Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ VRG đối với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cao su Việt Nam

CSVN – Thực tiễn và lý luận cách mạng đều cho thấy cơ sở vững chắc khẳng định vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của tổ chức CĐ, mối quan hệ mật thiết không thể tách rời cùng phát triển giữa giai cấp CN và tổ chức CĐ dưới sự lãnh đạo của Đảng

Phong trào công nhân và hoạt động của Công đoàn Cao su VN đã đổi mới thật sự, hiệu quả, tạo ra diện mạo mới. Trong ảnh: Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn Cao su VN trao danh hiệu Công nhân cao su ưu tú cho người lao động. Ảnh: Quỳnh Mai

Lịch sử phong trào công nhân (CN) Cao su Việt Nam đã khẳng định: “Sau ngày thành lập, chi bộ đồn điền Phú Riềng chủ trương đi ngay vào việc tổ chức CN, đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thực như tăng lương, cải thiện tình hình ăn ở, điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần, chống cúp phạt, đánh đập. Về mặt tổ chức đội ngũ CN, chi bộ chủ trương cải tổ và xây dựng nghiệp đoàn CN cũ (thành lập vào tháng 6/1928) thành một nghiệp đoàn bí mật – Công hội đỏ – đông đảo và vững mạnh. Nghiệp đoàn do đảng viên Hồng trực tiếp làm thư ký. Kết quả là quần chúng CN tham gia nghiệp đoàn rất đông, mọi chủ trương của chi bộ qua sự vận động của nghiệp đoàn, đều được CN sôi nổi hưởng ứng. Chính nhờ có tổ chức này mà bộ phận đầu não – Chi bộ Phú Riềng – chưa tới chục đảng viên đã có thể lãnh đạo các cuộc đấu tranh từ nhỏ đến lớn ở đây”.

Hơn 90 năm qua, sự nghiệp cách mạng của CN cao su dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trải qua nhiều chặng đường lịch sử vẻ vang gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đất nước: Đấu tranh giành độc lập thoát khỏi ách nô lệ, chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, giải phóng thống nhất, đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Ngày nay trong đổi mới công nghiệp hóa – hiện đại hóa hội nhập quốc tế sâu rộng, chặng đường hơn 90 năm ấy đã kết tinh giá trị truyền thống tốt đẹp, trang sử vàng được viết nên bằng máu, nước mắt, mồ hôi, trí tuệ của CN cao su bao thế hệ. CN cao su Việt Nam hình thành sớm nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định: Cách mạng nhất, kiên trung nhất, bản lĩnh nhất, tình nghĩa thủy chung nhất. Luôn tuyệt đối trung thành và đi đầu trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, xứng đáng là CN cao su anh hùng.

Trong dòng chảy cách mạng đó, Đảng – đội tiên phong của giai cấp CN lãnh đạo phong trào CN thông qua tổ chức Công đoàn (CĐ) – tổ chức chính trị xã hội của giai cấp CN. Sự lãnh đạo của Đảng là một trong những điều kiện tiên quyết cho hoạt động của các cấp CĐ và trong sự nghiệp xây dựng giai cấp CN.

Cơ sở lý luận và thực tiễn đã chứng minh: vai trò lãnh đạo của Đảng đối với CĐ, trước hết thể hiện ở sự lãnh đạo thực hiện đúng đường lối dân vận của Đảng. Để thực hiện đường lối đó, các cấp CĐ cần đưa ra chương trình hoạt động, kế hoạch và phương pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức và thực tiễn phong phú của phong trào CN.

Đảng thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình thông qua những cán bộ, đảng viên có năng lực, phẩm chất, có tín nhiệm và có kinh nghiệm trong phong trào CN và CĐ. Các cấp ủy Đảng lãnh đạo các cấp CĐ bằng những định hướng, những vấn đề cơ bản có liên quan đến xây dựng giai cấp CN để CĐ nghiên cứu, bàn bạc, xây dựng phương thức hoạt động phù hợp để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đáp ứng đòi hỏi của phong trào CN.

Đồng thời các cấp ủy Đảng theo dõi, kiểm tra, giúp đỡ các cấp CĐ phát huy mặt tốt, uốn nắn, khắc phục những lệch lạc, yếu kém trong hoạt động CĐ. Đảng lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ có “tâm”, có “tầm”, trưởng thành từ phong trào CN, có phẩm chất và bản lĩnh được quần chúng CN lao động tín nhiệm. Cán bộ CĐ phải hòa mình vào đời sống sinh động CN, phải là người “làm thuê” cho CN, chứ không phải là “Quan CĐ”. Lời nói, việc làm vì nhiệm vụ chính trị, vì lợi quyền của CN, vì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Cán bộ CĐ có trọng trách đối với việc thực hiện chủ trương xây dựng giai cấp CN của Đảng. Cán bộ CĐ thực chất là cán bộ của Đảng làm công tác vận động CN, các cấp ủy Đảng cần quan tâm, lãnh đạo việc đào tạo, sử dụng phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ CĐ. Thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ cho thấy cán bộ CĐ cần phải được lựa chọn từ những người hoạt động tích cực trong phong trào CN, được đào tạo bài bản chuyên sâu về công tác dân vận, nghiệp vụ CĐ, quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, kiến thức pháp luật và ngành nghề công tác… 5 năm qua của nhiệm kỳ VIII (2015-2020), ngành cao su gặp muôn vàn khó khăn, thách thức của tổ chức SXKD và tổ chức đời sống của CN lao động. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Tập đoàn và cấp ủy các đơn vị thành viên, công tác dân vận – hoạt động của các đoàn thể quần chúng được nhiều thành

tựu quan trọng.

Đối với phong trào CN và hoạt động của CĐ Cao su Việt Nam đã đổi mới thật sự, hiệu quả, tạo ra diện mạo mới, làm thay đổi nhận thức; hành động khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức CĐ. Lấy nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn và các đơn vị làm trọng tâm, hướng về cơ sở, hướng về NLĐ, đồng hành cùng doanh nghiệp làm phương châm hoạt động. Thực hiện tốt các chức năng của tổ chức CĐ. Tổ chức toàn diện các hoạt động vì NLĐ: việc làm, thu nhập, đời sống NLĐ, “quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”. Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng, kiện toàn tổ chức để đẩy mạnh phong trào và từ thực tiễn của phong trào để xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh. Nhiều chỉ tiêu Đảng bộ Tập đoàn giao đạt và vượt cao, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển Đảng từ CN trực tiếp sản xuất và CĐ tham gia xây dựng Đảng. Có nhiều sáng kiến, đề xuất, tham mưu cho tổ chức Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận.

Công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động theo phương châm “Ở đâu khó có Công đoàn”. Trong ảnh: Ông Trần Văn Tiến – Chủ tịch Công đoàn Cao su Chư Prông trao quà cho người lao động trong ngày bàn giao nhà Mái ấm Công đoàn. Ảnh: Văn Vĩnh

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ Tập đoàn đối với phong trào CN và hoạt động CĐ, nâng cao tính năng động sáng tạo của giai cấp CN và tổ chức CĐ trong tình hình mới, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp; Nghị quyết đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ IX nhiệm kỳ 2020 – 2025; Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các cấp ủy Đảng chính quyền và tổ chức CĐ Cao su Việt Nam cần thực hiện tốt nhiệm vụ sau đây:

Một là, bám sát các nội dung nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, chiến lược phát triển của ngành, của từng đơn vị thành viên; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục và giữ gìn các giá trị truyền thống CN cao su hơn 90 năm qua; Nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên, CNVC -LĐ; Các tổ chức CĐ nắm vững và chấp hành nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là quan điểm chủ trương về giai cấp CN và tổ chức CĐ, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Triển khai có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các động của CN viên chức, NLĐ trong toàn ngành. Chỉ đạo việc cụ thể hóa các nội dung nghị quyết thành các chương trình hành động thiết thực, gắn với các phong trào thi đua yêu nước của CN lao động để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ mới.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung và hoạt động của các cấp CĐ, đặc biệt là CĐ cơ sở theo phương châm “Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ, vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn”. Làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh việc bồi dưỡng, phát triển Đảng trong CN lao động.

Ba là, chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào yêu nước trong đoàn viên và NLĐ. Hướng phong trào thi đua yêu nước vào các trọng tâm thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất – chất lượng – hiệu quả gắn với giải thưởng “Cao su Việt Nam”; “Xanh – Sạch – Đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; phong trào “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” trong nữ CNVC-LĐ; phong trào thi đua “Về trước kế hoạch”, “Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi”; phong trào “Làm kinh tế gia đình giỏi”, “Xây dựng nông thôn mới”. Kịp thời vinh danh, khen thưởng những tấm gương thi đua xuất sắc, tiêu biểu, đồng thời nhân rộng các điển hình.

Bốn là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của các cấp CĐ. Quan tâm xây dựng đội ngũ và đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ có “tầm”, có “tâm” gắn bó, lăn lộn, thấm đẫm “chất CĐ”. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ để cán bộ CĐ thực sự là người gắn bó, thấu hiểu, chia sẻ đối với việc làm, thu nhập, đời sống, tâm tư nguyện vọng NLĐ, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, từ đó nỗ lực tìm mọi giải pháp góp phần tham mưu, hiến kế, thực hiện công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ tốt hơn. Thực hiện tốt và nhân rộng mô hình: Chủ tịch CĐ kiêm Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy) cấp công ty và cấp cơ sở.

Năm là, chăm lo xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức CĐ, thực hiện tốt chức năng CĐ. Đổi mới, nâng cao chất lượng  công tác thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, hướng tới thực chất hiệu quả. Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại với người sử dụng lao động và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp để lắng nghe ý kiến và kịp thời giải quyết các kiến nghị của đoàn viên, NLĐ. Tham gia xây dựng và giám sát có hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuyên truyền, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phát triển đa dạng hóa các lợi ích cho đoàn viên CĐ, CN, viên chức, NLĐ và các chính sách xã hội khác. Thực hiện thắng lợi dự án “Làng CN cao su”. Đổi mới cách thức tổ chức chương trình “Tết sum vầy”, “Mái ấm CĐ”, “Ánh sáng CĐ”. Sáng tạo nhiều chương trình mới. Nâng cao chất lượng “Bữa ăn ca”…

Ban Thường vụ Công đoàn Cao su VN ký quy chế phối hợp với Ban Tổng Giám đốc VRG vào năm 2018. Ảnh: Đào Phong

Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động CĐ theo hướng khoa học, kịp thời, thiết thực, cấp trên phục vụ cấp dưới, CĐ phục vụ đoàn viên, NLĐ “ Ở đâu khó có CĐ”, phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm để tổ chức hoạt động, xây dựng phong trào.

Thực tiễn và lý luận cách mạng đều cho thấy cơ sở vững chắc khẳng định vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của tổ chức CĐ, mối quan hệ mật thiết không thể tách rời cùng phát triển giữa giai cấp CN và tổ chức CĐ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chào mừng đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ IX nhiệm kỳ 2020 – 2025 với kỳ vọng lớn lao về sự phát triển bền vững và quyết tâm chính trị vì mục tiêu: “Tập đoàn mạnh – Công nhân giàu”, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày truyền thống CN cao su anh hùng, xin đóng góp một số ý kiến và gửi trọn niềm tin.

PHAN MẠNH HÙNG