Cao su – dòng chảy hào hùng

LTS: Minh Anh là cây bút quen thuộc của Tạp chí Cao su VN, tên thật của anh là Võ Sỹ Lực – nguyên Chủ tịch HĐTV VRG. Các tác phẩm thơ trữ tình, thơ trào phúng hay ghi chép… ở thể loại nào do anh sáng tác cũng đều chân thực, mang tính thông tin cao. Đáng quý ở con người anh là “chất cao su” như thấm vào da thịt và chảy trong huyết quản. Với anh “dòng nhựa trắng” và hình ảnh NLĐ “một nắng hai sương” là nguồn cảm hứng, hễ có dịp cảm xúc lại thăng hoa.

Ảnh: Vũ Phong

Truyền thống tốt đẹp đáng tự hào trong suốt quá trình lịch sử xây dựng và phát triển của “Cao su – Dòng chảy cuộc sống” được anh phản ánh chân thực, sinh động, hào sảng qua “Cao su – Dòng chảy hào hùng”. Tác phẩm gồm 4 phần: Phần I – Khổ đau; Phần 2 – Đấu tranh; Phần 3 – Hình thành, mở rộng; Phần 4 – Phát triển.

Tạp chí Cao su VN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Phần I. Khổ đau

Bra-zil châu Mỹ xa xôi

Có cây nước mắt sinh sôi thành rừng

Thổ dân cứ tưởng bình thường

Về sau cây đã ly hương toàn cầu.

Ja-va cây đến lần đầu

Về sau trồng thử Suối Dầu – Nha Trang

Là năm chín bảy rõ ràng (1897)

Yéc – Xanh trồng hạt mấy hàng để ươm

Thấy cây xanh tốt bình thường

Các chủ tư bản tăng cường đầu tư.

Du – me ỷ thế toàn quyền

Ra ngay chính sách đồn điền ưu tiên

Trước là chế độ thổ điền

Sau là huy động đồng tiền phờ – răng

Ba mươi vạn mẫu “đất hoang”

Tám đồn điền lập ở toàn miền Đông

Đồn điền Đất đỏ Bình Long

Đồng Nai sau đó trồng xong mấy ngàn

Lộc Ninh cũng mở ra liền

Viễn Đông ông chủ gắn liền Cet –xo

Hàng Gòn họ cũng tràn vô

Ông chủ từ Pháp tên Đờ – la – be

Đất xám chúng cũng không tha

Cả vùng rộng lớn chạy qua Phước Hòa

Dầu Tiếng họ cũng được đà

Khai hoang trồng mới thật là rất nhanh

Chủ là ông Mit-sơ-lanh

Vốn nhiều thương hiệu nổi danh thương trường.

Ban đầu lao động thông thường

Khai hoang chăm sóc, địa phương đồng bào

Stiêng lao động là bao

Họ lùa được cả đồng bào Khơ-me

Lâu dài khai thác cho nên

Mộ phu bắt buộc chúng bèn làm nhanh

Bắc kỳ mấy tỉnh đồng bằng

Trung kỳ họ chọn quê toàn Thừa Thiên

Vào đây nước độc rừng thiêng

Cuộc đời thống khổ nỗi niềm công tra

Tiếng than đất gần trời xa

Lầm than cực khổ chẳng ra nụ cười:

“Cây cao su quý hơn người

Mỗi khi cây bệnh cây thời nghỉ ngay

Lang ta cho chí lang Tây

Đêm đêm lo lắng ngày ngày trông nom

Còn ta đau yếu gầy còm

Đau không được nghỉ chết hòm cũng không

Cao su xanh tốt lạ lùng

Mỗi cây bón một xác người công nhân

Hàng vạn phu chết vì Tây

Sao đây chỉ thấy rừng cây mịt mù

Bán thân đổi mấy đồng xu

Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng

Bao giờ phu được ngẩng đầu

Tận cùng địa ngục quê đâu quay về

Cao su đi dễ khó về

Khi đi trai tráng khi về bủng beo

Đi phu mà vợ đi theo

Thì người phu ấy càng nghèo thảm thê

Công tra đi dễ khó về

Khi đi mất vợ, khi về mất con

Làm thì chẳng kém đàn ông

Thế mà kém gạo, kém công, kém tiền

Một ngày hai sáu xu tiền

Đi sương về tối mà thêm hận thù

Lỡ lầm vào đất cao su

Chẳng tù thì cũng như tù chung thân”…

Sáng nghe tiếng kẻng điểm dân

Tối về còn sống thương thân phận mình

Đòn roi thương tích đầy mình

Trừ lương – cúp phạt rập rình cai, xu

Cuộc đời tăm tối mịt mù

Như thân trâu ngựa dân phu tủi hờn

Tìm đâu cuộc sống khá hơn

Tự do – độc lập – áo cơm cho mình.

(Xem tiếp kỳ sau – Phần II: Đấu tranh)