Nhìn từ nông trường cao su Ia Nhin

CSVN – Một buổi sáng cuối tháng 2/2020, chúng tôi có dịp về thăm Nông trường Cao su Ia Nhin thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh. Hai bên đường là hàng chục km bạt ngàn cao su, vườn cây tái canh, vườn cây đang khai thác xen lẫn vuông vức từng ô thửa thật đẹp mắt. Sau mùa lá rụng, những tán lá đã xanh đậm trở lại và chỉ chờ vài cơn mưa là vườn cây bắt đầu vào mùa cạo mới.
Nông trường Cao su Ia Nhin đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2010.
Nông trường Cao su Ia Nhin đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2010.
Vượt gian khó để có ngày “trái ngọt”

Ngay khi bước vào đội 6, điều ấn tượng đầu tiên là nhà bia tưởng niệm xây dựng đã lâu, ghi rõ: Đêm ngày 5/7/1950, nơi đây 7 CBCNV Nông trường Ia Nhin đã hy sinh. Bia tưởng niệm được xây dựng khá kiên cố, có danh sách các CBCNV đã hy sinh, hai bên là 2 câu: “Mất mát hy sinh vì sự nghiệp – Cao su phát triển vững niềm tin”.

Được biết nhà tưởng niệm này được giao cho tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên nông trường trực tiếp trông coi và bảo vệ, việc nhang khói được các anh em lo chu đáo, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Nơi đây thực sự là một địa chỉ không chỉ mang đặc thù của quá trình xây dựng Cao su Chư Păh mà nó còn là một biểu tượng của ngành cao su trong những năm thập niên 80 khi quyết tâm đưa cao su lên Tây Nguyên, trong điều kiện khó khăn gian khổ, vốn liếng ít ỏi, kinh tế xã hội hạ tầng lạc hậu, tập quán canh tác của dân địa phương không thích ứng, nhất là tàn quân phản động Fulrô vẫn còn hoạt động quấy rối nhiều nơi.

Ngày 15/10/1976, Nông trường cao su Ninh Đức được thành lập, nhằm tiếp quản 220ha cao su của chế độ cũ, bộ khung của nông trường là các cán bộ công nhân thuộc Nông trường Thống Nhất (Thanh Hóa) và Nông trường 3/2 (Nghệ An). Từ năm 1976 – 1985 nông trường đã trồng được 1234 ha cao su, 300ha lúa rẫy, 80ha chè, đào 70 hồ đập, nuôi 300 con bò. Trong gian nan vất vả mà để có được những con số ấy quả là phi thường, mỗi tấc đất vườn cây thấm mồ hôi và cả máu xương của thế hệ mở đường trên đất cao nguyên này. Họ vừa lo sản xuất, vừa tăng gia cải thiện đời sống, vừa phải rà phá tháo gỡ bom mìn, vừa cảnh giác chống Fulrô…

Ông Lê Hồng Quang 65 tuổi, trước đây là tổ trưởng bảo vệ, kể lại lúc ấy đường vào đây khó khăn lắm, nhà ông có cái đài (radio) để nghe tin tức, vì thường tối thứ 7 mọi người trong đội kéo đến nhà ông để nghe chuyên mục: “Chuyện cảnh giác” và sau đó là tới chương trình “Sân khấu truyền thanh”. Là tổ trưởng bảo vệ, ông tranh thủ qua các nhà đôn đốc trực gác, về vừa tới nhà chưa kịp mở đài với nấu cơm, hàng loạt đạn M79 của Fulrô bắn vào tới tấp, 7/8 căn nhà trúng đạn cháy sáng rực. Đội bảo vệ có 4 tay súng, mỗi sáng được cấp 3 viên đạn, do bị động lại trời tối nên không kịp phản ứng. Vợ của ông là Nguyễn Thị Vui, lúc ấy cũng bị thương nhẹ do dính mảnh đạn ở chân, ôm vội cháu mới 5 tháng tuổi chạy ra phía tường  rào, còn ông bị trúng đạn nổ gần nát hai bàn chân. Hiện ông được hưởng chế độ thương binh 2/4, bàn chân ông biến dạng đi lại khó khăn, lúc trở trời lại đau nhức, hiện vẫn còn 20 mảnh đạn li ti nằm ở đôi chân ông.

“Trong đêm lịch sử ấy, đội 6 với khoảng 60 công nhân thì đã chết 7 người, chưa tính có cháu thi đỗ đại học được nghỉ vào thăm người nhà trong đội cũng bị trúng đạn chết thật thương tâm”, ông Quang nhớ lại.

Mở cạo mới vườn cây cao su năm 2002 của công ty.
Mở cạo mới vườn cây cao su năm 2002 của công ty.
Gắn bó, vững tin với nghề đã chọn

Tháng 9/1985, Tổng cục cao su thành lập Công ty Cao su Chư Păh. Nông trường Ninh Đức đổi thành Nông trường Cao su Ia Nhin. Tuy ông không đủ sức làm việc tiếp nên ông động viên vợ và các con gắn bó với công việc của đội và nông trường, vợ ông đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp nhiều năm liền, hai con trai hiện là tổ trưởng khai thác, con gái, con dâu cũng đang là công nhân cạo mủ của nông trường…

Khi thấy ông đang lúi húi dọn cỏ trong vườn, chúng tôi tò mò hỏi: “Chắc ông đang dọn đất vườn chuẩn bị trồng cây ăn quả?”.

“1500 m² này tôi đang tính chia cho các con, chúng lớn rồi nên có nhu cầu tách hộ, giao cho chúng nó muốn thích làm nhà hay trồng gì thì trồng”, ông trả lời.

Ông vui vẻ cho biết thêm: “Phấn khởi nhất là hàng năm giáp Tết, công ty tổ chức họp mặt toàn thể anh em hưu trí hiện có hơn 800 người, buổi liên hoan chúng tôi được gặp nhau, hỏi thăm nhau và được biết những khó khăn thuận lợi của công ty và của Tập đoàn. Chúng tôi yên tâm hơn và động viên con cháu gắn bó với ngành nghề, nhất là trong những lúc khó khăn thử thách của mấy năm gần đây”.

“Thời tôi ngày trước, không có sự chọn lựa, chỉ biết thực hiện nhiệm vụ được tổ chức phân công, dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng cố gắng hoàn thành. Nhìn quanh trong đội, cả nông trường, thậm chí cả nước ai cũng khó khăn như mình cả thì phải cố thôi. Nhưng xem ra ngày nay làm cao su cũng có những khó khăn riêng, nhưng khó nhất bây giờ là giá cả thị trường, nhưng cũng không khó bằng thời trước thiếu thốn, bệnh tật, lại nguy hiểm như vậy mà không ai bảo ai vẫn hoàn thành được nhiệm vụ, thì nay những khó khăn hiện tại nếu đồng lòng quyết tâm thì sẽ vượt qua thôi”, ông Quang khẳng định.

Trân quý thành quả, vững vàng đi lên

Gặp anh Phạm Đình Luyến -TGĐ công ty trong lúc đang chuẩn bị hội nghị tổng kết năm 2019 và lễ kỷ niệm 44 năm xây dựng và phát triển, 35 năm thành lập Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, anh Luyến cho biết, với ngần ấy thời gian biết bao thăng trầm biến cố của một đơn vị kinh tế trên vùng Tây Nguyên, các thế hệ đi trước thực sự là nền tảng cho sự phát triển của công ty như ngày hôm nay. Công ty đã được Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương và địa phương khen thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Nổi bật nhất là danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2010, là sự đánh giá ghi nhận tặng thưởng những đóng góp xứng đáng, công lao của các thế hệ đi trước, càng nâng cao trách nhiệm thế hệ hôm nay luôn giữ gìn trân quý thành quả vững vàng trước những thử thách mới.

“Hiện nay công ty cũng đã có những nông trường đạt 1,8 tấn ha như Nông trường Hòa Phú, Nông trường Hà Tây, ngay nông trường Ia Nhin cũng là nông trường đạt 1,8 tấn 5-6 năm rồi. Do địa hình lập địa biến thiên nên năng suất vườn cây đang là mục tiêu công ty phấn đấu, năm 2019 năng suất vườn cây bình quân toàn công ty chỉ 1,56 tấn/ha, năm nay công ty phấn đấu lên 1,58 tấn/ha cũng là một cố gắng lớn, về lâu dài công ty cũng rất muốn đột phá liên kết, hợp tác các đối tác có vốn – kỹ thuật – đầu ra, mở rộng ngành nghề, nâng cao sử dụng đất nông nghiệp từ 10.000ha đất cao su trong nước”, anh Luyến cho hay.

Còn anh Trương Công Tuyên – Chủ tịch HĐTV công ty khẳng định: “Năm 2019 là năm rất khó khăn nhưng công ty cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ: Vượt kế hoạch Tập đoàn giao trên 2%, doanh thu trên 280 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 20 tỷ đồng, vượt 12%. Lợi nhuận trên 36 tỷ, thu nhập của trên 2.500 lao động đạt mức bình quân trên 6 triệu đồng /người/tháng. Các hoạt động chuyên môn đoàn thể luôn giữ vững và phát huy dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ. Năm 2020 còn nhiều khó khăn thử thách nhưng công ty quyết đồng lòng vượt khó để hoàn thành kế hoạch”.

Có thể thấy rằng, từ truyền thống vượt khó của từng đơn vị nhỏ góp nên thành các công ty, thành Tập đoàn lớn mạnh như bây giờ, nhìn lại chặng đường lịch sử đã đi qua để ta vững tin vào tương lai dù sẽ còn nhiều gian nan thử thách. Tin rằng Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh sẽ tiếp tục vững vàng đi lên, viết tiếp những kết quả tốt đẹp trên chặng đường mới.

MINH ANH