CSVN – Đội tuyển bóng đá nước ta đang có một ông thầy “mát tay” như người viết đã có bài: “Cảm ơn thầy Park” (Tạp chí CSVN số Xuân Canh Tý 546 – 547 – 548). Nay chúng tôi lại muốn lạm bàn về các học trò của thầy Park Hang Seo – một thế hệ tài năng, bản lĩnh, đầy khát vọng.
“Có bột mới gột nên hồ”
Ông bà ta thường nói: “Có bột mới gột nên hồ”. Quả vậy, hiện nay trong tay thầy Park có một đội ngũ học trò rất “ngoan”. Hãy nhìn suốt chiều dài bóng đá Việt từ thập niên 80 thế kỷ trước đến gần đây, cái thứ bóng đá “đẹp” hoa mỹ như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, hay “máu lửa” hiệu quả như Thể Công, Đường Sắt… Những tên tuổi rạng danh một thời như Thế Anh – Cao Cường (Thể Công), Tam Lang, Tư Lê (Cảng Sài Gòn)… đã làm ngất ngây người hâm mộ khắp 3 miền, sau lớp ấy nền bóng đá nước ta dần “lắng” xuống do nhiều nguyên nhân.
Lúc đó, trước khi đi xem bóng đá người ta đã xì xầm về kết quả trận đấu có trước vài ngày, có những pha bóng sút ra ngoài còn khó hơn cả sút vào cầu môn, những pha hậu vệ chuyền bóng về thành bàn thắng cho đội bạn, hoặc do đội bạn sút bóng “hụt” ra ngoài, rồi lại không ít cầu thủ ra sân chỉ chịu được hiệp 1, đến hiệp 2 thường đi bộ hoặc “chuột rút” nằm sân…
Thực hư những chuyện trong làng cầu thủ như: tiêu cực, bán độ, thiếu kỷ luật trong tập luyện và thi đấu; không ít người còn rượu chè cờ bạc, ý thức tự giác, tính chuyên nghiệp còn kém nên chất lượng giải đấu đi xuống, khán giả chán ngán không có thú đến sân cổ vũ, lại được hưởng lợi từ xu thế hiện đại toàn cầu của truyền thông, chỉ cần ở nhà đã được xem trực tiếp hàng đêm tất cả các giải bóng đá hàng đầu thế giới.
Thế là người hâm mộ hầu như quay lưng với bóng đá nước nhà. Chỉ khi thầy Park Hang Seo và các học trò của ông làm nên chuyện ở U23 Châu á 2018 tại Thường Châu (Trung Quốc) với vị trí á quân, rồi hạng tư Asiad, vô địch AFF Cup, và dấu ấn huy chương vàng SEA Games, thì nền bóng đá nước nhà lại sục sôi hơn bao giờ hết.
Tinh thần đoàn kết là nền tảng sức mạnh
Về lứa học trò này của thầy Park, chúng ta có thể nhận xét một vài điểm có thể được cho là khá rõ:
Thứ nhất, các cầu thủ đã được đào tạo bài bản hơn trước. Ngoài một số “lò” như Sông Lam Nghệ An, Đà Nẵng… của các đội V- League thì đã có vài học viện bóng đá đã hợp tác với nước ngoài để đào tạo cầu thủ từ tuổi thiếu nhi, như PVF hay Hoàng Anh Gia Lai, các cầu thủ được chuyên gia nước ngoài chỉ bảo kỹ thuật chiến thuật hàng ngày.
Các học viên của học viện này có thể tự tin trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài lưu loát mà không cần phiên dịch. Họ là lứa cầu thủ từ lúc vào học viện đã phải thi thố, lựa chọn bằng chính thực lực, tài năng bẩm sinh, đến khi vào đội tuyển thì thầy Park là người quyết định chứ không bị áp đặt nhân sự của các cá nhân hay tổ chức nào. Nên dễ nhận thấy các cầu thủ bây giờ thực sự tập trung rèn luyện, cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo.
Thứ hai, chúng ta có lứa cầu thủ “ngoan”. Nhìn những gương mặt nén đau thi đấu, cùng nhau cào tuyết cho Quang Hải có được siêu phẩm đá phạt “cầu vồng tuyết” ngoài vòng 16 m 50; hình ảnh sau trận đấu Văn Hậu dùng tay cào tuyết đắp cao rồi cắm lá cờ đỏ sao vàng trên sân vận động Thường Châu đã làm thổn thức biết bao con tim người hâm mộ.
Và mỗi khi ghi bàn, các cầu thủ tuy có những biểu hiện bộc phát khác nhau nhưng hầu hết các em luôn kéo phần áo ngực trái, nơi ấy là lá cờ Tổ quốc để hôn thật lâu như một biểu cảm thể hiện tình yêu quê hương đất nước làm ngất ngây người hâm mộ.
Đặc biệt tập thể đội bóng rất đoàn kết không bị sự “cục bộ địa phương” làm ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu. Dù bạn từ địa phương nào hay là cầu thủ Việt kiều, đã vào sân thì cùng nhịp đập, cùng hướng vào kết quả tốt nhất. Chính tinh thần đoàn kết đã tạo ra sự gắn kết, là nền tảng sức mạnh của đội bóng.
Một thế hệ tài năng, bản lĩnh và đầy khát vọng
Thứ ba, đây là lứa học trò thực sự có tài đáp ứng được triết lý bóng đá của thầy Park, họ có kỹ thuật và tốc độ khá đồng đều, hầu như việc kiểm soát bóng, chuyền bóng, sút bóng nhiều em đã đạt trình độ khá cao, chắc hẳn không ai có thể quên nhiều quả đá phạt ngoài vòng 16 mét 50 của Quang Hải. Để có những bàn thắng mang tính ổn định như vậy ngoài sự tập luyện chuyên cần thì tài năng bẩm sinh là một nhân tố không thể thiếu.
Trong trận đấu chung kết căng thẳng với Indonesia tại SEA Games 30 nếu không có cái lắc đầu búa bổ của Văn Hậu (số 5) thì khó phá vỡ thế trận để kết cục ta giành thắng lợi 3-0. Mà chính cầu thủ này đã lập cú đúp kết liễu trận đấu lịch sử này.
Chúng ta đặc biệt ấn tượng với kỹ năng đánh đầu của các “con cưng” tại các giải đấu. Trước đây đội bóng ta thường thua thiệt khi tranh chấp bóng bổng với đội bạn, tại SEA Games 30 năm 2019, trong số 24 bàn thắng thì có đến 8 bàn thắng bằng đầu, chiếm 1/3 số bàn thắng ghi được quả là con số ấn tượng, đánh dấu sự tiến bộ thực sự của sự phát triển bóng đá khá toàn diện.
Mặt khác cách ghi bàn của các đầu thủ cũng đa dạng hơn, không quá phụ thuộc vào một ngôi sao nào, pha ghi bàn để đời của Hoàng Đức (số 14) từ cự ly 25m ở phút thứ 91, trong trận đấu với Indonesia, từ chân trái tuyệt đẹp ngỡ trong mơ.
Thứ tư, đây là lứa cầu thủ có chiều cao khá tốt là lợi thế cho việc chơi bóng bổng. Đây là xu thế của bóng đá hiện đại, nhiều cầu thủ cao trên 1,7m thậm chí không ít cầu thủ cao trên 1,8m thậm chí 1,85m và đặc biệt là thể lực các em được cải thiện rất nhiều.
Chính vì thế, khi các em thi đấu với các đội có thể lực, chiều cao, kể cả độ “rát” của các đội hàng đầu khu vực nhưng không hề bị “lép”. Thậm chí các pha ghi bàn cho đội nhà vào nửa cuối hiệp 2 vẫn được các cầu thủ duy trì khá đều, không “hụt hơi”, đuối sức.
Sợi dây bền chặt kết nối những trái tim
Với hàng loạt chiến thắng của đội tuyển trong hai năm trở lại đây, chúng ta thực sự vui mừng với nền bóng đá nước nhà đã “thay da đổi thịt”, làm nức lòng người hâm mộ cả nước. Nhưng cũng cần nhìn nhận nghiêm túc những yếu kém cần khắc phục, cũng đừng quá lạc quan khi FIFA xếp hạng bóng đá Việt Nam đứng nhất khu vực và xếp thứ 12 Châu Á.
Trong trận bán kết với Thái Lan tại Sea Games 30, chỉ hơn 10 phút đầu chúng ta đã để thua 2 trái hết sức “ngớ ngẩn”, mặc dù trận đấu khép lại với tỷ số hòa 2-2. Nhưng với những bàn thua không đáng có là bài học, lời cảnh báo cho huấn luyện viên và các cầu thủ Việt Nam.
Bác Hồ từng nói: “Thắng không kiêu, bại không nản”, những bàn thua “ngớ ngẩn” cần được thầy Park và các học trò nghiêm túc mổ xẻ để rút ra những bài học cho đội tuyển và từng thành viên một cách nghiêm túc nhất. Để bóng đá là sợi dây bền dẻo kết nối những trái tim, đồng lòng cùng nhịp ca khúc khải hoàn rợp cờ đỏ sao vàng trong niềm vui chiến thắng. Để mỗi chiến thắng của đội tuyển là một ngày hội của toàn dân, của một dân tộc yêu bóng đá như yêu chính quê hương đất nước mình.
MINH ANH
Related posts:
- Ngôi làng cổ của phu công tra
- Công - Nông nghiệp
- “Nóng” Nghị định 100
- Thư chúc mừng của lãnh đạo VRG nhân ngày 20/10
- Lời tự sự của cây cao su già ở Dầu Giây
- Nơi địa đầu Tổ quốc
- Cách chống dịch Covid - 19 độc đáo của người Giẻ Triêng
- Tham quan, học tập giúp nâng cao đời sống tinh thần
- Cao su ở bảo tàng và mơ ước một bảo tàng cao su
- Kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành diễn ra trong 3 ngày