Mùa cạo mới trên địa bàn Tây Nguyên: Thời tiết chưa thuận lợi

CSVN – Vào vụ khai thác mủ mới, trên địa bàn Tây Nguyên,  điều  kiện thời tiết tại  các  công  ty không giống nhau. Trong khi một số đơn vị phía Bắc Tây Nguyên đã thu được mủ nước thì tại các đơn vị phía Nam cây đang bị rụng lá do khô hạn.
Thu trút mủ tại Cao su Chư Păh
Thu trút mủ tại Cao su Chư Păh
Phía Nam “hóng” mưa

Tính đến giữa tháng 5,  trên địa bàn Tây Nguyên mưa đã bắt đầu ở một vài nơi. Tuy nhiên, vùng cao su thì lại chưa mưa. Chị Trần Thị Thanh Mai – Phó TGĐ Cao su Ea H’leo cho hay: “Từ Tết đến nay, vườn cây cao su của công ty chưa có hạt mưa nào, cây đang rụng lá vì thiếu nước. Công việc chuẩn bị cho vụ khai thác mới đã hoàn thiện, chỉ cần mưa đủ ẩm là có thể tiến hành khai thác”.

Trong khi đó, ông Võ Toàn Thắng – TGĐ Cao   su Chư Prông cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn Chư Prông nắng nóng vẫn còn rất gay gắt, đặc biệt là vùng biên giới Ia Mơr, nơi có cao su của Nông trường An Biên nắng nóng trên 40 độ, chúng tôi đã có báo cáo với lãnh đạo Tập đoàn. Một số diện tích hiện đã cạo xả, nhưng phải ngưng vì nắng nóng và khô hạn quá, một số diện tích cà phê của công ty gần như chết cháy vì thiếu nước”.

Vào thời điểm này của năm trước, hầu hết các đơn vị đều đã lấy được mủ nước, còn thời điểm hiện nay thì vẫn đang chờ mưa. Ông Bùi Duy Đốc – Phó TGĐ Cao su Chư Sê cho biết: “Công ty đã tiến hành cạo xả, khoảng 3 ngày thì mới đi gom mủ đông tạp một lần, nhiều vườn cây đang rất thiếu nước, nhất là những diện tích của Nông trường Ia Tiêm khô hạn vẫn rất gay gắt”.

Không chỉ diện tích của các công ty phía Nam Tây Nguyên bị khô hạn, thiếu nước, ở một số công ty như Kon Tum, Chư Păh hay Mang Yang đã thu mủ nước do đã có mưa cục bộ nhưng cũng có các nông trường phía Nam của các công ty này vẫn chưa thể lấy mủ nước. Mưa chỉ xảy ra cục bộ ở một số vùng, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến công tác tái canh của các công ty.

Khó nhưng sẽ phấn đấu đạt và vượt kế hoạch

Theo nhận định, năm 2020, các đơn vị Tây Nguyên sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi thời điểm này năm trước các đơn vị đều lấy được mủ nước và tỷ lệ khai thác được đều trên 10% kế hoạch. Nhưng đến thời điểm này vẫn có một số đơn vị sản lượng đạt chưa bằng năm trước.

Một số đơn vị đã có mưa, thu được mủ nước như Cao su Kon Tum hết ngày 18/5 khai thác được 1.456 tấn, đạt 11,84% KH, cao hơn 1% so với cùng kỳ, Cao su Chư Păh đạt khoảng 15% KH, tăng so với cùng kỳ năm trước; Cao su Mang Yang đến ngày 18/5 đã khai thác được 295 tấn/3.600 đạt 8,19%, tăng 6,36% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy sản lượng của một số đơn vị tăng, nhưng vẫn còn nhiều lo ngại bởi hiện nay mưa vẫn chưa diễn  ra trên diện rộng. Trong khi đó, khắc nghiệt nhất vẫn còn ở phía trước khi mùa mưa Tây Nguyên chưa đến, đó là thời điểm vườn cây có thể bị bệnh rụng lá mùa mưa. Mưa giông, lốc xoáy, bão… làm ảnh hưởng đến công tác khai thác, thu hoạch mủ. Dù vậy, lãnh đạo các công ty cho rằng mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác mủ và các chỉ tiêu khác nhưng sẽ nỗ lực hết mình, áp dụng các tiến bộ của khoa học vào khai thác, quản lý và điều hành. Đồng thời, với tinh thần chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết xấu như trang bị máng, mái che mưa tốt, nguồn lực lao động ổn định và chất lượng… thì sẽ đạt được những mục tiêu đề ra.

VĂN VĨNH