Vài ý kiến về “Bộ sưu tập bài hát hay ngành cao su”

CSVNO – Văn nghệ là một trong những công cụ tuyên truyền, quảng bá có sức hấp dẫn, dễ đi vào lòng người… Những bài hát khi được cất lên đúng lúc đúng nơi sẽ có thể hun đúc tinh thần, góp phần tạo nên sự đoàn kết, xây dựng niềm tin tương lai…

Ở các Hội diễn toàn ngành, số lượng bài hát về ngành đã được sử dụng nhiều hơn trước. Ảnh: Đào Phong.

(tiếp theo kỳ trước)

Ngành cao su đã trải qua nhiều thăng trầm, có những giai đoạn khó khăn đỉnh điểm: sản phẩm chất đầy kho mà không xuất bán được, nhiều công ty nợ lương công nhân… Vậy mà, mọi hoạt động lao động sản xuất vẫn được duy trì ở mức độ cần thiết…

Cán bộ công nhân đã cùng nhau thắt lưng buộc bụng, san sẻ và động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn… Điều ấy có được bởi cái nền tảng tự bao đời truyền  lại, từ nếp ăn nếp nghĩ của người công nhân cao su – luôn có trước có sau, bền bỉ thủy chung với cái nghề cha truyền con nối…

Và trong đó, có lẽ cũng có “mạch nước ngầm văn hóa văn nghệ” lặng lẽ dưỡng nuôi khí chất cần mẫn chịu thương chịu khó, sống có nghĩa có tình của cán bộ – công nhân cao su bao đời nay.

Ở góc độ của người làm công tác phong trào, gắn bó với ngành, tôi luôn mong muốn có nhiều bài hát viết về công nhân cao su, càng nhiều càng tốt. Và các bài hát ấy đến được với đông đảo công nhân các đơn vị, càng lan tỏa rộng khắp bao nhiêu càng quí bấy nhiêu! Đó mới là sự thành công mang tính gốc rễ của những cuộc vận động sáng tác và đúng theo mong muốn của lãnh đạo Tập đoàn.

Để có được sự thành công ấy, để các bài hát về ngành có thể lan tỏa rộng khắp như mong muốn, chúng ta không nên chỉ dựa vào bề nổi của các kỳ Hội diễn toàn ngành – dẫu ở đó có rất nhiều tiết mục xuất sắc chạm đến sự chuyên nghiệp nhờ sự đầu tư bài bản. Bởi vì điều đó không đại trà, không đại diện cho số đông.

Quay trở lại với các bài hát hay của ngành cao su, cho đến nay chúng ta đã có một “Bộ sưu tập” khá phong phú về chất lượng và số lượng. Gồm một tuyển tập ca khúc do Công đoàn Cao su Việt Nam in ấn; các CD, DVD: “Âm vang dòng nhựa trắng, Khát vọng xanh, Đến với yêu thương, Hát trên nông trường xanh…” được thực hiện trong 2 năm 2013 – 2014 và đã được phân phối đến các đơn vị trong ngành trong dịp kỷ niệm 85 năm ngày Truyền thống ngành cao su.

Nhưng các ấn phẩm này đã được các đơn vị đón nhận ra sao, sử dụng và phát huy tích cực như thế nào? Đó vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp xác thực!

Ở các cuộc Hội diễn thường kỳ, số lượng bài hát về ngành đã được các đội văn nghệ sử dụng tốt hơn và có nhiều chương trình khá hoành tráng với những tiết mục hào nhoáng ấn tượng. Thật đáng khích lệ! Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra dấu ấn của các đạo diễn chuyên nghiệp cùng với sự đầu tư khá tốn kém của mỗi đơn vị. Có không ít những “biên tập viên văn nghệ” ưu tú mà không có trong tay những bài hát hay về ngành nên cứ bê các tiết mục quê hương đất nước chung chung để dàn dựng, tập luyện.

Các chương trình như thế, ngành nào thi cũng được! Trong khi chủ đề chung của Hội diễn luôn mang đậm “chất công nhân cao su”. Đó là một điều đáng tiếc! Và sau những mùa hăng say luyện tập thi thố cho Hội diễn, các tiết mục hoành tráng đó có được diễn lại cho công nhân cao su xem hay là chìm vào quên lãng? Thêm một điều đáng tiếc cho công nhân!

***

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển vũ bão ngày nay, việc gìn giữ và lưu truyền các bài hát không còn quá khó khăn như trước kia. Các văn bản bài hát, nếu không được in ấn thành ấn phẩm thì cũng có thể lưu trữ bằng file hình ảnh. Các video âm nhạc, nếu không được đầu tư một cách chuyên nghiệp (mời ca sĩ đi quay hình thực tế có đạo diễn hình ảnh dàn dựng…) thì cũng có thể nhờ bộ phận kỹ thuật dựng clip minh họa phù hợp nội dung rồi gửi đăng lên các trang mạng và đưa lên các Website nội bộ…

Để công nhân yêu ca hát khắp nơi có thể tìm kiếm và nghe nhìn… Để phát huy hiệu quả các cuộc thi sáng tác; để các bài hát hay  về ngành được phổ  biến  rộng  rãi đến với công nhân ở từng đội tổ sản xuất, thì có một cách hữu hiệu là hãy dấy lên phong trào ca hát trong ngành. Hãy khuấy động phong trào công nhân hát về ngành.

Mỗi công ty, nông trường nên tổ chức các cuộc thi “hát với nhau”: có thể đơn ca, song ca, tốp ca… Hoặc là thi hát tập thể: Tổ 1 thi với tổ 2, tổ 3… ; Đội A thi với Đội B, C…; nông trường này đi giao lưu với nông trường kia; các thành viên trong các cụm thi đua giao lưu với nhau…

Và trong giai đoạn khó khăn hiện nay vì giá mủ còn thấp, vì ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu, để tiết giảm các chi phí thì Tập đoàn không cần phải tổ chức “Hội diễn nghệ thuật” nữa, mà chỉ cần tổ chức cuộc thi “Tiếng hát công nhân cao su” hoặc “Hát về dòng nhựa trắng”… chỉ hát với guitar/nhạc đệm mà không cần đầu tư múa minh họa và khỏi sắm sửa trang phục tốn kém.

Cần tổ chức cuộc thi “Tiếng hát công nhân cao su”, chú trọng về giọng hát, để giúp cho các bài hát về ngành phố biến rộng rãi hơn nữa. Ảnh: Đào Phong.

***

Qua 2 cuộc vận động sáng tác, VRG đã mời gọi các nhạc sĩ chuyên nghiệp đến gần hơn với công nhân cao su. Nhờ vậy đã bổ sung thêm nhiều bài hát hay cho ngành. Các bài hát đã khắc họa nét đẹp của vùng đất, con người và truyền thống công nhân cao su, góp phần quảng bá về VRG, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai…

Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn có chút băn khoăn: số lượng bài hát trong “Bộ sưu tập các bài hát hay ngành cao su” phần nào đã bị hạn chế do số lượng của các giải thưởng. Thật ra, với hơn 300 bài hát gửi đến tham gia 2 cuộc vận động sáng tác, bên cạnh các bài được giải vẫn còn khá nhiều bài hát hay của các nhạc sĩ khác.

Mỗi tác giả khi đến với cuộc chơi thì đều dốc tâm sức cùng với sự đầu tư nhất định về hòa âm phối khí và nhờ ca sĩ thu âm – để có một bản demo ưng ý mang đi dự thi. Nhưng khi các bài này không được giải của ngành cao su thì sẽ không có cơ hội dùng được ở đâu khác nữa. Điều này rất tiếc! Trong khi công nhân cao su vẫn có nhu cầu được thưởng thức các bài hát mới…

Mỗi bài hát sẽ có đời sống riêng nếu chúng ta tạo cơ hội cho nó được vang lên… Mong lắm thay! Nhất định những bài hát dưới tán cao su sẽ làm cho công nhân yêu thêm vườn cây, yêu thêm dòng nhựa trắng…

Q.L