CSVN – Trước tình hình có nhiều tác động ảnh hưởng đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong những tháng đầu năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp và các hiệp hội dự báo, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2020 sẽ đạt khoảng 11,75 tỷ USD, tăng 3,9% so với 2019.
Trong đó, dự báo trong quý III/2020, tổng giá trị xuất khẩu sẽ đạt khoảng 3,12 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng khoảng 43% so với quý II/2020. Đặc biệt, quý IV/2020 được dự báo sẽ là thời điểm đạt tăng trưởng cao nhất, dự kiến giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt mức 3,82 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, đồng thời đẩy nhanh việc khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh, theo Bộ NN&PTNT, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan với cộng đồng doanh nghiệp để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi, ổn định sản xuất và tiếp tục mục tiêu phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Về phát triển mở rộng thị trường, các doanh nghiệp cần chủ động kết nối với các nhà phân phối đối tác để tiếp tục đàm phán, thực hiện các đơn hàng theo kế hoạch, ký kết các đơn hàng mới để đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh ngay sau khi các quốc gia khống chế được dịch bệnh.
Đi liền với đó, cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược trong việc mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào một hoặc một số thị trường chính nhằm tránh rủi ro trong bối cảnh thế giới thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột và cạnh tranh thương mại. Chú trọng xây dựng chiến lược phát triển tại thị trường trong nước – một thị trường đầy tiềm năng với nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ trong trang trí nội thất rất lớn tại các dự án bất động sản.
Cùng với đó là việc chủ động nguồn nguyên vật liệu trong nước, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế. Trước mắt, tập trung nguồn lực để chuẩn bị tốt nguồn nguyên vật liệu tổ chức lại các hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm để đón đầu cho các đơn hàng mới.
Về lâu dài, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm phụ trợ của ngành gỗ trong sản xuất đồ nội thất, ngoại thất… để từng bước chủ động được nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất, giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Ngoài ra, cần tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác theo chuỗi, mở rộng các hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp với người dân trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu gắn với phát triển các khu công nghiệp để hình thành các khu công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản tập trung, quy mô lớn tại một số vùng sinh thái, kinh tế trọng điểm.
Chủ động, đổi mới phương thức giao dịch, quảng bá giới thiệu sản phẩm và bán hàng; trong đó, tập trung sử dụng phương thức giao dịch thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến…đối với các sản phẩm gỗ và lâm sản.
Đặc biệt, tập trung nghiên cứu, xây dựng thương hiệu Gỗ Việt cho các sản phẩm gỗ và lâm sản được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững để từng bước khẳng định uy tín, vị thế của sản phẩm gỗ Việt Nam tại các thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về quản lý rừng bền vững và bảo đảm gỗ hợp pháp trong sản xuất, chế biến sản phẩm.
P.V
Related posts:
- Công ty CP ĐT&PT VRG Long Thành: Thu hút nhà đầu tư nước ngoài có vốn hóa lớn
- Công nghệ mới trong xử lý nước thải công nghiệp
- Cao su Bến Thành: Hướng đến sản xuất đa dạng các sản phẩm công nghiệp
- Đầu tư khu công nghiệp tiếp tục hiệu quả
- Gỗ MDF VRG Quảng Trị phấn đấu sản xuất trên 204.000 m³
- 3 khu công nghiệp thuộc VRG nằm trong top 10 khu công nghiệp uy tín
- Bà Nguyễn Thị Phi Nga – Phó TGĐ thường trực Công ty CPCS Phước Hòa: "6.010ha quy hoạch khu/cụm công ...
- Các khu công nghiệp VRG: Liên kết, hợp tác để phát triển
- Công ty Cổ phần VRG Khải Hoàn (VGLOVE): Kín đơn hàng đến năm 2022
- Khu công nghiệp Tân Bình: Hướng đến khu công nghiệp xanh và phát triển bền vững