CSVN – Đây là ý kiến của Tiến sĩ Trần Lâm Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh chia sẻ với Tạp chí Cao su VN về những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm và giải pháp thực hiện chứng chỉ phát triển rừng bền vững.
– Thưa ông, trong quá trình tư vấn là hỗ trợ hai Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng và Bình Long xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng và chuỗi hành trình sản phẩm theo VFCS, ông đánh giá thế nào về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện?
Tiến sĩ Trần Lâm Đồng: Trong năm 2019, Viện đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững (QLRBV); tập huấn và hướng dẫn cho hai công ty xây dựng được hệ thống quản lý rừng cao su bền vững đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn QLRBV quốc gia (VFCS ST 1003:2019); đào tạo, nâng cao năng lực thực hiện QLRBV và chứng chỉ rừng cho nhân sự là người quản lý và NLĐ của hai công ty; hỗ trợ cho hai công ty chuẩn bị hồ sơ, hiện trường, đánh giá nội bộ và đã được tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ cho tổng diện tích là 7.412 ha vào ngày 30/12/2019.
Viện đã phối hợp với Công ty tư vấn Lương xây dựng hệ thống quản lý chuỗi hành trình sản phẩm; Tập huấn, đào tạo và vận hành thử nghiệm hệ thống quản lý chuỗi hành trình sản phẩm cho 4 xí nghiệp chế biến mủ thuộc 2 công ty; Xây dựng vùng nguyên liệu kiểm soát nguồn gốc cho toàn bộ diện tích còn lại chưa được cấp chứng chỉ của 2 công ty với tổng diện tích khoảng 25.500 ha.
Do thời điểm dự kiến đánh giá cấp chứng chỉ PEFC/VFCS/CoC vào tháng 12/2019 là đầu mùa khô, các công ty ngừng khai thác mủ, các xí nghiệp chế biến mủ không hoạt động nên không thể đánh giá được. Hiện tại các xí nghiệp đã vận hành trở lại, nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên chưa thực hiện tổ chức đánh giá được.
Như vậy có thể thấy, mặc dù với thời gian thực hiện ngắn, nhưng các kết quả đã đạt được theo đúng tiến độ. Chứng chỉ CoC chưa được cấp vì lý do khách quan, nhưng toàn bộ hệ thống đã được xây dựng và đang được vận hành tốt.
Để đạt được các kết quả trên, có thể nhận thấy những thuận lợi sau: Nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục Lâm nghiệp và VRG, Ban lãnh đạo các công ty nhận thức tốt và rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện QLRBV và cấp chứng chỉ rừng. Hai công ty đã có một hệ thống quản lý tốt, đặc biệt là đã có hệ thống quản lý và môi trường được công nhận theo tiêu chuẩn ISO.
Các nhân viên kỹ thuật có kinh nghiệm và năng lực tốt do đã làm quen với hệ thống quản lý ISO. Các tài liệu được xây dựng và thực hiện tốt trên hiện trường. Các điều kiện để quản lý rừng cao su thuận lợi nên công tác quản lý rừng theo các tiêu chuẩn QLRBV được áp dụng dễ dàng hơn.
Các công ty có hệ thống hạ tầng kỹ thuật tốt, đang được quản lý và duy trì tốt. Các công ty có mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và các bên liên quan nên các vấn đề xã hội liên quan tới quản lý rừng được giải quyết tốt. Lực lượng lao động được đào tạo tốt, làm việc hiệu quả.
Bên cạnh đó vẫn có những mặt hạn chế. Về quản lý: Mặc dù các công ty đã có một hệ thống quản lý tốt, nhưng còn thiếu nhiều quy trình về quản lý và kỹ thuật phù hợp với yêu cầu QLRBV, hoặc nhiều nội dung trong các quy trình đã có nhưng chưa phù hợp, cần phải điều chỉnh và bổ sung theo yêu cầu QLRBV. Các quy trình kỹ thuật được ban hành bởi Tập đoàn để các công ty áp dụng.
Do đó, một số nội dung kỹ thuật có thể phải được điều chỉnh theo yêu cầu về QLRBV cần phải được sự chấp thuận của Tập đoàn. Một số nội dung giám sát và đánh giá các hoạt động quản lý rừng chưa được thực hiện tốt, nhất là quản lý NLĐ theo thời vụ, chủ yếu của nhà thầu, chưa phù hợp theo quy định…
Có công ty còn chưa có hệ thống bản đồ kỹ thuật số trong quản lý rừng, nên việc quản lý các dữ liệu về rừng và lập kế hoạch mang tính thủ công. Chưa chú trọng đến đào tạo nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật liên quan đến quản lý rừng. Phần lớn công tác quản lý rừng được thực hiện bởi phòng nông nghiệp, chủ yếu là kỹ sư nông nghiệp, nên những hiểu biết về quản lý rừng còn hạn chế. Việc tham vấn với các bên liên quan trong việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động quản lý rừng còn hạn chế, dễ dẫn đến tiềm ẩn các mâu thuẫn, nhất là với cộng đồng dân cư.
Về kỹ thuật: Mặc dù các công ty đang áp dụng các quy trình kỹ thuật đem lại năng suất mủ cao su cao và ổn định. Tuy nhiên, đối chiếu với các yêu cầu về QLRBV, hiện tại một số hoạt động quản lý rừng còn nhiều điểm chưa phù hợp. Chưa chú trọng tới tác động môi trường trong quản lý rừng, như gây xói mòn đất, ô nhiễm nguồn nước trong quá trình tái canh, sử dụng nhiều hóa chất và phân bón hóa học trong chăm sóc rừng cao su. Mặc dù các công ty đã áp dụng các giải pháp như làm đê chống xói mòn, trồng cây che phủ đất nhưng chưa giải quyết triệt để.
Quản lý môi trường tại các điểm tiếp nhận mủ (văn phòng tổ) chưa phù hợp. Một số điểm tiếp nhận mủ chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, từ đó có khả năng gây ô nhiễm đất khu vực nước thải ra. Chưa chú trọng tới quản lý lập địa, duy trì độ phì của đất, như cày xới, nhổ gốc và rà rễ cây gây xói mòn đất mặt; đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác gây mất chất hữu cơ và ảnh hưởng tới sinh thái đất; chưa thực hiện khai thác gỗ tác động thấp. Chưa thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng hóa chất và phân bón hóa học đảm bảo an toàn đối với môi trường và con người.
Đặc biệt, đối với diện tích trồng xen cây nông nghiệp trong các lô cao su khi tái canh. Việc cho phép cộng đồng được trồng xen trong các lô rừng cao su là một điểm tích cực, được đánh giá tốt về mặt xã hội. Tuy nhiên, người trồng xen vẫn chưa hoàn toàn tuân thủ các quy định về sử dụng hóa chất, an toàn lao động và tác động tiêu cực tới môi trường. Chưa chú trọng tới quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng hành lang bảo vệ nguồn nước.
– Với những mặt hạn chế cần khắc phục, xin ông chia sẻ những giải pháp để trong thời gian tới nhằm thúc đẩy thực hiện QLRBV và chứng chỉ rừng cao su?
Tiến sĩ Trần Lâm Đồng: Theo tôi, đối với Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam cần bổ sung các tiêu chí QLRBV đối với rừng cung cấp các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như cao su để các công ty cũng như tổ chức đánh giá thực hiện. Thúc đẩy thị trường các sản phẩm được cấp chứng chỉ PEFC/VFCS và thúc đẩy cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC/ VFCS để tạo động lực cho các công ty cao su thực hiện QLRBV và cấp chứng chỉ rừng.
VRG cần rà soát và điều chỉnh các quy trình quản lý và kỹ thuật phù hợp với các tiêu chuẩn QLRBV. Các quy trình kỹ thuật về trồng, chăm sóc rừng cao su cần được điều chỉnh một số khâu kỹ thuật để giảm thiểu các tác động tới môi trường và xã hội. Ví dụ, các hoạt động cày xới, nhổ gốc rà rễ gây xói mòn đất; đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác, sử dụng hóa chất gây ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và giá trị sinh thái của rừng và đất rừng.
Đối với VRG, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức về QLRBV và chứng chỉ rừng cho các đơn vị trực thuộc. Thay đổi một số khái niệm, quan niệm chưa phù hợp đang áp dụng cũng có thể tạo ra những thay đổi nhận thức về QLRBV, phải thay đổi khái niệm “vườn” cao su thành “rừng” cao su, coi “vườn” cao su là một hệ sinh thái rừng; thay đổi tập quán canh tác cây cao su như thâm canh trong nông nghiệp thành áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh đối với rừng cao su sẽ giúp rừng cao su được quản lý bền vững hơn; thay đổi khái niệm thanh lý, cưa cắt cây cao su thành khai thác tác động thấp rừng cao su sẽ giảm thiểu các tác động tới môi trường và xã hội, đem lại hiệu quả cao hơn…
Các quy trình quản lý, nhất là quản lý các nhà thầu khai thác cao su, cần phải tuân thủ các quy định về kỹ thuật khai thác tác động thấp và quy định về hợp đồng lao động khi thực hiện trên hiện trường của các công ty đã được cấp chứng chỉ rừng. Các quy trình về vệ sinh, an toàn lao động, sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật…. cần phải tuân thủ theo các yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn (đối với điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết) và quy định của pháp luật Việt Nam.
VRG phải chuẩn bị chu đáo cho việc mở rộng thực hiện QLRBV và cấp chứng chỉ rừng. Cho phép các công ty áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới phù hợp với yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn QLRBV. Yêu cầu các công ty khai thác gỗ có đủ điều kiện thực hiện khai thác gỗ tác động thấp theo yêu cầu của tiêu chuẩn QLRBV. Thúc đẩy các công ty chế biến gỗ trực thuộc Tập đoàn có chứng chỉ CoC của PEFC/VFCS và tiêu thụ gỗ có chứng chỉ PEFC/VFCS, góp phần nâng cao giá trị của chuỗi sản xuất gỗ. Triển khai các hoạt động nghiên cứu về các vấn đề kỹ thuật mang tính đặc thù liên quan tới thực hiện quản lý bền vững rừng cao su.
Đối với các công ty cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức về QLRBV và chứng chỉ rừng cho cán bộ liên quan. Tham quan, học tập kinh nghiệm từ các đơn vị đã có chứng chỉ QLRBV. Triển khai xây dựng phương án QLRBV theo quy định. Việc xây dựng và thực hiện phương án QLRBV sẽ giúp các công ty làm quen với công tác QLRBV, nâng cao năng lực và nhận thức của người lao động.
Có phương án QLRBV được phê duyệt cũng là một yêu cầu bắt buộc nếu muốn được cấp chứng chỉ rừng. Áp dụng công nghệ trong QLRBV, ví dụ bản đồ kỹ thuật số là một công cụ quan trọng hỗ trợ cho việc thực hiện QLRBV. Tuy nhiên, một số công ty chưa có hệ thống bản đồ kỹ thuật số để quản lý diện tích rừng và dữ liệu của các lô rừng cao su. Một số công ty đã xây dựng bản đồ kỹ thuật số nhưng chưa theo các quy định về bản đồ trong quản lý rừng.
– Trân trọng cảm ơn ông!
TRẦN HUỲNH (thực hiện)
Related posts:
- Tăng cường truyền thông về hoạt động của VRG
- Cao su Kon Tum: Công bố quyết định giao khoán cho các nông trường
- Ông Trương Văn Hội được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang
- “Chất lượng đội ngũ thợ giỏi ngày càng cao”
- KCN Nam Tân Uyên trao 360 phần quà cho công nhân xa quê
- Cao su Phước Hòa điều động và bổ nhiệm cán bộ
- Gần 100% người lao động Công ty CP KCN Nam Tân Uyên được tiêm vaccine ngừa Covid – 19
- Chính phủ thúc đẩy đầu tư công hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong dịch bệnh
- Phát huy truyền thống 40 năm Cao su Bình Long
- Cao su Hòa Bình thưởng công nhân hơn 1 tỷ đồng