CSVN – Gương mặt phúc hậu, tươi tắn, tác phong chỉn chu, nhanh nhẹn là ấn tượng ban đầu khi chúng tôi gặp chị Lò Thị Nết – Bí thư Chi bộ, GĐ Nông trường Châu Quỳnh, Cao su Sơn La tại Đại hội Thi đua yêu nước VRG vừa qua. Chị vinh dự được chọn tham gia đoàn chủ tịch tại Đại hội.
Tinh thần trách nhiệm cao
Chị Lò Thị Nết là người dân tộc Thái, sinh ngày 10/11/1987, quê ở Mường Sại, Quỳnh Nhai, Sơn La. Tháng 12/2007 chị vào làm cho Công ty CP Cao su Sơn La với công việc phụ trách kỹ thuật vườn ươm thuộc Đội Cao su Mường Sại. Từ năm 2010 – 2011 chị phụ trách kỹ thuật tổ cao su Chạ Ngáy. Từ 2011 đến 8/2017 chị làm Đội trưởng Đội Cao su Mường Sại.
Tháng 9/2017 đến nay, nhờ nỗ lực cố gắng và đạt nhiều thành tích, chị được tín nhiệm giao nhiệm vụ giám đốc Nông trường Châu Quỳnh. Ghi nhận những cố gắng phấn đấu trong công tác, ngày 30/10/2007 chị Lò Thị Nết đã được kết nạp vào Đảng, và ngày 30/10/2008 chị chính thức trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đơn vị, chị Nết được biết đến là một cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Với cương vị là Bí thư chi bộ, người đứng đầu đơn vị sản xuất, chị luôn gương mẫu thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là tạo mối quan hệ đoàn kết trong toàn đơn vị, thân thiện hòa đồng với công nhân, nhờ đó nông trường luôn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giao, là điểm sáng, của công ty. Ngoài việc lãnh đạo chỉ đạo điều hành công tác sản xuất, chị còn tích cực học tập nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đưa nông trường dẫn đầu công ty nhiều năm
Bên cạnh đó, chị luôn chủ động, dám nghĩ dám làm, từ xây dựng kế hoạch hàng tháng trong tổ chức khai thác mủ, đưa vườn cây vào khai thác đúng thời gian, đến chăm sóc vườn cây kịp thời đúng tiến độ như làm cỏ, bón phân… Vận động công nhân chấp hành tốt nội quy quy chế, quy trình kỹ thuật của công ty, nhờ đó đa số tay nghề công nhân cạo mủ đạt khá giỏi. Năm 2017, 2018 có 7 công nhân có sản lượng cao, quy trình cạo tốt được Công đoàn CSVN khen thưởng, có 2 công nhân đạt giải kiện tướng tại hội thi Bàn tay vàng do Tập đoàn tổ chức.
Chị Nết chia sẻ, gần 12 năm cây cao su bén rễ xanh cây trên mảnh đất Tây Bắc, đến nay, nhiều diện tích ở Sơn La đã đưa vào khai thác. Hàng chục nghìn hộ dân góp đất trồng cao su đã có thu nhập từ những tấn mủ đầu tiên. Nông trường hiện có 1.126,06 ha cao su thì nay đã đưa vào khai thác 1.078,9 ha. Gần 500 công nhân của nông trường đều có việc làm ổn định từ khai thác mủ và chăm sóc vườn cây.
Vườn cây cao su của nông trường luôn dẫn đầu toàn công ty về năng suất mủ. Nhờ tuyên truyền, vận động NLĐ khai thác tận thu hết mủ nên sản lượng khai thác nông trường luôn đạt hiệu quả cao. Năm 2017, nông trường khai thác được 485 tấn mủ đông. Năm 2018, khai thác được 1.355 tấn và năm 2019, nông trường khai thác được 1.469 tấn. Đến tháng 6/2020, khai thác được 450 tấn.
Ghi nhận sự cố gắng trong công việc, từ khi vào làm cho đến nay, từ 2008-2019, chị đạt nhiều bằng khen, giấy khen của công ty, Tập đoàn, của tỉnh và Công đoàn CSVN nhiều năm liền. Năm 2011-2014, chị được nhận bằng khen của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
BÌNH AN
Related posts:
- Tổ 8, Nông trường Long Hòa, Cao su Dầu Tiếng: sản lượng khai thác đạt tỷ lệ cao nhất công ty
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi nhân dân đoàn kết chống dịch
- Góp sức cho nhiệm vụ kép của toàn ngành
- 125 năm cây cao su ở Việt Nam: Thời kỳ phát triển và các bước thăng trầm
- Thế hệ trẻ phải biết lấy mục tiêu để phấn đấu
- Sáng kiến giá trị của một thợ giỏi
- Nghỉ hưu vẫn lưu luyến vườn cây
- Cao su Đồng Nai tuyên dương 323 học sinh sinh viên
- Rèn luyện qua thực tế để trưởng thành trong tương lai
- Cao su Chư Prông tăng cường truyền thông kỷ niệm 45 năm ngày thành lập