Hiệu quả cải tiến trong xử lý pha trộn mủ nguyên liệu

CSVN – Nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nhà máy chế biến Công ty CP Đầu tư Xây dựng Cao su Phú Thịnh đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật, nổi bật là sáng kiến cải tiến quy trình chế biến trong xử lý pha trộn mủ nguyên liệu trên hồ tổng hợp tạo sự đồng nhất về chất lượng hóa lý mủ thành phẩm trong chế biến.
Anh Nguyễn Trọng Thanh - Phó Giám đốc Nhà máy Chế biến Cao su Phú Thịnh theo dõi sáng kiến cải tiến quy trình chế biến trong xử lý pha trộn mủ nguyên liệu
Anh Nguyễn Trọng Thanh – Phó Giám đốc Nhà máy Chế biến Cao su Phú Thịnh theo dõi sáng kiến cải tiến quy trình chế biến trong xử lý pha trộn mủ nguyên liệu
Nâng cao chất lượng sản phẩm

Theo quy trình chế biến của VRG là khi tiếp nhận xử lý mủ nguyên liệu trên hồ tổng hợp sau khi pha loãng, xử lý hóa chất xong phải để lắng 15 – 20 phút mới được xả mủ xuống mương đánh đông và không xử lý dung dịch 10% chất Sodium metabisunfat (Na2S2O5), liều lượng 0,3 – 0,5 kg/tấn DRC trên hồ tổng hợp. Với kinh nghiệm thực tế trong quá trình công tác, anh Nguyễn Trọng Thanh – Phó Giám đốc Nhà máy Chế biến Cao su Phú Thịnh đã có sáng kiến cải tiến quy trình chế biến khuấy trộn liên tục từ khi tiếp nhận pha trộn nguyên liệu, hóa chất (Na2S2O5) trên hồ tổng hợp và xả mủ xuống mương đánh đông đến khi hết mủ trên hồ tổng hợp.

Anh Nguyễn Trọng Thanh chia sẻ về sáng kiến: “Trong tiếp nhận xử lý mủ nguyên liệu khi mủ về nhà máy đã kiểm tra các thông số kỹ thuật, như: trạng thái, pH, DRC%… như vậy bước đầu đã biết được chất lượng mủ nguyên liệu tốt hay xấu để có biện pháp phân loại tiếp nhận xử lý ngay trên hồ tổng hợp.

Ví dụ như trường hợp xe mủ về đến nhà máy qua kiểm tra thấy trạng thái mủ tốt lỏng tự nhiên mịn, màu trắng sữa hoặc hơi vàng, pH cho phép giao động từ 6.5 -7.5, cơ cấu giống cây có tỷ lệ RRIV4 ít những trường hợp này tiếp nhận vào một hồ tổng hợp và xử lý đánh đông bình thường theo quy trình mà không phải xử lý thêm dung dịch 10% chất Sodium metabisunfat (Na2S2O5), liều lượng 0,3 – 0,5 kg/tấn DRC”.

“Trong trường hợp mủ nguyên liệu màu sắc không bình thường, hạt liti, pH quá cao hoặc quá thấp… thì phân loại tiếp nhận nhanh cho xả riêng một hồ tổng hợp và xử  lý ngay dung dịch 10% chất Na2S2O5, liều lượng 0,3 – 0,5 kg/tấn DRC, pha vào mủ nước nguyên liệu trên hồ tổng quậy đều để chống ô xy hóa ngay từ đầu. Nếu làm được như vậy sẽ cải thiện được chỉ tiêu màu đối với sản phẩm SVR3L và giải phóng xe nhanh, mủ nguyên liệu không bị đông trong khi chờ đợi tại nhà máy”, anh Thanh cho biết.

Tiết kiệm thời gian, chi phí

Thời gian qua công ty đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác vệ sinh bảo quản mủ nguyên liệu ngay tại vườn cây và qua nhiều lần rây lọc khi về đến nhà máy lại lọc qua rây 60 lỗ/inch lần cuối nên chỉ tiêu tạp chất rất thấp và ổn định. Vì thế, bỏ qua công đoạn lắng lọc khi tiếp nhận xử lý xong tiếp tục vừa quậy vừa xả cho đến khi gần hết mủ trên hồ tổng hợp thì ngưng quậy và xả hết mủ đánh đông trừ cặn đáy hồ. Mục đích là tiết kiệm thời gian xử lý đánh đông được 15-20 phút, tạo sự đồng đều, đồng nhất các chỉ tiêu hóa lý của mủ thành phẩm trong một hồ tổng hợp. Nhất là sự đồng đều chỉ tiêu màu, Po, PRI đối với SVR3L, chỉ tiêu độ nhớt Mooney đối với SVRCV.

Sáng kiến cải tiến quy trình chế biến trong xử lý pha trộn mủ nguyên liệu đã giúp Cao su Phú Thịnh mỗi năm chế biến được 4.000 tấn mủ thành phẩm cao su cốm SVR đạt 100% TCVN:3769-2016. Cải thiện được chỉ tiêu màu SVR3L Lovibond 4.0 > 90% , còn lại là màu 4.5 (TCVN:3769-2016, màu max 6.0), chỉ tiêu độ dẻo Po đạt chất lượng cao 40±3 (TCVN:3769- 2016  Po≥35),  PRI>80  (TCVN:3769-2016    PRI min 70), chỉ tiêu tạp chất 0.012 -0.017 % (TCVN:3769- 2016 tạp chất max 0.03%).

THIÊN HƯƠNG