Khát khao vươn tới cuộc sống tươi đẹp

CSVN – Nhiều bà con các tỉnh miền núi phía Bắc đã ngược về xuôi vào Đồng Nai để làm công nhân cao su, cùng dựng xây ngôi nhà chung ngày càng vững bền.

Anh Lừu Sèo Vư hào hứng kể về lần đầu được đi biển nhờ làm công nhân cao su.
Trong đời chưa từng mơ có tiền tiết kiệm

Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến Nông trường Cẩm Đường để gặp gỡ công nhân được nông trường tuyển vào đầu mùa khai thác năm 2020. Khi chúng tôi đến tổ 7 thì anh Ma Seo Vàng (32 tuổi) và chị Tẩn Thị Dế (30 tuổi) vẫn đang tất bật trên vườn cây. Chị Trần Thị Kim Oanh – Tổ trưởng Tổ 7 thuyết phục mãi thì hai anh chị mới nghỉ tay để trò chuyện với chúng tôi.

Ở xã Bảng Ngò (huyện Sính Mần, tỉnh Hà Giang), nơi anh chị sinh sống, quanh năm mọi người chỉ trồng ngô, trồng lúa. Năm được mùa thì đủ ăn, còn những khi mùa màng thất bát thì “giật gấu vá vai”. Nhà nào khá hơn thì chăn nuôi thêm đôi ba con bò. Thế nhưng theo lời kể của anh thì: “Làm đủ thứ như thế nhưng chỉ mong bữa cơm đủ cơm, canh với một món mặn, chứ cả đời vợ chồng tôi chưa từng dám mơ đến có tiền tiết kiệm”.

Cuộc sống cứ mãi như thế cho đến cuối năm 2019 khi đứa em trong thôn mang về cho gia đình hơn một trăm triệu đồng. Anh qua thăm hỏi mới biết được đó là tiền dành dụm cả năm khi làm công nhân cao su tại Đồng Nai.

Anh chị còn được biết thêm là TCT Cao su Đồng Nai vẫn còn tuyển công nhân. Nhưng anh là trưởng thôn Trụ Chảy được 10 năm rồi, nên anh cũng đắn đo mãi không biết cân nhắc như thế nào.

Nếu cả đời chỉ trông cậy vào mấy vụ lúa, vụ ngô thì đời hai vợ chồng anh nghèo đã đành, đến các con anh cũng sẽ không khá lên được khi cái ăn hàng ngày cũng là một bài toán khó, phải đong đo cho hợp lý. Vậy là quyết liều một phen, anh chị gởi hai con lại cho ông bà, đồng thời báo cáo với cấp trên để bàn giao lại chức trưởng thôn cho người khác.

Hành trình từ Hà Giang vào Đồng Nai là cả một câu chuyện dài. Tính từ lúc rời thôn Trụ Chảy, bắt xe đi TP. Hà Giang, rồi từ đó qua mấy “chuyến đò” nữa mới đến được Đồng Nai, hành trình xuyên suốt hết 2 ngày 2 đêm. Trên đường đi, dù nhiều lo lắng nhưng anh chị có một niềm tin rằng chuyến ngược vào Nam của vợ chồng mình sẽ giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn, các con cũng sẽ được học hành tới nơi tới chốn.

Vào đến nơi, anh chị được nông trường sắp xếp chỗ ở và bắt tay vào học cạo ngay. Ngay từ khi chính thức được giao phần cây, dưới sự chỉ bảo tận tình của cán bộ kỹ thuật, tổ trưởng, anh  chị tiến hành trang bị vườn cây, chính thức trở thành công nhân cao su.

Tháng đầu tiên hai vợ chồng nhận được 13 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi về niềm vui này, anh phấn khởi: “Từ khi sinh ra tới giờ chưa có cầm số tiền lớn như vậy bao giờ. Ở đây điều kiện sinh hoạt đủ đầy, quán xá nhiều nên cần gì cũng có. Tiền lương như vậy là khá lắm. Lúc đi vào đây, TCT hỗ trợ hết tiền xe cho vợ chồng mình và các anh chị em khác.

Rồi ở  khu nhà tập thể thì tiền nước, tiền phòng không phải lo. Được quan tâm như vậy, anh chị em ở xa tới lập nghiệp vui sướng lắm. Chỗ ở có trang bị Internet nên mỗi khi nhớ các con thì gọi qua các ứng dụng điện thoại để có thể nhìn thấy con. Hai vợ chồng sẽ cố gắng làm để Tết có nhiều tiền về thăm con”.

Chúng tôi hỏi anh: “Anh chị đã bị cán bộ kỹ thuật la rầy chưa?” Anh cười: “Cán bộ nhiệt tình lắm, thêm nữa, anh chị em công nhân ở đây hỗ trợ nhiều lắm, cái nào không biết thì mình cứ hỏi thôi”.

Chúng tôi tiếp: “Vào đây hai tháng rồi, anh chị có biết và đã từng gặp giám đốc nông trường chưa?”Anh đáp: “Gặp rồi chứ, là chú Bá, ngày nào chú ấy cũng đi vườn cây kiểm tra rồi thăm hỏi, động viên người mới vào. Mọi người trong này thân thiện vô cùng”.

Vợ chồng anh Ma Seo Vàng chia sẻ niềm vui khi nhận tháng lương đầu tiên với giám đốc nông trường.
Trước đây chỉ thấy cây cao su trên truyền hình

Đón chúng tôi với nụ cười tươi, anh Lừu Sèo Vư – Tổ trưởng Công đoàn, công nhân khai thác Tổ 13 khoe: “Mình mới được nông trường tạo điều kiện cho đi biển Vũng Tàu chơi đấy. Trước giờ chỉ nghe kể nước biển mặn lắm, nay lần đầu tiên đến biển, cũng nếm thử coi nước biển mặn thiệt không. Từ khi sinh ra tới giờ đâu dám mơ được đi du lịch, vậy mà mới vào làm công nhân cao su đã được cho đi rồi. Mình biết ơn sự quan tâm của nông trường rất nhiều”.

Cũng như anh Vàng, anh Vư (dân tộc Mông ở tỉnh Hà Giang) cũng là người có chức tước trong thôn. Với chức trưởng thôn ở xã, hàng tháng anh nhận được tiền lương gần 1,5 triệu đồng.

Ngần ấy tiền lương cộng thêm với lúa, với ngô thì không đủ cho gia đình “4 cấp” (vợ chồng anh có 4 người con, đứa lớn nhất đi học nghề, đứa nhỏ nhất thì mới vào mẫu giáo) không đủ cái ăn.

Anh tâm tình: “Mình đã được nghe đến cây cao su vì ở các tỉnh miền núi phía Bắc cũng có cao su, mà toàn thấy trên truyền hình không à, vô đây mới được nhìn bằng mắt, mới được chạm vào cây cao su”.

Vì sự uy tín của mình, anh được anh chị em trong tổ tín nhiệm bầu chọn làm Tổ trưởng Công đoàn Tổ 13. Anh nói: “Ở đâu thì cũng cần có người đứng ra vận động, tuyên truyền. Mình được anh em tin tưởng nên rất vui, vì vậy mình phải có trách nhiệm với vị trí ấy, làm việc phải chuyên tâm, gương mẫu. Mai này dù không gắn bó nữa thì mình cũng sẽ nói tử tế, có nghỉ hay gì cũng phải báo cáo các cấp chứ không thể bỏ ngang, tự dưng mà nghỉ được”.

Mới vào làm một thời gian ngắn mà anh đã nhận thấy ưu – khuyết điểm của mình: “Về kỹ thuật phải chuẩn, độ sâu như thế nào thì mình làm được nhưng tốc độ nhanh thì mình chưa làm được. Mình cần phải rèn luyện thêm để kỹ thuật và tốc độ tốt hơn nữa”.

Chúng tôi hỏi anh về công việc mới có vất vả không, gặp những khó khăn gì, anh chân thành chia sẻ: “Ở đâu cũng có việc làm, có quần, áo, đồ ăn, nhưng mình ý thức được là phải cố gắng làm nhiều thì mới có cái ăn, có tiền để dành. Nói chung cũng không có khó khăn gì nhiều, từ từ rồi anh chị em công nhân mới vào làm việc sẽ quen với môi trường sống mới, công việc mới.

Chỗ ở thì mình không phải lo, rồi còn được lãnh đạo nông trường tâm lý khi sắp phần cây hai vợ chồng gần nhau để tiện đường đi, đèo vợ đi làm vì vợ không biết chạy xe máy. Cái này là mình không yêu cầu nhưng sự sắp xếp phù hợp như thế này giúp cho các cặp vợ chồng có thể hỗ trợ công việc cho nhau, vì mới vào còn bỡ ngỡ”.

Không chỉ có vợ chồng anh Vàng, anh Vư mà còn rất nhiều cặp vợ chồng ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An đến “đầu quân” cho Cao su Đồng Nai. Với bản tính hiền lành, tỉ mẫn trong công việc, ham học hỏi, họ “bắt” việc rất nhanh. Với những tín hiệu khả quan ban đầu, chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng, tình nghĩa của ngành cao su như truyền thống bao đời và tình nghĩa của Cao su Đồng Nai sẽ là chất keo níu giữ họ gắn bó với đơn vị.

Rồi đây, những thành quả của Cao su Đồng Nai chắc hẳn sẽ có những đóng góp không nhỏ của họ – những người dám thay đổi và khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

QUỲNH MAI