CSVN – Thường xuyên luân chuyển đơn vị công tác theo chủ trương của TCT Cao su Đồng Nai, tuy nhiên dù ở đâu thì anh Phan Quang Bá – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nông trường Cẩm Đường, đều hoàn thành tốt vai trò của người đứng đầu đơn vị.
Những nơi anh công tác đều có những bước khởi sắc ngoạn mục được lãnh đạo TCT ghi nhận và biểu dương.
Người đứng đầu cần “nói đi đôi với làm”
Chúng tôi biết đến anh năm 2017 khi anh đang làm Giám đốc Nông trường An Viễng. Trước khi anh về nhận nhiệm vụ, Nông trường An Viễng gặp nhiều khó khăn, thế nhưng trong giai đoạn 2017 – 6/2019, trên cương vị lãnh đạo, anh đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức, bằng nhiều biện pháp phối hợp với địa phương để không còn tình trạng tiêu cực trộm cắp mủ xảy ra.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Nông trường An Viễng đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục khi từ vị trí “cuối sổ” trong các nông trường vươn lên dẫn đầu về tái canh và về trước kế hoạch sản lượng sớm nhất TCT trong mấy năm liền.
Tháng 7/2019, anh được điều về làm Giám đốc Nông trường Cẩm Đường, lúc này có nhiều đơn vị thiếu lao động, và Cẩm Đường có những lúc thiếu gần 50% số lượng lao động khai thác.
Ấy thế nhưng, đầu mùa cạo năm nay, nông trường đã thu tuyển đủ lao động khai thác. Không những vậy, thu nhập của NLĐ còn cao hơn những năm trước. Quả thật, tiếng tăm trong TCT mọi người hay nhắc đến anh là “mát tay” nên đùa rằng “đơn vị nào khó cứ đưa anh Bá về”.
Hỏi anh về việc làm thế nào chỉ trong một thời gian ngắn mà anh có thể ổn định để đơn vị phát triển, anh ngắn gọn: “Mọi người sẽ nhìn vào hành động và kết quả của người đứng đầu để quyết định có tin tưởng và gắn bó với đơn vị hay không.
Chính vì vậy, theo tôi yếu tố quan trọng nhất của người quản lý chính là công tác nêu gương, nói đi đôi với làm. Từ kết quả tốt, nông trường thay đổi, phát triển từng ngày thì NLĐ sẽ nhìn thấy rõ rệt, điều này không phải lời nói làm được mà phải bằng hành động cụ thể”.
Giải được bài toán thu nhập sẽ giữ chân được NLĐ
Nông trường Cẩm Đường hiện nay là đơn vị được giao sản lượng kế hoạch nhiều nhất vì toàn bộ diện tích vườn cây đều trong giai đoạn khai thác.
Luân chuyển công tác qua nhiều nơi khác nhau, anh nhận ra rằng việc đầu tiên để giữ chân được NLĐ là phải giải được bài toán thu nhập, vì vậy tất cả mọi giải pháp đưa ra đều hướng đến mục tiêu chung là nâng cao năng suất và thu nhập cho NLĐ.
Với cương vị điều hành, quản lý, anh khuyến khích NLĐ vận dụng, áp dụng các sáng kiến kỹ thuật đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình sản xuất luôn quan tâm đến việc kết hợp chặt chẽ giữa hai khâu tiền lương và định mức lao động, với đơn giá hợp lý cho từng nhóm cây.
Linh hoạt thay đổi mô hình sản xuất phù hợp với tình hình thực tế tại từng thời điểm của đơn vị nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất kinh doanh. Điều này đã tạo cho NLĐ tích cực, tự giác trong công việc, tạo không khí thi đua sôi nổi góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Anh đã cùng ban lãnh đạo nông trường đề ra nhiều biện pháp thích hợp trong quản lý vườn cây, sản phẩm, lao động, vật tư có hiệu quả. Hiện nay, năng suất lao động bình quân đạt hơn 12 tấn/NLĐ. Thu nhập bình quân hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng.
Với cách điều hành quản lý tích cực, công tâm trong thưởng phạt và tạo không khí làm việc hòa đồng thân thiện, anh được NLĐ trong toàn đơn vị biết đến và kính trọng.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Nguyễn Thị Hồng Đào hoàn thành kế hoạch sớm nhất NT Đồng Nơ
- Giải nhất Bàn tay vàng Cao su Quảng Trị: "Sẽ nỗ lực đạt giải tại hội thi cấp ngành"
- Anh hùng Lao động Lê Văn Khoa: Bản lĩnh trên mọi mặt trận
- Lịch sử 85 năm nhìn lại
- Kế thừa tình yêu cao su qua 4 thế hệ
- 20 năm sống cùng đồng bào
- "Tuổi trẻ đừng sợ vất vả"
- Cuộc hội ngộ 40 năm
- Chặng đường 91 năm báo chí cách mạng ngành cao su Việt Nam
- An cư lạc nghiệp trên vùng biên giới