trung chăm sóc cho vườn cây, khối lượng công việc thực hiện được nhiều hơn trong một ngày, thu nhập cũng khả quan hơn. Điều đặc biệt, năm nay không công nhân nào phải vác phân, xách phân đi bón cho vườn cây”.
Để khuyến khích và đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo trong toàn đơn vị, TCT tiến hành thưởng nóng cho những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, Hội đồng khoa học kỹ thuật TCT kịp thời ghi nhận và khen thưởng những cải tiến, sáng kiến mang lại hiệu quả cao. Tất cả những sáng kiến, cải tiến của NLĐ khi được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn sẽ được hội đồng khoa học kỹ thuật TCT đăng ký bản quyền và xét đề nghị khen thưởng cho NLĐ ở cấp cao hơn.
ĐÌNH KHẮC
Related posts:
- Đoàn Thanh niên VRG tổ chức chương trình "Hành trình đến với Thành phố Anh hùng"
- Vinh dự, tự hào khi đạt giải nhất Hội thi
- Vượt qua thách thức, phát triển vững vàng
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kỷ niệm 5 năm thành lập
- Sôi động hội thi bàn tay vàng cấp công ty
- Phát huy truyền thống 93 năm hào hùng, xây dựng VRG phát triển ổn định và bền vững
- Giảm 50% lượng phân bón đợt II
- Cao su Dầu Tiếng phấn đấu thu nhập người lao động từ 8,5 triệu đồng trở lên
- Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng trưởng xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế
- Vững tin vượt khó