CSVN – Khó khăn về lao động vẫn còn nan giải trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Khởi đầu năm 2020, kinh tế thế giới và Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn về thời tiết và dịch bệnh, ảnh hưởng của dịch Covid – 19 bùng phát trên thế giới và chưa có điểm dừng, dự báo các ngành nghề lĩnh vực công nghiệp sẽ còn đình trệ.
Trong đó một số ngành nghề thiết yếu phải đối mặt với thách thức khan hiếm nguồn nhiên liệu để sản xuất, rào cản dịch bệnh trong tiêu thụ hàng hóa làm ảnh hưởng lớn về tài chính doanh nghiệp.
Do vậy, các doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động buộc phải đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược “sống còn” như: tinh giản nhân công, giảm thiểu thu nhập tiền lương …
Nhiều năm qua đa số các đơn vị thành viên trực thuộc VRG khi nguồn lao động thiếu hụt đã chọn giải pháp tăng chế độ cạo từ D3 lên D4, D5…
Đứng trước thực trạng khó khăn, ngành cao su cũng không ngoại lệ, các đơn vị thành viên VRG đã có những giải pháp ứng phó và tháo gỡ kịp thời khó khăn, nỗ lực vượt khó để bộ máy vận hành thông suốt. Các giải pháp căn cơ đó là: nguồn lực lao động và chính sách tiền lương.
Đây là chính sách quan trọng cốt lõi hỗ tương cho nhau trong quá trình vận hành của đơn vị lâu dài. Đó là phải có chính sách tiền lương phù hợp để thu hút nguồn lực lao động và ngược lại nguồn nhân lực lao động phải vận hành có hiệu quả về năng suất cũng như chất lượng sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao cho doanh nghiệp.
Hiện nay, để ổn định về tiền lương và thu nhập của người lao động, các đơn vị trong ngành cao su đang chú trọng nâng cao năng suất lao động, tiết giảm suất đầu tư và các chi phí không cần thiết … Một trong những giải pháp được các đơn vị thực hiện trong thời gian vừa qua, như phân bổ tăng dần số cây cạo từ 500 cây – 700 cây/người/ngày công (có đơn vị cao hơn con số này).
Tuy nhiên, vấn đề tăng số lượng cây theo bậc thang mà để ảnh hưởng đến cường độ lao động, người lao động bị quá sức thì rất khó bền vững. Bởi vậy, triển khai thực hiện giải pháp đối với một số vườn cây có sản lượng mủ kém chất lượng, để đông bóc mủ chén nhằm giảm đi công sức lao động trút mủ tươi (mủ nước) sau khi cạo, cũng là một phương án.
Một điều dễ hiểu việc tăng số lượng cây cạo/lao động nếu làm tốt chắc chắn thu nhập tiền lương sẽ ổn định, tăng cao tương xứng… do sản lượng mủ thu hoạch được nhiều bù vào giá mủ trượt thấp.
Qua đó, sẽ kích thích người lao động cố gắng thực hiện công việc với trách nhiệm cao hơn, đồng thời cũng thu hút được nguồn lực lao động bên ngoài khi mà nhiều ngành nghề cạnh tranh.
Mặc khác, tăng số lượng cây cạo cũng sẽ giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, phần nào lấp đầy được khoảng trống nhân công đang còn thiếu hụt, đảm bảo vườn cây không bị bỏ trống mà tụt giảm năng suất, sản lượng mủ… làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và hoạt động khác của các đơn vị.
Thiết nghĩ, đây là giải pháp kịp thời, hợp lý để ổn định và phát triển bền vững.
VÂN NGUYÊN
Related posts:
- Thư chúc mừng năm mới của Ban lãnh đạo VRG và Công đoàn Cao su Việt Nam
- Khởi động chọn “chiến binh”
- Mùa cạo mới - Tín hiệu mới
- Chọn bánh mì hay hoa hồng?
- Ngành cao su cần sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước để phát triển bền vững
- Vị đắng của giọt mủ
- Nghịch lý
- Liên kết nâng đỡ giá cao su: Giải pháp tất yếu
- Gửi trọn niềm tin
- Thấy gì sau 3 năm phát triển cao su tiểu điền ở Kon Tum?