CSVN – Những ngày cuối tháng sáu, phụ huynh “ngược xuôi” đưa đón con em đến các trung tâm luyện thi, học thêm để bổ sung kiến thức sau kỳ “giãn cách xã hội” và chạy đua “nước rút” để về đích.
Hãy lắng nghe và thấu hiểu
Không giấu được vẻ mệt mỏi, tay cầm hộp cơm mua vội cho con, lo âu phảng phất trên khuôn mặt, chị Thu (Q.Thủ Đức) trải lòng: “Nhìn các con “bù đầu” với đống tài liệu ôn thi, mà thấy thương quá! Tụi nhỏ bây giờ học quá trời luôn, không bù với mình ngày xưa. Nhiều lúc đưa con đi học sớm, vào cơ quan tôi phải tranh thủ ngả lưng chợp mắt.
Do nhà xa trung tâm nên cháu lớn học lớp 12 “giao khoán” cho dịch vụ Grab, còn cậu nhỏ năm nay vào lớp 10, hai vợ chồng thay phiên nhau đưa đón sáng, trưa, chiều, tối. Nhiều khi cũng mệt bã cả người”.
Không giống chị Thu, vì nhà có điều kiện, nên việc đưa đón con đã có tài xế lo, nhưng chị Hà (Q. Bình Thạnh) lại “đau đầu” vì cậu quý tử không ham thích bất cứ một môn học nào ngoại trừ “mê game”. Chị không tiếc tiền để thuê gia sư về tận nhà dạy kèm các môn thi, cuối tuần lại đưa con đến trung tâm ngoại ngữ …
“Nhiều lúc tôi “điên đầu” vì con. Hễ đi học về đến nhà là lao vào phòng riêng “chát chít”. Ăn cơm cũng game, tối thức khuya lại “mài game”. Đã vậy, lại còn hay “lý sự” “chơi để giải tỏa căng thẳng áp lực thi cử…”, chị Hà thở dài ngao ngán.
Khác với chị Thu và chị Hà, gia đình anh Khôi (Q.Gò Vấp) lại tạo áp lực “sức nặng ngàn cân” – như cách nói của Nguyên khi nhận xét về ba. Anh đặt mọi kỳ vọng vào con, trao thưởng “khủng” nếu con đậu vào trường chuyên, lớp chọn: “Ba mẹ không tiếc công, tiếc của để lo cho con ăn học. Nhà chỉ có mình con, học sao để nở mày, đẹp mặt với họ hàng, lối xóm”.
Chính sự áp đặt và kỳ vọng quá lớn của anh, khiến con không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. “Nhiều lúc con cảm thấy đuối sức, mệt mỏi vì quá căng thẳng với lượng kiến thức “nhồi nhét”, kiểm tra phải cố đạt điểm cao để vừa lòng ba mẹ” – Nguyên chia sẻ những áp lực tinh thần mà em phải chịu đựng.
Áp lực thi cử triệt tiêu sức sáng tạo
Còn Dũng thì bức bối: “Nhiều lúc ba mẹ cứ nghĩ con là “siêu nhân” hay sao í, cứ ép con phải thi vào trường điểm của quận. Nhưng hơn ai hết, bản thân con biết mình đang “đứng ở đâu” và đăng ký nguyện vọng vào trường nào là phù hợp. Tại sao các bậc ba mẹ lại không chịu thấu hiểu và lắng nghe con bày tỏ nguyện vọng? Nhiều lúc con thấy buồn và chán vô cùng…”.
Với Hà Vy, là một học sinh giỏi, em không bị áp lực từ ba mẹ. “Nhưng nhìn nụ cười của mẹ và niềm hạnh phúc của ba mỗi khi con đạt thành tích cao, cộng với sự kỳ vọng của thầy cô, bè bạn lại khiến con càng phải phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn trong học tập”, Hà Vy chia sẻ.
Chính những áp lực về học hành, thi cử; áp lực về trường chuyên, lớp chọn; áp lực về điểm số, bệnh thành tích…vô hình chung gây nên trạng thái mệt mỏi căng thẳng, lo âu thái quá của các bậc phụ huynh.
Những kỳ vọng của cha mẹ, mong muốn con phải đậu “trường này, trường nọ” đã tạo áp lực quá lớn cho con cái, và chính họ đã “lấy cắp” quỹ thời gian, sự trong sáng, hồn nhiên vô tư của con trẻ…
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương (Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia), bất kể nguồn khởi phát áp lực là gì, thì các em học sinh đang ở độ tuổi phát triển cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Một khi áp lực này vượt qua ngưỡng tạo ra sự tích cực, các em sẽ phải nhận hậu quả, nhẹ thì mắc một số chứng suy nhược tinh thần, sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng, nặng hơn có thể dẫn tới các chứng rối loạn tâm thần hết sức nguy hiểm.
MINH KHÔI
Related posts:
- Nhiệm kỳ 2017 – 2023 Công đoàn cao su Chư Prông phát triển được 1.112 đoàn viên
- Tạp chí Cao Su VN - kênh thông tin hữu ích
- Phải dứt khoát gác lại mối tình xưa
- Nghề bảo vệ cao su
- Phát hiện một trái đạn trong lô
- Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng - hướng vào giới trẻ
- Ngành cao su hướng về đồng bào miền Trung
- Chồng tránh mặt ba, khục khặc với vợ
- Kết thúc Hội thao CNVC-LĐ VRG khu vực III
- Vượt gian khó, gắn bó với nghề