Buồn vì “cái tông” nhà vợ!

Anh Đức Trung thân mến!

Tôi tìm đến anh Đức Trung, như một lời tâm sự chứ cũng biết, làm gã đàn ông mà nói ra viết ra những điều này cũng chẳng hay ho gì. Thôi thì chẳng hay ho gì cũng xin được chia sẻ cùng anh Đức Trung cho vơi buồn chán.

Đúng như người ta nói: đàn ông yêu từ mắt, cô ấy nhìn rất bắt mắt, và, tôi đã yêu cô ấy ngay từ cái nhìn đầu tiên. Rồi thì đến với nhau trước khi biết khá nhiều về nhau và khi đã tường tận thì ván đóng thuyền.

Khi ấy nhân thân nhà vợ là một bí mật, mà tôi vì yêu nên không cần mở ra. Cứ nghĩ hai con người thấy được là được. Những lời bố mẹ cảnh báo về gốc gác, gia phong, lấy vợ xem tông…tôi đều bỏ qua. Giờ mới ngấm, thì đã quá muộn.

Má vợ tôi từng bị đi tù, chắc hẳn là có tham có   tội mới phải đi tù. Ba vợ có người khác. Má vợ ở với chúng tôi. Ba vợ và dì không sinh con nữa nhưng sống khá yên ổn, hạnh phúc.

Nhìn má vợ tôi mới ngấm câu của người xưa “lấy vợ xem tông”. Tông của vợ tôi là bà má ấy, cung cách, thói quen, di truyền. Nói ra để anh Đức Trung hình dung chứ không phải nói xấu ai cả, bà ấy sống như chưa từng có án tù trong lương tâm, tụ tập, luyên thuyên, U70 rồi mà vẫn áo váy chấm gối, vẫn son phấn nhòe môi…

Vợ tôi ảnh hưởng ở cái lối ấy, không siêng năng bếp núc, ưa để chồng con ở nhà một mình và đi, và đi…, chồng không nên biết đi chơi với những ai, cứ thấy lên Facebook kêu buồn kêu nhớ, chát chít lung tung, tụ bạ với các bà chồng chê, chê chồng bình phẩm này nọ, như ngóng tìm trai lạ…Đã có con với nhau, hai đứa con nếp tẻ. Đàn bà chán chồng dễ bỏ, đàn ông thì rút vào im lặng. Càng im lặng vợ càng kêu ca và càng đi. Tình cảnh tôi hiện giờ là thế đấy, thử hỏi vui sao nổi anh Đức Trung.

EM TRAI

Bạn thân mến!

Người xưa dạy: “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Vì sao vợ là tông, tông ở đây là tông đường, là nền tảng, là tất cả: huyết thống, di truyền, văn hóa, nề nếp, gia phong… Và người xưa cũng dạy: “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Trong khi đó lấy chồng chỉ cần xem giống, giống ở đây là thể trạng, thể lực, cho sự nối dài nòi giống. Nhưng giống không thật được chú trọng như tông, vì đã có rất nhiều người ốm yếu, người tàn phế, vẫn lấy được vợ, thậm chí lấy được vợ hay, vợ giỏi.

Có lẽ bạn cũng quan sát thấy, đàn ông lên hương hay ê chề chủ yếu từ người vợ. Không phải người vợ làm ra tiền, làm ra giàu, mà là cô ta làm ra vi lượng sống cho người đàn ông “giàu vì bạn sang vì vợ”. Đồng hành cùng chồng, mọi nơi mọi lúc.

Sinh con đẻ cái với chồng, cho chúng 50% bộ gene di truyền của mình. Và đây mới quan trọng nhất, cho con sự dạy dỗ và phúc đức của người mẹ, như chất màu mặt đất với cái cây trong khi cha của chúng là ánh sáng.

Phải nói thật, nếu vợ bạn là con dâu của tôi, tôi cũng thấy ngậm ngùi, bất an với lai lịch và hành vi của bà thông gia. Người xưa khái quát và đúc kết: “mẹ nào con nấy”, không phải là không có cơ sở.

Đàn ông buồn và bực là rút vào im lặng, hoặc san sẻ với người phụ nữ khác, hoặc tìm đến bạn bè bù khú rượu chè bài bạc. Không có người đàn ông “chịu thua” vợ trong im lặng và sự ngấm ngầm ấy đầu độc họ ghê gớm, sinh ra bạo lực hoặc trầm cảm, mất kiểm soát.

Bạn phải nắm lấy quyền chỉ huy, bao quát, ngay trên cái nóc nhà của mình. Vì con, bởi các đứa con thiếu sự mẫu mực của mẹ, rất dễ chông chênh, lạc lối. Nóc nhà phải vững, bếp nhà phải ấm, thế thôi, không có công thức khác.

Bạn phải cương quyết dừng những cuộc đi chơi của vợ lại, rồi đối thoại nghiêm túc, phải quyết liệt điều chỉnh… Bài học về ba má vợ, để cho con đò chòng chành và đứt dây là chìm, là mất, bạn ạ!

ANH ĐỨC TRUNG