“Cởi trói”… để viết!

CSVN – Khi đọc một tác phẩm hay nào đó, tôi thường đọc đi đọc lại vài lần để cảm nhận cho bằng hết thông điệp của tác giả muốn nói và gửi gắm điều gì đến với người nhận.

Ảnh: Nguyễn Ngọc Hải

Chẳng hạn như tác phẩm “Những mùa lộc khát” – (Tác giả: Nguyễn Đình Hạnh) (*) đã mê hoặc tôi đến từng câu từng chữ vì phong cách diễn đạt mới.

Chắc hẳn tác giả là người từng trải với công việc thợ cạo, cho nên đã lột tả hết từng chi tiết, và không bỏ sót, cho dù đó là chi tiết nhỏ nhất mà đôi khi người thợ chỉ âm thầm chịu đựng sống chung với nó.

Với những chi tiết như ánh đèn pin ma mị mờ ảo trong làn sương đặc quánh, đến giọt mồ hôi thấm thừa phát ra tiếng lọc sọc ọp oạp theo động tác di chuyển của người thợ, ngay cả loài chim cất lên tiếng hót cũng được liên tưởng nhại ra thành cụm từ: “Không làm không được”, rồi nào là giá mủ chạm đáy chi phí đầu tư phân bón cho cây bị cắt giảm – được ví von rằng “không cho chúng ăn lấy đâu sức chúng cho mủ”, và là anh cán bộ Công đoàn thì luôn trấn an động viên người thợ bởi để đeo bám vườn cây… và còn rất rất nhiều những chi tiết gần gũi, với mạch văn miêu tả tỉ mỉ gieo vào lòng người đọc thứ dư vị ngọt ngào…

Chọn cách viết cho tác phẩm dự thi, mà viết theo hướng ngược, tìm kiếm khai thác những cái khó khăn, vất vả, sự chịu đựng thầm lặng… của người thợ quả là không phải dễ viết. Bởi lẽ, đôi khi lại không dám viết. Nhưng tác phẩm “Những mùa lộc khát” đã cởi trói – phá bỏ lối viết cũ thiên về sự ca ngợi khuôn khổ, gò bó.

Người đọc cũng rất dễ nhận thấy sự tinh tế, khéo léo của tác giả nhằm gây sự chú ý của bạn đọc ngay cách mở đầu tác phẩm. Đó là ca ngợi sự chịu thương chịu khó và sự hi sinh thầm lặng của người thợ trong công việc.

Thật dễ thương lắm khi họ lại gán cho nhau những cái tên hài hước: “Khương Ruốc, Lợi Lý Cùn, Nghĩa Trù, Luyến Còi, Hạnh Đèn…” để rồi qua mỗi ngày họ lại gọi tên nhau và cùng cười vui, truyền cảm hứng công việc ngay trong những ngày gian khó.

Thật đúng vậy: “Cây cao su vẫn xanh màu lá, con người vẫn tác động vào nó để kiếm tiền…”. Sâu sắc hơn nữa là đoạn kết: “Tôi tin vào một ngày tươi sáng. Những chồi lộc tuy non tơ, nhưng phía trong màu xanh ấy, chúng như còn thiếu một thứ gì…

Và vẫn còn khao khát lắm, để dâng trọn vẹn cho đời dòng nhựa trắng tinh khôi”. Chi tiết “đắt giá” được đặt vào cuối tác phẩm làm sáng lên bức tranh vốn dĩ là gam màu của “ánh đèn pin ma mị mờ ảo trong làn sương đặc quánh” mở đầu câu chuyện.

Bằng cảm nhận sâu sắc, tinh tế và cách viết mới mà tác phẩm “Những mùa lộc khát” đã chiếm trọn cảm tình từ Ban giám khảo cho đến độc giả – bởi tính nhân văn cao, văn phong hoàn hảo, khai sáng… đã truyền được thông điệp tốt đẹp đến với mọi người. (*) Tác phẩm đạt giải nhất cuộc thi “Tự hào 90 năm Truyền thống ngành cao su Việt Nam” (28/10/1929 – 28/10/2019) do Tạp chí CSVN tổ chức.

DÂN BÌNH (Bà Rịa – Vũng Tàu)