Khát mưa

CSVN – Suối khô, hồ cạn, đất đai nứt nẻ, cây trồng chết khô… là hình ảnh dễ bắt gặp hiện nay trên khắp vùng Tây Nguyên. Không chỉ công nhân (CN) cao su đang khao khát một trận mưa, mà người dân cả Tây Nguyên đang phải gồng mình chống chọi với hạn hán, tìm kiếm từng giọt nước để sinh hoạt.
Hơn 1ha cà phê của anh Lê Công Trường đã chết khô vì thiếu nước
Hơn 1ha cà phê của anh Lê Công Trường đã chết khô vì thiếu nước
Nương rẫy cháy khô

Thực tế, từ nhiều tháng nay, Gia Lai cũng như nhiều nơi ở Tây Nguyên không mưa hoặc lượng mưa không đáng kể khiến hàng ngàn héc ta cây trồng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, khô hạn. Trong khi đó, thời điểm này nhiều sông suối ở Gia Lai, Kon Tum đã trơ đáy, nhất là tại vùng biên giới nơi có cao su của các Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, Chư Păh của tỉnh Gia Lai hay Cao su Chư Mom Ray, Cao su Sa Thầy của tỉnh Kon Tum.

Khô hạn đã làm cho tình hình canh tác nông nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên có nhiều biến động bất thường khiến nông dân gặp khó khăn. Sản lượng cũng như giá cà phê, hồ tiêu và cao su giảm mạnh. Tiêu bị bệnh chết, cà phê chết cháy… Hậu quả là rất nhiều nông dân ôm nợ ngân hàng, nợ phân bón không có khả năng thanh toán. Nhiều người phải tìm đến các tỉnh Bình Dương, Đà Nẵng, TP.HCM… để mưu sinh và kiếm tiền trả lãi ngân hàng, nay gặp dịch Covid-19 lại càng thêm khó khăn. Một số diện tích hồ tiêu, cà phê chết đã được chuyển sang các loại cây trồng khác, nhưng với nắng hạn như hiện nay cây trồng mới cũng chậm phát triển.

Anh Ô Tuân lặn lội từ thị xã Ayunpa lên Đội 29, Nông trường An Phú – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông xin làm CN cao su than thở: “Ở làng mình nắng hạn quá, lúa chết do không có nước, xin lên đây làm CN cao su. Ở đây cũng nắng hạn, làm thêm chút hoa màu mà cũng không có nước tưới, nước sinh hoạt thì phải đi mua từ nơi khác”.

Không chỉ hạn hán gay gắt tại vùng biên giới Ia Mơr của Gia Lai, tại vùng biên giới huyện Ia H’drai tỉnh Kon Tum, nơi có Cao su Chư Mom Ray đóng chân nắng nóng cũng hết sức khắc nghiệt khiến nước sinh hoạt cũng không đủ dùng huống chi là nước cho cây trồng. Anh Lê Công Trường ở Nông trường 3 – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray đã đầu tư trồng hơn 1ha cà phê, chi phí trên 100 triệu đồng chuẩn bị cho thu hoạch nay đành nhìn cây chết cháy.

Còn anh Nguyễn Trọng Đồng, bảo vệ của Nông trường 1 – Cao su Chư Mom Ray thì cho biết: “Cũng may là trước kia gia đình em quyết định trồng điều chứ không trồng cà phê, nếu trồng cà phê thì khoảng gần 5ha ở các bờ lô đành bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Tuy nhiên, cũng chẳng khá hơn anh chị em khác khi giá điều chỉ bằng 1/3 so với năm trước”.

Niềm vui của các gia đình CN khi được Công ty Chư Mom Ray cấp nước hàng ngày để sinh hoạt, mỗi gia đình được 1 bình 500 lít/ngày.
Niềm vui của các gia đình CN khi được Công ty Chư Mom Ray cấp nước hàng ngày để sinh
hoạt, mỗi gia đình được 1 bình 500 lít/ngày.
Một điểm cấp nước công cộng được chính quyền xây dựng cho khu tập thể CN NT II hiện không có nước
Một điểm cấp nước công cộng được chính quyền xây dựng cho khu tập thể CN NT II
hiện không có nước
Thiếu nước sinh hoạt

Người dân không chỉ chật vật đi tìm nước tưới cho hoa màu mà còn phải kiếm nguồn nước để sinh hoạt. Anh Lò Văn Thất ở khu tập thể tổ 2 – Nông trường II – Cao su Chư Mom Ray cho hay: “Thường ngày chiếc giếng đào vẫn được gia đình tôi sử dụng để tắm, giặt, ăn uống. Nhưng từ 3- 4 tháng trở lại đây giếng khô nước nên cuộc sống khá vất vả, mỗi ngày nhà tôi cũng chỉ bơm được gần ½ bình 500 lít, đủ để ăn, còn tắm giặt thì phải đi ra suối, mà suối bây giờ cũng cạn hết nước rồi. Trời cứ không mưa thế này đến người còn không trụ được nói gì cây cối”.

Trước tình hình nắng hạn gay gắt, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray đã quyết định dùng 2 xe bồn chuyên chở nước cấp phát cho CN tại một số khu tập thể. Đồng thời, hỗ trợ cho các nông trường và tổ một phần kinh phí để nạo vét các giếng nước.

Về giải pháp dài hạn theo ông Phạm Duy Vương – Chủ tịch Công đoàn công ty thì: “Công ty đã có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát một số vị trí để tiến hành làm đập thủy lợi để tích nước chống hạn cho mùa khô năm sau và giữ nước cho bà con trong vùng sử dụng làm nước sinh hoạt”.

Chị Siu Vứt ở xã Ia Ver (Chư Prông) hiện đang làm CN cho Nông trường An Biên của Cao su Chư Prông chia sẻ: “Gia đình tôi cũng làm thêm được hơn 2 sào lúa, nhưng năm nay khô hạn quá, nước không có nên lúa chết khô, người dân thả bò ăn hết rồi”.

Nắng hạn vẫn còn tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng khắp các tỉnh Tây Nguyên. Lãnh đạo nhiều công ty cho rằng đây là năm nắng hạn nhất trong nhiều năm qua, trong khi đó đây lại là năm nhuần nên khả năng nắng nóng còn kéo dài, do đó không thể chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống cháy đối với cao su, nhất là những vùng tiếp giáp với bìa rừng, nương rẫy của bà con đồng bào.

Trong khi đó, chính quyền các tỉnh, huyện trên địa bàn Tây Nguyên đang chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo hướng chủ động, linh hoạt bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, ở những vùng đủ nước cần xem xét đẩy sớm lịch sản xuất để tận dụng nguồn nước. Vùng không đảm bảo nguồn nước cần xem xét giảm diện tích, giãn thời điểm xuống giống để chờ mưa hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Các địa phương xác định từng vùng, số hộ khả năng thiếu nước sinh hoạt, xây dựng phương án cân đối cung cấp nước sinh hoạt cho từng cụm dân, xã, huyện… bảo đảm không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

VĂN VĨNH