CSVN – Năm học mới 2020- 2021 đã chính thức bắt đầu. Thế nhưng từ trước đó, nhiều phụ huynh đã sốt sắng cho con luyện chữ, học thêm tiếng Anh, toán, tiếng Việt…ở các trung tâm. Tuy nhiên việc học thêm quá nhiều có thực sự tốt cho trẻ?
Lo lắng trước bước ngoặt của trẻ
Tham khảo ý kiến của các phụ huynh khác, thấy ai cũng lo lắng cho con đi luyện chữ, luyện toán và học thêm các môn khác, chị Nguyễn Thu Quỳnh, trú tại Quận 9, TP.HCM khá lo lắng: Năm nay do con phải nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19 nên mình chưa kịp chuẩn bị cho con học trước, rèn chữ thì mới được 1 tháng nghỉ hè. Mình lo năm học mới con sẽ bỡ ngỡ và không bắt kịp được với các bạn.
Rút kinh nghiệm từ bé đầu, năm nay vợ chồng anh Thái Văn Quý, trú tại Quận Thủ Đức, TP.HCM có con vào lớp 1. Ban ngày đi làm, tối về hai vợ chồng thay nhau kèm cặp cho con học. Thời gian đầu, chủ yếu là rèn con vào nền nếp, ăn cơm xong là ngồi vào bàn học và cho con học bất cứ gì con thích như tập tô chữ, tô màu…tập làm quen với cách cầm bút, tư thế ngồi học…
Sợ con “lép vế”, không bắt kịp với các bạn, chị Đỗ Thị Hoa, trú tại Quận 3, TP.HCM lại cho con đi học thêm từ khi còn lớp lá. Chị đăng ký cho con học rèn chữ ở lớp, học thêm tiếng Anh, học thêm toán…để bằng bạn bằng bè.
Việc bắt con đi học thêm, nhồi nhét quá nhiều môn, ép con học quá sớm của các phụ huynh như chị Hoa khiến cho con quá tải và không có thời gian vui chơi, khiến bé sợ học và cảm thấy áp lực khi vào lớp 1.
Giúp trẻ làm quen với môi trường mới
Theo các chuyên gia giáo dục, ở bậc mầm non trẻ chủ yếu chơi để học, trẻ ở môi trường thoải mái, không gò bó. Trong khi lên tiểu học trẻ phải tập trung ngồi một chỗ, lượng học cũng nhiều hơn khác với môi trường mầm non. Nhiều bé chưa quen với môi trường mới, nhiều bạn mới, thầy cô mới lạ lẫm với bé khiến trẻ lúng túng. Ngoài ra trẻ cũng gặp một số vấn đề như thiếu tập trung, cầm bút chưa đúng, ngồi chưa đúng tư thế…
Cô Nguyễn Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Giồng Ông Tố, Quận 2 chia sẻ: Phụ huynh không nên quá lo lắng, băn khoăn mà bắt các bé rèn chữ, học thêm quá sức. Nếu bắt trẻ luyện viết quá sớm sẽ làm trẻ căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Hơn nữa, nếu trẻ biết trước chương trình học, sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan lơ là, thiếu tập trung, về lâu dài kết quả học tập sẽ bị thụt lùi. Trong khi trẻ mới làm quen với mặt chữ, con số sẽ tập trung nghe giảng và háo hức trước những điều mới mẻ, lạ lẫm…
Để chuẩn bị cho trẻ trước khi vào lớp 1, phụ huynh cần xây dựng thời khóa biểu, giúp trẻ sinh hoạt, học tập tại nhà đúng giờ giấc, như giờ ăn, giờ chơi, giờ ngủ…theo nền nếp, khoa học.
Trẻ cũng cần được rèn thói quen dậy sớm, tự làm một số kỹ năng như tự ăn cơm, rửa tay, vệ sinh cá nhân. Phụ huynh nên dành thời gian vui chơi, cùng học với trẻ, trò chuyện để trẻ vui vẻ, háo hức được đến trường, được vào lớp 1.
Không nên thúc ép, bắt trẻ học thêm, học trước chương trình quá nhiều sẽ khiến trẻ mệt mỏi và sợ sệt, ảnh hưởng không tốt đến việc học cũng như sự phát triển, tâm lý của trẻ sau này.
ANH SA
Related posts:
- Cối gỗ giữ hồn dân tộc
- Ổn định đời sống, gắn bó lâu dài với vườn cây
- Học tiếng Jrai để khám bệnh cho đồng bào dân tộc
- Xóm nghèo sợ Tết
- Quỹ vắc xin Covid-19 đã tiếp nhận 7.807 tỷ đồng
- Số ca nhiễm Covid 19 ở Campuchia vượt mốc 10.000, Lào lần đầu có ca nhiễm 3 con số
- Nhàm chán tình đầu
- Tin vui trong nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam
- Đề nghị Việt Nam ưu tiên tiêm vacxin cho lao động ngành nông nghiệp
- Chuyên gia khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ 5-11 tuổi đi tiêm vaccine COVID-19