Xây dựng kịch bản cụ thể, ổn định sản xuất, việc làm, đời sống người lao động

CSVN – Các đơn vị chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ SXKD tùy theo tình hình thực tế nhưng phải tiếp tục nâng cao tinh thần phòng chống dịch bệnh. Xây dựng các kịch bản kế hoạch cụ thể để ổn định sản xuất, việc làm, đời sống cho NLĐ và hiệu quả của doanh nghiệp”. Đó là chỉ đạo của ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG tại các cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo VRG với các đơn vị khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.
Quang cảnh cuộc họp với các đơn vị Duyên hải miền Trung tại đầu cầu VRG vào ngày 16/4. Ảnh: Đào Phong
Quang cảnh cuộc họp với các đơn vị Duyên hải miền Trung
tại đầu cầu VRG vào ngày 16/4.
Ảnh: Đào Phong
Tiếp tục nâng cao tinh thần phòng chống dịch bệnh Covid-19

Trong thời gian qua, các đơn vị trong toàn VRG đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của các cấp ban ngành, địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, các đơn vị đã tạm dừng kế hoạch tổ chức các hoạt động tập trung đông người để đảm bảo sức khỏe NLĐ trong toàn đơn vị; thực hiện trang cấp máy đo thân nhiệt, khẩu trang kháng khuẩn, dung dịch rửa tay sát khuẩn đến với các đơn vị trực thuộc để phòng, chống dịch bệnh; chủ động sắp xếp, bố trí lao động hợp lý, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành, chỉ đạo từ trực tiếp sang trực tuyến để không bị gián đoạn công việc. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung đến NLĐ trong việc nêu cao ý thức phòng chống dịch Covid-19, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của các cấp.

Các đơn vị đã chủ động bố trí NLĐ tham gia lao động trở lại, nhất là đối với công nhân cạo mủ, chế biến và một số hoạt động phục vụ sản xuất khác, nhưng vẫn đảm bảo nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Tại các cuộc họp trực tuyến với các đơn vị, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG đã chia sẻ những khó khăn mà các đơn vị đã gặp phải do tác động trực tiếp của Covid-19 đến hoạt động SXKD và đời sống của NLĐ. Đồng thời, Chủ tịch HĐQT đã đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy, nâng cao tinh thần phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Về hoạt động Công đoàn, ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn CSVN đã yêu cầu lãnh đạo Công đoàn các cấp tiếp tục tuyên truyền Công tác phòng chống dịch Covid-19 đến từng tổ Công đoàn, từng đoàn viên và từng hộ CNLĐ. Chăm lo tốt đời sống cho NLĐ, song song đó rà soát những lao động khó khăn, lập danh sách xây dựng nhà “Mái ấm Công đoàn”, công nhân gặp tai nạn lao động… trình Công đoàn CSVN để hỗ trợ kịp thời.

Khu vực Tây Nguyên hoàn thành tốt kế hoạch quý I

Diện tích vườn cây khai thác của các đơn vị Tây Nguyên là 36.690 ha. Trong quý I, sản lượng khai thác ước đạt 4.003 tấn. Trong đó các đơn vị đạt sản lượng cao là Krông Búk 13,3%, Ea H’leo 14,6%, Chư Sê 14,5%… Thu mua gần 10%, tỉ lệ sản xuất và tiêu thụ tương đối cân bằng. Trong lĩnh vực khai thác chế biến gỗ, sản lượng tiêu thụ của Công ty gỗ Kon Tum ước thực hiện 16,4%, gỗ Đăk Đoa 21%. Về thủy điện, Công ty VRG Bảo Lộc ước thực hiện được 5,2%, VRG Đắk Đoa 8,7% kế hoạch.

Các đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng trị bệnh phấn trắng, với cách làm hay, chi phí thấp, lãnh đạo có trách nhiệm nên đạt kết quả tốt. Đối với vườn cây ngưng đầu tư, kéo dài, các công ty vẫn phát dọn chống cháy, bảo vệ an toàn và thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ sinh trưởng, trình phương án giao khoán quyền khai thác mủ một số diện tích có khả năng cạo mủ ở công ty Chư Sê, Chư Păh.

Khu vực Tây Nguyên hiện có 11 nhà máy chế biến với công suất thiết kế 83.000tấn/ năm. Với công suất này, các nhà máy có đủ khả năng chế biến sản phẩm vào thời gian sản lượng đạt đỉnh điểm. Ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG nhận định: “So với những năm trước chất lượng chế biến của các đơn vị Tây Nguyên có sự tiến bộ đáng kể, không có tình trạng khiếu nại hoặc trả hàng. Tuy nhiên chất lượng chế biến của khu vực này vẫn chưa ổn định. Các đơn vị cần tập trung vào yếu tố quản lý chất lượng từ vườn cây đến nhà máy và trong giai đoạn chế biến để sản xuất sản phẩm đạt chất lượng tốt, tăng tính cạnh tranh trên thị trường”.

Khu vực Duyên hải miền Trung nỗ lực vượt khó

Khu vực Duyên hải miền Trung có 12 đơn vị thành viên, trong đó có 9 công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, 1 công ty chế biến, tiêu thụ gỗ MDF và 2 công ty thủy điện.

Về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, theo kế hoạch năm 2020, tổng sản lượng khai thác của 9 đơn vị này là 16.010 tấn, thu mua 1.706 tấn, doanh thu ước đạt 877 tỷ đồng. Báo cáo về tiến độ thực hiện kế hoạch sản xuất quý I/2020, phần lớn các đơn vị đều đã hoàn thành các chỉ tiêu. Trong đó có các đơn vị đạt tỷ lệ khai thác cao so với kế hoạch như Cao su Quảng Trị với sản lượng đạt 22%; Cao su Quảng Ngãi thực hiện 140/680 tấn, đạt gần 21%; Cao su Quảng Nam thực hiện 523/3.380 tấn, đạt 15,4% kế hoạch…

Tổng sản lượng chế biến của Công ty CP gỗ MDF VRG Quảng Trị năm 2020 được giao là 203.000 m3, sản lượng tiêu thụ 199.115 m3, tổng doanh thu trên 1.008 tỷ đồng, lợi nhuận 30,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quý I, công ty đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Riêng 2 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thủy điện là Sông Côn và VRG Phú Yên lại gặp khó khăn khác do ảnh hưởng hạn hán kéo dài. Theo kế hoạch, sản lượng sản xuất năm 2020 của Sông Côn là 186 triệu kwh, doanh thu 158,25 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 10,6 tỷ đồng; VRG Phú Yên tổng sản lượng sản xuất là 66,79 triệu kwh, doanh thu 92,93 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,65 tỷ đồng. Tính hết quý I, sản lượng điện sản xuất của VRG Phú Yên là 7,65 triệu kwh, đạt 11,45% kế hoạch; sản lượng sản xuất của Thủy điện Sông Côn là 11,44 triệu kwh, chỉ đạt 6,18% kế hoạch.

Khu vực Đông Nam bộ phát huy tiềm lực, chủ động ứng phó khó khăn

Đông Nam bộ là khu vực có truyền thống trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác cao su, đồng thời cũng là khu vực quy tụ đầy đủ các lĩnh vực sản xuất chính của VRG. Khu vực này đã đóng góp tỷ trọng lớn trong thực hiện hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch sản lượng của toàn VRG. Doanh thu và lợi nhuận cũng chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành. Đông Nam bộ là khu vực được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan nhất năm 2020.

Tổng diện tích vườn cây của các đơn vị 158.670 ha. Trong quý I, các đơn vị đã khai thác 12.483 tấn, đạt 7,8% kế hoạch, thu mua 5.106 tấn, đạt 8,6%, chế biến 24.934 tấn. Tổng doanh thu 1.489 tỷ đồng, đạt 12% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 361 tỷ đồng. Lao động bình quân trong quý I là 31.214 người. Thu nhập bình quân 6,2 triệu đồng/người/tháng.

Một số đơn vị có dấu hiệu khả quan trong quý I như Cao su Phú Riềng vẫn tổ chức khai thác được sản lượng khá cao, làm tiền đề tốt cho những tháng tiếp theo. Công ty đã tranh thủ thị trường quý I khá tốt để tiêu thụ cơ bản hết sản lượng tồn kho với giá bán tương đối cao. Sau ngày 20/4, sản lượng bình quân của Cao su Dầu Tiếng là 25 tấn/ngày và sẽ tăng dần trong thời gian tới. Hiện nay, các nông trường tích cực trong việc bố trí công nhân cạo choàng, tận thu tối đa sản lượng ngoài vườn cây. Ngoài ra, do hệ thống lá tái sinh tốt nên tiến độ sản lượng sau khi xả cạo cao hơn nhiều so với năm 2019.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các đơn vị như tác động tiêu cực đến lĩnh vực gỗ và sản phẩm gỗ cao su, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thanh lý giao đất tái canh trồng mới và bàn giao địa phương để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Các công ty con và công ty liên kết cũng ảnh hưởng rất nhiều. Tình hình giao dịch mua bán ở một vài đơn vị ảm đạm, khách hàng kéo dài thời gian nhận hàng. Một số đơn vị dự báo với tình hình dịch bệnh như hiện nay, giá cao su giảm liên tục, khả năng khách hàng sẽ hủy hợp đồng dẫn đến sản lượng tiêu thụ mủ cao su năm 2020 sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng hạn gay gắt, kéo dài trên một số địa bàn dẫn đến sản lượng khai thác đạt tỷ lệ thấp hơn so với quý I năm 2019. Các đơn vị trực thuộc VRG ở khu vực Đông Nam bộ đều nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, có tốc độ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh. Do vậy, các khu công nghiệp và dịch vụ đã thu hút lực lượng lao động của các công ty cao su. Nhiều đơn vị thiếu lao động, đặc biệt là lao động khai thác như Cao su Tân Biên, Cao su Phước Hòa, Cao su Tây Ninh, riêng Cao su Phú Thịnh thiếu 20% lao động…

Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, các đơn vị đã phát huy nội lực, tiềm năng để chủ động xây dựng các kịch bản trên từng lĩnh vực cụ thể nhằm ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập cho NLĐ. Cụ thể, tiếp tục tuyển và đào tạo cạo mủ cho số lao động mới được tuyển vào; Xây dựng phương án bán hàng để tiêu thụ hết sản phẩm, tăng cường tiếp cận các thị trường để nâng tỷ lệ xuất khẩu; Rà soát tiết giảm chi phí giá thành, chỉ đầu tư xây dựng đối với các công trình thiết yếu để phục vụ sản xuất; Tăng cường công tác thu mua tiểu điền để đảm bảo các nhà máy chế biến chạy hết công suất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Hỗ trợ các công ty con và công ty liên kết để đảm bảo các đơn vị vẫn hoạt động SXKD ổn định, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Năng động trong điều hành, quản lý sản xuất và đảm bảo thu nhập cho NLĐ

Trong các cuộc họp trực tuyến với đơn vị thành viên, lãnh đạo phụ trách các khu vực và các ban chuyên môn VRG đã giải đáp những kiến nghị, đề xuất, đồng thời gỡ khó cho đơn vị.

Ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, VRG liên tục hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị khi gặp khó khăn. Các đơn vị cần rà soát, đề xuất xử lý diện tích vườn cây kéo dài một cách đồng bộ, đảm bảo đúng quy định đầu tư. Phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ, quản lý và giám sát công ty con. Thực hiện nghiêm túc các quy định về vốn và bảo toàn vốn theo quy định của Nhà nước và của VRG. Chủ động rà soát việc thực hiện kế hoạch năm 2020 trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Vấn đề thu nhập, tiền lương của NLĐ rất quan trọng, vì vậy bằng mọi giải pháp phải đảm bảo tốt để giữ chân NLĐ và thu hút lao động mới”.

Về việc tổ chức sản xuất, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT chỉ đạo: “Các đơn vị chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ SXKD tùy theo tình hình thực tế. Nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe, thu nhập cho NLĐ được đặt lên hàng đầu. Thu nhập của NLĐ không được thấp hơn thu nhập tối thiểu của vùng. Xây dựng kịch bản thực hiện từng giai đoạn để ổn định sản xuất, việc làm cho NLĐ và hiệu quả của doanh nghiệp”.

“Đối với công tác tiêu thụ, các đơn vị cần phải trao đổi, lắng nghe ý kiến của khách hàng để kịp thời có những giải pháp phù hợp và giúp cho VRG có chiến lược về thị trường và tiêu thụ tốt hơn trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò, cộng đồng trách nhiệm cùng với doanh nghiệp quan tâm chăm lo cho NLĐ và hỗ trợ trong khả năng có thể cho địa phương trong việc phòng chống dịch bệnh”, ông Thuận đề nghị.

ĐÀO PHONG – NGUYỄN CƯỜNG – MINH NHIÊN