CSVN – “Thời cơ vàng” để đẩy mạnh tốc độ phát triển khu công nghiệp (KCN) đang đến. Tuy nhiên, VRG gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hơn bao giờ hết, VRG rất cần được các cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương tháo gỡ nút thắt.
Thời cơ phát triển
Hiện tại, VRG đang đầu tư vào 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN. Các công ty KCN đang đầu tư và khai thác tại 16 dự án với tổng diện tích hơn 6.500 ha. Năm 2019 lĩnh vực này tuy không đạt chỉ tiêu về diện tích đất cho thuê do vướng công tác giải phóng mặt bằng, chờ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên các chỉ tiêu kinh doanh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hiệu quả của lĩnh vực này đã bù đắp cho lợi nhuận của các ngành nghề khác trong cơ cấu chung, đem lại lợi nhuận cao nhất trong 5 lĩnh vực chính của VRG, với mức 508 tỷ đồng trong năm 2019.
Trong nước, VRG quản lý hơn 300.000 ha đất đai, có tiềm năng để đẩy mạnh tốc độ phát triển, mở rộng KCN, cụm công nghiệp, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới như hiện nay, dự báo doanh nghiệp các nước lớn sẽ đầu tư tại Việt Nam và các nước ASEAN.
Đây chính là thời cơ để VRG tận dụng lợi thế, tiềm năng đất đai để phát triển mở rộng và đầu tư vào phát triển KCN, cụm công nghiệp.
Nhận định xu thế phát triển trong tương lai, sự dịch chuyển sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp – dịch vụ, chính vì vậy VRG tiếp tục mở rộng các KCN hiện có và đầu tư mở mới các KCN trong năm vừa qua.
Cụ thể, mở rộng KCN Nam Tân Uyên giai đoạn 2, KCN Rạch Bắp mở rộng, đầu tư KCN Nam Pleiku và một số dự án đầu tư mở rộng khác.
Theo dự đoán, ngành nghề này sẽ tiếp tục mang lại doanh thu, lợi nhuận cao cho VRG trong năm 2020. Tính đến thời điểm hiện nay, VRG đã hoàn tất thủ tục về mở rộng KCN Nam Tân Uyên, KCN Rạch Bắp và hi vọng sẽ đưa vào khai thác trong năm nay.
Các KCN khác như Minh Hưng 3, Long Thành, Dầu Giây, Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú giai đoạn 2 đang tiến hành làm thủ tục và kỳ vọng năm 2021 sẽ đưa vào hoạt động.
Và những vướng mắc cần tháo gỡ
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020, đa số ý kiến của cổ đông đều tập trung vào lĩnh vực đầu tư KCN trên đất cao su, một lĩnh vực đầy tiềm năng của VRG.
Từ hiệu quả lĩnh vực này mang lại những năm gần đây, đương nhiên VRG xác định cần được tập trung nguồn lực để đầu tư mạnh trong năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025.
Vậy cởi bỏ nút thắt ở đâu để tận dụng thời cơ phát triển?
Trong giai đoạn 2021 – 2030, VRG dự kiến chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cao su sang phát triển KCN, cụm công nghiệp hơn 31.000 ha.
Trong đó đã có 4.965 ha được các địa phương đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 2025. Diện tích còn lại VRG đang rà soát và tích cực làm việc với các địa phương để đề nghị địa phương đưa vào quy hoạch sử dụng đất đai phù hợp với sự phát triển của tỉnh và của ngành cao su.
Từ thực tế triển khai đầu tư các dự án KCN trong thời gian qua, VRG gặp khó do vướng nhiều về mặt cơ chế. Ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG cho biết: “Cụ thể, khi triển khai theo Luật đất đai còn vướng ở Điều 57, 58, 59. Nghị quyết 60 của Quốc hội cũng có những quy định cụ thể về phương án sử dụng đất đối với công ty cổ phần. Hiện nay, VRG đã có những trình bày về các vướng mắc trong cơ chế để trình Chính phủ tháo gỡ”.
Thủ tục phát triển KCN cần rất nhiều thời gian, tính từ khi “thai nghén” cho đến khi hoàn tất, có đất thương phẩm cho thuê thì nhanh nhất phải tốn 2 đến 3 năm vì còn phụ thuộc vào thủ tục của Nhà nước, các cơ chế quy định về việc phát triển đất đai.
Thời điểm năm 2020 và những năm tiếp theo, để phát huy thế mạnh, VRG tích cực đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.
VRG sẽ phối hợp với các địa phương để đưa vào quy hoạch đất phát triển KCN 10.000 – 15.000 ha thương phẩm trong giai đoạn 2021 – 2025 đất thương phẩm, dự kiến cho thuê 600 – 1.000 ha/năm.
Vậy liệu với những nút thắt về cơ chế, chính sách như hiện nay thì các doanh nghiệp có dễ dàng thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang các ngành nghề đem lại lợi nhuận cao không? Câu trả lời là có thể thực hiện nhưng thời gian kéo dài.
Như vậy VRG cũng như các doanh nghiệp khác dễ dàng vuột mất cơ hội thu hút đầu tư. Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG cho biết: “Việc phát triển KCN, cụm công nghiệp, khu dân cư phải dựa trên cơ sở quy hoạch của địa phương và Chính phủ. Những năm qua, VRG tập trung đầu tư phát triển KCN ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác.
Chủ trương của VRG đó là tiếp tục mở rộng trên cơ sở các KCN hiện có và xin mở mới một số KCN ở những nơi có nhiều tiềm năng, thuận lợi về giao thông, thu hút đầu tư, nguồn nguyên liệu…
Tuy nhiên, VRG vẫn còn vướng nhiều cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, VRG đã chủ động làm việc với các Bộ, ban ngành để xin chủ trương để làm thế nào phải đẩy nhanh tiến độ, triển khai nhanh chóng các hạ tầng KCN, nắm bắt thời cơ phát triển”.
Trong thời điểm này khi giá mủ cao su giảm, bên cạnh các ngành nghề chính, VRG sẽ tập trung phát triển mạnh ở các ngành nghề có tiềm năng. Vì vậy, VRG cần nhanh chóng chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cao su sang phát triển KCN, cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đem lại doanh thu, lợi nhuận tốt, đảm bảo sự phát triển của VRG và chăm lo tốt đời sống cho NLĐ.
Hơn bao giờ hết, VRG cần sự “gỡ rối”, hỗ trợ của địa phương, các cấp có thẩm quyền để giải quyết bài toán vướng mắc cơ chế khi triển khai thực hiện. Có như vậy, VRG và các doanh nghiệp mới nắm bắt được cơ hội phát triển, phát triển phù hợp với xu thế chung của cả nước.
HUỆ LINH
Related posts:
- Các công ty tại Campuchia đã nỗ lực vươn lên trong điều kiện khó khăn
- Cao su Sa Thầy biểu dương 54 tập thể và cá nhân
- Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với VRG về kế hoạch sản xuất, đầu tư phát triể...
- VRG tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước
- Vững tin vào điều "kỳ diệu"!
- Giải thưởng Cao su Việt Nam, Phú Riềng Đỏ: trân trọng những đóng góp to lớn của người lao động
- Khối thi đua số 14 sẽ chi 90 triệu đồng cho hoạt động xã hội
- Gởi niềm tin vào mùa cạo mới
- Cao su Chư Păh nhận giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động
- “Cao su Phú Riềng có hiệu quả sản xuất kinh doanh nổi bật”