Để thảo luận tại đại hội đi vào thực chất

CSVN – Việc thảo luận trực tiếp tại Đại hội cần được nhân rộng, vừa tạo không khí dân chủ cho mà vẫn đảm bảo đúng nội dung theo quy định.

Đại biểu biểu quyết tại Đại hội.

Trong chương trình các đại hội, hội nghị, theo quy định, có phần thảo luận để các đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo của đơn vị.

Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các hội nghị, đại hội đều cử đại biểu đọc tham luận đã chuẩn bị sẵn, thay cho phần thảo luận trực tiếp. Theo thông lệ, việc này nhằm đảm bảo cho đại hội diễn ra theo đúng kịch bản, đảm bảo về thời gian mà vẫn đúng quy định đề ra, nhất là đối với đại hội có tính chất quan trọng như đại hội Đảng.

Về nội dung, dự thảo báo cáo đã được gửi cho các đại biểu, ý kiến đóng góp nếu có đều đã được gửi về Ban tổ chức đại hội, nên khi ra đại hội hầu như không có đại biểu nào có ý kiến thêm.

Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng rập khuôn theo cách này. Đại hội Đại biểu Đảng bộ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum nhiệm kỳ 2020 – 2025 vừa qua là một ví dụ.

Đại hội đã tạo điều kiện cho các đại biểu tham dự tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng của Đảng bộ và công ty, cũng như đặt vấn đề đối với đoàn chủ tịch về phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ mà ban chấp hành đề ra trong báo cáo chính trị.

Ví dụ, có đại biểu đã đặt câu hỏi “Vì sao trong chỉ tiêu khai thác hàng năm chỉ tăng 1%, nhưng lợi nhuận và doanh thu hàng năm lại tăng 1,5% trở lên?” hay nêu vấn đề về nguồn lực lao động, quần chúng ưu tú để kết nạp 40 đảng viên mới trong nhiệm kỳ tới…

Và trong tất cả những ý kiến thảo luận ấy, các đại biểu đều đưa ra được giải pháp để thực hiện vấn đề mình đặt ra tại đại hội.

Những ý kiến thảo luận không chỉ tập trung về nguồn lực phát triển đảng viên mới, hay về tăng trưởng từng năm của công ty trong suốt nhiệm kỳ 5 năm mà các đại biểu còn đặt ra nhiều vấn đề “gai góc” hơn từ vi mô đến vĩ mô, từ lộ trình tăng – giảm sản lượng đến những chỉ tiêu trong chất lượng sản phẩm mà công ty sản xuất ra.

Chúng tôi thật sự ấn tượng vì rất ít khi tham dự một đại hội mà chứng kiến trong phần thảo luận các đại biểu lại tập trung lắng nghe, chú ý đến từng câu chữ của người thảo luận để có ý kiến góp ý thêm và tổ thư ký ghi chép nhiều đến thế.

Sau cùng, trước khi ra mắt Ban chấp hành nhiệm kỳ mới, đoàn chủ tịch đã cử đ/c TGĐ công ty trả lời và giải thích rõ những vấn đề đại biểu đã đặt ra trong đại hội.

Câu kết trong phần trả lời của đ/c TGĐ công ty khẳng định: “Chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn các đại biểu đã có những ý kiến đóng góp hết sức ý nghĩa, quý báu để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo chính trị. Chúng tôi mong muốn luôn nhận được ý kiến của các đại biểu tại những hội nghị khác cũng như bằng văn bản để cùng với ban chấp hành khóa mới lãnh đạo công ty ngày càng phát triển hơn nữa”.

Đây rõ ràng là câu trả lời tổng kết thật sự với diễn biến thực tế tại đại hội, không phải câu đáp từ suông cho những bài tham luận đã chuẩn bị sẵn.

Thiết nghĩ cách làm này cần được nhân rộng, vừa tạo không khí dân chủ cho các đại hội, hội nghị mà vẫn đảm bảo đúng nội dung theo quy định. Hơn nữa các ý kiến đều mang tính xây dựng, nghiêm túc, đúng trọng tâm vấn đề.

Cũng có thể các đại biểu đã có ý kiến từ trước khi đại hội diễn ra, tuy nhiên vẫn dành thời gian đưa ra đại hội để đại biểu khác có cơ hội thảo luận, góp ý thêm. Như thế, việc thảo luận mới đi vào thực chất.

VĂN VĨNH