CSVN – Từ nhiều năm qua, Ban lãnh đạo công ty và Công đoàn Cao su Phú Riềng đã tích cực phối hợp, phát động phong trào “Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi” và tổ chức Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ các cấp, nhiều năm liền đạt giải cao Hội thi cấp ngành. Phong trào đã tạo khí thế thi đua lao động sản xuất, giúp đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm.
Phong trào trọng tâm xuyên suốt
Ở Hội thi Bàn tay vàng cấp ngành năm 2012, 2014, Cao su Phú Riềng đã giành giải nhì đồng đội. Năm 2016, công ty đã xuất sắc giành giải nhất đồng đội với số điểm tuyệt đối (500 điểm), cả 5 thí sinh của công ty đều đạt điểm tuyệt đối 100/100, lập kỷ lục trong ngành cao su. Năm 2018, công ty tiếp tục giành giải nhất tập thể và giải nhất cá nhân, làm dày thêm bảng thành tích “Bàn tay vàng” qua các hội thi.
Hiện nay, công ty đang quản lý trên 15.048 ha cao su đang độ khai thác, năng suất mỗi năm tăng cao. Cao su Phú Riềng là đơn vị dẫn đầu ngành cao su về năng suất sản lượng, 13 năm liền nằm trong câu lạc bộ 2 tấn của VRG và là đơn vị duy nhất có 100% các nông trường đều vượt 2 tấn/ha. Mỗi năm, công ty vượt kế hoạch sản lượng Tập đoàn giao trên 2.500 tấn. Nhiều năm liền là đơn vị có số lượng sản phẩm vượt cao nhất VRG.
Phong trào “Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi” từ lâu đã trở thành một phong trào trọng tâm xuyên suốt của công ty. Qua đó góp phần nâng cao tay nghề cho CNLĐ, xây dựng đội ngũ thợ cạo “Giỏi lý thuyết – Vững thực hành”, nâng cao năng suất lao động, chất lượng vườn cây, cải thiện thu nhập cho công nhân (CN), cùng chính quyền hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Phong trào “Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi” được duy trì thường xuyên liên tục từ cấp tổ đến nông trường, kỹ thuật cạo của CN được đào tạo từ lý thuyết đến thực hành bài bản, chặt chẽ, kiểm tra giám sát hàng tháng phát hiện phân loại những CN còn yếu, tổ chức cho học lại, từ đó xây dựng được đội ngũ CN vững về lý thuyết giỏi về thực hành.
Ông Lưu Thế Doanh – Chủ tịch Công đoàn Cao su Phú Riềng, chia sẻ: “Hàng năm, trước khi vào mùa khai thác, Công đoàn công ty chỉ đạo CĐCS các đơn vị tổ chức cho CNLĐ học tập lại nội quy, quy chế, kết hợp với chuyên môn, phổ cập các quy định về chế độ cạo, bảng cạo, áp dụng cụ thể cho từng nhóm vườn cây trên cơ sở quy trình kỹ thuật của ngành và hướng dẫn của Phòng KTNN công ty. Phân loại tay nghề CN, đào tạo mới và đào tạo lại tay nghề cho 100% CN (CN giỏi học 3 ngày, CN khá học 5 ngày, CN trung bình học 7 ngày) mục tiêu đạt 95% đạt loại giỏi, 5% loại khá, không để CN có tay nghề trung bình, yếu kém vào nhận phần cây”.
Phong trào thi đua thiết thực của công nhân cao su
Ban lãnh đạo Cao su Phú Riềng luôn xác định: “Phong trào thi đua là một trong những động lực thúc đẩy sản xuất, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SXKD của công ty”. Hàng năm công ty đều tổ chức tốt phong trào thi đua Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi từ cấp tổ đến nông trường và 2 năm 1 lần tổ chức thi thợ giỏi cấp công ty. 100% công nhân có tay nghề loại giỏi.
Ông Trương Văn Hội – Phó TGĐ Cao su Phú Riềng, chia sẻ: “Hội thi Bày tay vàng là dịp để công ty đánh giá, kiểm tra trình độ tay nghề của CN khai thác. Mặt khác, qua đó còn phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình những CN vững vàng lý thuyết, thành thạo thực hành, trở thành những hạt nhân tại cơ sở, từ đó thúc đẩy phong trào thi đua Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi của công ty. Thông qua hội thi, còn tạo khí thế thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản lượng, chung sức đồng lòng cùng doanh nghiệp vượt khó. Qua các Hội thi Bàn tay vàng, những CN đạt thành tích cao và có quá trình phấn đấu học tập còn được xét nâng bậc, nâng lên làm huấn luyện viên đào tạo tay nghề cho đơn vị, nâng lên làm công tác quản lý cấp tổ – đội, nông trường. Đến nay đã có không ít những cá nhân phấn đấu đạt đến cấp cán bộ kỹ thuật công ty – lãnh đạo quản lý nông trường”.
Thành tích cao nhờ tập luyện tốt
Để chuẩn bị cho Hội thi Bàn tay vàng cấp ngành, hàng năm Cao su Phú Riềng đã tổ chức hội thi Bàn tay vàng từ cấp nông trường để tuyển chọn những thợ giỏi xuất sắc. Vào khoảng đầu tháng 10, tổ chức Hội thi Bàn tay vàng cấp công ty và chọn ra 20 thợ giỏi xuất sắc nhất để tập luyện, tuyển chọn đi thi cấp ngành. 20 thợ giỏi này tập luyện và trải qua 2 vòng thi (vòng thi thứ nhất chọn 10 người và vòng thi thứ hai chọn 6 người xuất sắc nhất) để dự thi cấp ngành.
Ông Đỗ Hữu Trí – cán bộ Phòng KTNN công ty, phụ trách đội thi Cao su Phú Riềng qua các năm, chia sẻ: “Ban huấn luyện đội thi gồm có 7 người, trong đó có 3 người thường trực hỗ trợ cho các thí sinh tập luyện. Chúng tôi luôn tạo cho thí sinh tinh thần thoải mái trong suốt thời gian tập luyện. Bên cạnh các bài tập về thể lực, lý thuyết và thực hành, còn có những bài tập về tâm lý. Đi thi dĩ nhiên đơn vị, cá nhân nào cũng mong đạt giải cao, chúng tôi luôn tạo cho thí sinh tinh thần tự tin, thể hiện hết khả năng của mình, không đặt áp lực cao về các giải thưởng”.
Một ngày tập luyện của đội Phú Riềng bắt đầu lúc 5h sáng. Từ 5h – 5h30 sẽ là các bài tập về thể lực, chạy tốc độ. 6h – 11h sẽ tập luyện phần thi thực hành ngoài lô cao su. Buổi chiều bắt đầu từ 13h30 đến 17h là phần tập luyện thi lý thuyết, dụng cụ. Bên cạnh đó, Ban huấn luyện cũng có các bài giảng về tâm lý cho các thí sinh tham gia dự thi. Chính vì vậy, khi tham gia hội thi, đội Cao su Phú Riềng lúc nào cũng thoải mái, bình tĩnh, tự tin.
Điều đặc biệt ở Cao su Phú Riềng là Ban huấn luyện soạn giáo án riêng cho mỗi thí sinh. Ông Huỳnh Quang Nhật – Trưởng Phòng KTNN công ty, Trưởng Ban huấn luyện đội thi Cao su Phú Riềng qua các năm, chia sẻ: “Ban huấn luyện là người nắm rõ nhất điểm mạnh, yếu của từng thí sinh và xây dựng giáo án riêng cho mỗi người. Ví dụ như về tốc độ, kỹ thuật, mỗi thí sinh sẽ có phương pháp tiếp cận, xử lý riêng, vì vậy giáo án đối với từng người, không theo khuôn mẫu. Về rèn luyện sức khỏe cũng vậy, thể lực nam nữ sẽ khác nhau, ngay cả nhu cầu ăn uống của mỗi thí sinh cũng khác nhau… Ban huấn luyện luôn đáp ứng nhu cầu riêng của mỗi người, để thí sinh luôn có tâm lý tốt, thoải mái”.
Trong đợt tuyển chọn lần 2 còn 6 người, Ban huấn luyện cho thí sinh thay vườn cây liên tục, giống cây, vanh, chiều cao, độ dày vỏ… trên phương châm: luyện nhiều giống trên nhiều vườn cây. Điều đặc biệt, Ban huấn luyện luôn rèn cho thí sinh tinh thần đồng đội. Ban huấn luyện không đặt nặng thành tích, nhưng đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật, trên tinh thần Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi.
Hình ảnh cần mẫn của công nhân trên vườn cây đã trở thành biểu tượng không thể không nhắc tới khi nói đến ngành cao su. Nhờ thực hiện tốt phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi, Cao su Phú Riềng đã xây dựng đội ngũ thợ giỏi là lực lượng nòng cốt đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất vườn cây, góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất của công ty nói riêng và ngành cao su nói chung.
THIÊN HƯƠNG