Đẩy nhanh kế hoạch hoàn thành chứng chỉ phát triển rừng bền vững trên diện rộng

CSVN – Sự kiện 11.423 ha cao su đầu tiên của 3 công ty thuộc VRG là Phú Riềng, Dầu Tiếng, Bình Long, được trao chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã khẳng định vai trò tiên phong của Tập đoàn trong việc thúc đẩy thực hành và chứng nhận quản lý rừng bền vững của ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Ông Cao Chí Công – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (ngoài cùng bên phải) và ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG (thứ 3 từ trái qua) trao chứng Chỉ rừng Việt Nam cho 3 công ty Phú Riềng, Dầu Tiếng, Bình Long
Ông Cao Chí Công – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (ngoài cùng bên phải) và ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG (thứ 3 từ trái qua) trao chứng Chỉ rừng Việt Nam cho 3 công ty Phú Riềng, Dầu Tiếng, Bình Long

Những năm gần đây, Chính phủ và ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh việc quản trị quốc gia về bảo vệ và quản lý rừng bền vững, tập trung nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng trồng. Đến nay, cả nước có 14,6 triệu ha rừng; trong đó, có 4,3 triệu ha rừng trồng, độ che phủ đạt 42%, thuộc nhóm các nước có độ che phủ cao nhất Châu Á.

Sản lượng gỗ khai thác, chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu không ngừng tăng lên, đạt 14,8 tỷ USD năm 2019. Với gần 1 triệu ha cao su trên cả nước, hàng năm, nguyên liệu từ gỗ cao su thanh lý đạt từ 3 – 3,5 triệu m3, giá trị chế biến sản phẩm từ gỗ cao su xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và phát triển thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp, nguyên liệu sạch có truy xuất nguồn gốc cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Việc áp dụng tiêu chuẩn và cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững đối với cây cao su đóng vai trò tiên phong, kiểu mẫu cho việc thực hiện mục tiêu của ngành lâm nghiệp. Theo kế hoạch của Bộ NN & PTNT, đến năm 2025 cả nước có 1 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và đến năm 2030 có ít nhất 80% rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Kết quả nổi bật sau một năm thực hiện quy chế phối hợp giữa VRG và Tổng cục Lâm nghiệp, đã thúc đẩy tiến độ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện chứng chỉ rừng theo bộ tiêu chuẩn Việt Nam. Đây cũng là sự khẳng định tính chủ động trong việc thực thi quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, đặc biệt khi hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam đã được công nhận trên toàn thế giới.

Phát triển bền vững là một trong những chủ trương quan trọng của VRG nhằm thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế – Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và bền vững của ngành cao su Việt Nam nói riêng, đóng góp tích cực vào việc quản lý, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp nói chung.

Trong thời gian qua, VRG đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả việc thực hiện chứng chỉ phát triển rừng bền vững. Tập đoàn tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế đẩy nhanh kế hoạch hoàn thành cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững trên diện rộng. Với 300.000 ha rừng cao su trong nước, VRG sẽ đi nhanh trong việc thực hiện chứng chỉ phát triển rừng bền vững.

Bởi lẽ, Tập đoàn có hệ thống, bài bản, khoa học, đội ngũ quản trị tốt, có năng lực và chuyên môn về phát triển rừng bền vững. 3 công ty cao su trực thuộc VRG được cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững là tiền đề quan trọng, mô hình kiểu mẫu để VRG đẩy nhanh tiến độ đến năm 2025, 300.000 ha cao su hoàn thành cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững.

TRẦN HUỲNH