CSVNO – Đó là đề nghị của đồng chí Trần Ngọc Thuận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên, tỉnh Lai Châu nhằm đánh giá công tác phối hợp thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn.
Dự án phát triển cao su mang lại hiệu quả tích cực cho tỉnh Điện Biên
Tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên ngày 2/6, lãnh đạo VRG và tỉnh Điện Biên đánh giá những kết quả đã đạt được sau 12 năm thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án.
Về phía VRG đề nghị tỉnh Điện Biên tạo điều kiện sớm hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho người dân góp đất làm cơ sở để phân chia lợi nhuận sản phẩm khi đưa diện tích vào khai thác mủ. Đồng thời đề nghị tỉnh thông báo cho các công ty thực hiện dự án những diện tích dự kiến thu hồi đất trồng cao su để thực hiện các dự án của tỉnh và thủ tục thu hồi đất, giá đền bù để các công ty điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp; xem xét đưa diện tích trồng cây cao su được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động vùng dự án…
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng đề nghị VRG nghiên cứu, thống nhất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của phương án phân chia sản phẩm đã ký kết để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo quyền lợi của người dân góp quyền sử dụng đất hợp tác trồng cao su. Đề nghị VRG chỉ đạo các công ty trên địa bàn tỉnh tiết giảm các chi phí trung gian để xác định mức tối đa tổng chi phí khấu trừ khi tính giá thị trường không vượt quá 10% so với giá sàn mủ cao su nhằm tăng giá trị sản phẩm (người dân được hưởng) khi phân chia lợi nhuận cho người dân góp đất…
Đối với các nội dung đề xuất, kiến nghị, 2 bên cơ bản thống nhất về chủ trương thực hiện. Còn các nội dung cụ thể, 2 bên sẽ có buổi làm việc để bàn bạc, thống nhất.
Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên trồng hơn 5.025 ha cây cao su, trong đó gần 4.915 ha cao su đại điền (chiếm hơn 97,8%) và trên 109 ha cao su tiểu điền. Từ năm 2017, một số diện tích trồng đã bắt đầu đưa vào khai thác mủ, đến năm 2020 diện tích cao su cho khai thác mủ trên 2.667 ha (chiếm 54,2% diện tích trồng). Sản lượng mủ thu hoạch từ năm 2017 đến tháng 5/2020 đạt hơn 4.006 tấn mủ … Dự án đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng dự án; góp phần nâng cao trình độ dân trí, thay đổi tập quán, phương thức canh tác, phát triển một số cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao độ che phủ rừng.
Tiếp tục phối hợp toàn diện, sâu sắc hơn
Trước đó, ngày 1/6, Đoàn công tác VRG do đồng chí Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội đồng Quản trị VRG làm Trưởng đoàn thăm và làm việc tại tỉnh Lai Châu.
Với khoảng gần 13.000 ha cây cao su, tỉnh mong muốn thời gian tới VRG đầu tư thêm nhà máy chế biến cao su, đưa công nghệ chế biến sâu, gia tăng giá trị; tăng cường xúc tiến đầu tư với Trung Quốc (thông qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng), góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
VRG hiện có 3 đơn vị thành viên trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Cao su Lai Châu, Cao su Lai Châu II và Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu, với tổng diện tích đất quản lý trên 16.000ha, trong đó tổng diện tích đất cao su hiện có trên 12.500ha. Tổng vốn đầu tư của VRG đầu tư trên địa bàn tính đến ngày 31/12/2019 trên 1.990 tỷ đồng.
Tình hình sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm của các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến mủ cao su không tiêu thụ được, tồn kho lớn. Giai đoạn 2020 – 2025 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn về giá bán; về địa bàn, giao thông, thời tiết, khí hậu.
Trong buổi làm việc, VRG đã đề nghị tỉnh Lai Châu tạo điều kiện để một số hộ dân hoàn thiện thủ tục về đất đai. Thống nhất đơn giá đền bù sao cho phù hợp giữa tỉnh với VRG. Người dân góp đất trồng cây cao su ở một số xã của huyện Sìn Hồ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên Cao su Lai Châu chưa có cơ sở chi trả 10% giá trị góp đất. Bên cạnh đó, Tỉnh cần phải đẩy nhanh tiến độ chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích cây cao su đã trồng, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động là công nhân các công ty cao su.
Đối với một số dự án thủy điện được phê duyệt làm ảnh hưởng đến vườn cây cao su, VRG đề nghị Tỉnh cần có sự trao đổi, phối hợp để lựa chọn những vị trí phù hợp.
Với những kiến nghị của VRG, ông Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Các kiến nghị của VRG sẽ giao cơ quan chuyên môn rà soát, tổng hợp và từng bước tham mưu cho tỉnh giải pháp tháo gỡ. Trong tháng 8 tới, VRG và tỉnh Lai Châu sẽ tiến hành sơ kết đánh giá công tác phối hợp toàn diện, từ đó nghiên cứu để có hướng đi mới và tiếp tục phối hợp toàn diện, sâu sắc hơn”.
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG khẳng định: “Lai Châu là thủ phủ cao su của miền Bắc. Thời điểm hiện tại, dù giá mủ cao su chưa cao song về tương lai sẽ có nhiều triển vọng. Tiềm năng về cây cao su trên đất Lai Châu tốt nhất hiện nay. Về tiến độ đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến sản xuất Cao su Lai Châu giai đoạn I dự kiến châm 1 – 2 tháng so với kế hoạch đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan. VRG đã khảo sát đầu tư theo lộ trình và sẽ đầu tư theo kế hoạch. VRG sẽ tiếp tục nghiên cứu tiềm năng, thế mạnh để đầu tư vào tỉnh Lai Châu, không chỉ dừng lại ở cây cao su”.
GIA KIỆT-PHƯƠNG LY
Related posts:
- Đã hoàn tất 4 môn thi đấu Hội thao khu vực I
- Niềm đam mê thể thao của đôi vợ chồng trẻ
- Tạp chí CSVN luôn là người bạn thân thiết đồng hành
- Tặng em gái Cao su Lai Châu
- Rơ Lan H’Phil vượt khó làm giàu
- Màu xanh hy vọng
- Chú trọng hơn nữa công tác cán bộ nữ
- Phượng nhớ
- Ngành cao su tuổi 87
- Cao su Đồng Nai: Phát triển gắn liền với mục tiêu "Doanh nghiệp - xã hội - môi trường"