Theo anh vào lô

Ảnh: Nguyễn Thành Luy.
Ảnh: Nguyễn Thành Luy.

Khi anh vững tay dao

Khơi nhanh dòng nhựa trắng

Em cũng cùng tia nắng

Mang hàng hóa vào lô.

 

Đây hủ tíu không tô

Cà phê phòng buồn ngủ

Nước đá em có đủ

Đây sinh tố em làm

Nước mía, nước nha đam

Tự tay em làm nhé

Đảm bảo cho anh khỏe

Để vững chắc đôi tay

Mang dòng nhựa đong đầy

Giữa nông trường xanh ngát

                 

Anh ơi cơn gió hát

Ru lại khúc tình ca

Chuyện của mẹ và cha

Ngày xưa ươm mầm sống

Bàn tay cha chọn giống

Lưng ướt đẫm mồ hôi

Mẹ mang nước đến nơi

Cho cha đỡ cơn khát

Ngày nay lô bát ngát

Anh khơi dòng mủ thơm

Em chẳng phải công nhân

Nhưng theo anh hôm sớm

Em cũng yêu mầm sống

Yêu dòng nhựa trắng ngần

Nên em lại ân cần

Mang ra lô hàng hóa

Em muốn cùng cơn gió

Thổi bay giọt mồ hôi

Để dòng nhựa trắng rơi

Nhanh đầy tô vàng trắng.

 

Yêu sao từng tia nắng

Long lanh giọt mồ hôi

Em sẽ đi khắp nơi

Theo anh khai thác mủ.

VĂN THỌ

Mừng sinh nhật Bác

Một trăm ba chục năm qua

Tên người in đậm muôn nhà Việt Nam

Lời nói phong cách việc làm

Tư tưởng vĩ đại dệt trang sử hồng

Năm châu, bốn biển, ngàn sông

Nhà giam, ngục tối, cũi lồng khảo tra

Luồn sâu để biết địch ta

Lớp người cùng khổ lấy đà vươn lên

Tờ báo Bác tự đặt tên

Cùng là chủ bút viết lên nỗi lòng

Tinh hoa, chắt lọc, sâu nông

Mang về áp dụng giống dòng Âu Cơ

Việt Nam đẹp tựa bài thơ

Anh Ba dẫn dắt từng giờ đi lên

Sao vàng cờ đỏ bay lên

Vươn ra biển lớn có tên Bác Hồ

Thật rồi đâu phải trong mơ

Vạn điều tươi sáng đang chờ chúng ta

Học Bác để mãi vươn xa

Giàu sang, phú quý, dâng hoa lên Người

Sinh nhật một trăm ba mươi

Lãnh tụ vĩ đại để đời noi theo.

                                                                                 CTV 5B

Con về…

Con về qua ngõ vắng

Nghe tháng năm thầm thì

Cánh hoa vàng trong trắng

Vẫn nồng nàn tỏa hương

 

Con về qua lối nhỏ

Dáng mẹ gầy liêu xiêu

Tuổi thơ tràn ngực cỏ

Bên con những sớm chiều

 

Con về qua câu hát

Võng xưa miền ca dao

Mồ hôi rơi vào đất

Cho mùa xanh tốt tươi

 

Con về qua nỗi nhớ

Cơn mưa chiều giăng giăng

Bàn chân ai bỡ ngỡ

Gõ vào đời thênh thang

 

Con về ru nước mắt

Bờ sông xưa vắng người

Mẹ già ngồi giặt áo

Chờ bóng ai trở về…

HUỲNH THỊ KIM CƯƠNG

Một thoáng quê hương

Là những loay hoay thuở dại khờ

Ta người chưa bén mối duyên thơ

Là trưa nắng cháy dồn trên bãi

Tắm một con sông sóng dạt bờ

 

Là bến là cây ở phía cầu

Lăn dài sau những buổi chăn trâu

Đường quê vàng rộm thơm rơm mới

Bắt đuổi trò chơi…bụi ngập đầu

 

Là lũy tre xanh giữa nắng hè

Chong diều không mũ tóc màu hoe

Đen nhẻm thun quần đứt lại nối

Mẹ chửi cha la chạy tứ bề

 

Là trái là hoa nở đúng mùa

Là lời trao đổi bán và mua

Không lời chẳng lãi cầm ngang vốn

Tiếng sẻ câu chia lẫn nghịch đùa

 

Là lối đi chung giữa nợ nần

Nhưng lòng dạ chẳng chút phân vân

Đồng cam cộng khổ dù no đói

Một thoáng quê hương… mãi thấy gần.

NGUYỄN ĐÌNH HẠNH

Ngày nghỉ lên nương thăm chồng

Bà ngoại ở nhà trông cháu dùm con
Ngày cuối tuần con lên nương thăm bố cháu
Thăm vườn cây cao su vào mùa khai thác
Tranh thủ làm vườn vun xới hàng cây

 

Rào lại bờ ao nuôi thêm đàn cá
Đất chẳng phụ người rau tươi tốt quanh năm
Gà thả vườn đồi chóng lớn thịt thơm ngon
Có bàn tay em luống cà thêm trĩu quả

 

Đi thực tế để thấy nghề vất vả
Để yêu hơn mỗi lúc bố mệt nhoài
Đi để hiểu  truyền lớp trẻ tương lai
Phải có niềm tin vào nghề đã chọn

 

Có phải duyên mình yêu quá không anh
Em sẽ thay anh nuôi dạy các con mình
Còn anh vững chí vun trồng cây năm tháng
Yêu anh nhiều yêu lắm nghề của anh. 

                 TRẦN HOÀI

Với Mù Cang Chải

Mù Cang Chải. Mù Cang Chải

Cạn đáy ngày mê mải chốn vàng ru

Non ngàn cánh võng mùa thu

Tiếng cười sơn nữ vô tư nao chiều

 

Ruộng bậc thang. Cũng dám liều

Nhờ hương lúa chín nói điều…vu vơ

“Chạy theo nương”* đến mệt phờ

“Gầu Plềnh”* bên thác Mơ thì thầm

 

Nắng gói dùm cái bước chân

Cuộn ngọn gió tiếng khèn ngân vơi đầy

Mù Cang Chải. Chiều ngất ngây

Ai muốn “bắt vợ” đến đây mang về.

 

* Người H’mông thường nói: “Người chạy theo nương”

* “Gầu Plềnh”: Tiếng H’mông có nghĩa là “Tiếng hát tình yêu”

* “Bắt vợ”: Trai gái yêu nhau, chàng trai “bắt vợ” theo phong tục người H’mông.

                                                           THANH HIẾU