CSVN – Nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong thực tiễn quản lý sản xuất và phát triển của ngành trên các vùng miền, hiện nay VRG đang hoàn thiện Quy trình Kỹ thuật (QTKT) cây cao su năm 2020. Ông Hà Văn Khương – Thành viên HĐQT, Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG đã chia sẻ với Tạp chí CSVN về sự cần thiết sửa đổi QTKT 2012 và chủ trương ban hành QTKT 2020.
– Thưa ông, cơ sở nào để VRG quyết định xây dựng và ban hành QTKT 2020?
Ông Hà Văn Khương: QTKT cây cao su được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mở rộng diện tích và vùng trồng cao su mới của VRG. Quy trình hướng dẫn, định hướng việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) về giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch mủ cao su, bảo vệ thực vật để giải quyết những khó khăn, hạn chế trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và năng suất vườn cây cao su ở các vùng trồng có điều kiện môi trường khí hậu đất đai khác nhau của toàn VRG. Bên cạnh đó, QTKT đã góp phần nâng cao trình độ tổ chức quản lý sản xuất và tay nghề cho lực lượng cán bộ kỹ thuật và NLĐ.
VRG đã ban hành các QTKT cây cao su để đáp ứng theo yêu cầu phát triển ở mỗi giai đoạn của ngành và quy trình gần đây nhất được ban hành vào năm 2012. Sự kịp thời bổ sung và cập nhật QTKT 2012 qua các năm 2014 và 2017 đã phần nào phát huy được vai trò, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành trong thời gian qua.
Theo dự báo, trong thời gian tới ngành cao su vẫn tiếp tục gặp những khó khăn và thách thức lớn. Có thể điểm qua những khó khăn như: Giá cao su ở mức thấp kéo dài là một trở ngại lớn trong điều hành sản xuất kinh doanh; Ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đến vườn cây của VRG ngày càng gay gắt hơn; Một số vùng trồng cao su ngoài truyền thống có điều kiện đất đai không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị ảnh hưởng bão lũ như khu vực Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc cần phải có các giải pháp phù hợp với đặc thù vùng; Vấn đề thiếu hụt lao động trong tất cả các công đoạn từ trồng, chăm sóc, đặc biệt là trong công tác thu hoạch mủ, đã diễn ra khá trầm trọng trên tất cả các vùng trồng cao su chính của VRG, yếu tố văn hóa tập tục và thói quen của lao động địa phương theo vùng miền khác nhau là một thách thức cần chú ý để điều hành sản xuất.
Chủ trương VRG hiện nay là đẩy mạnh phát triển ngành cao su theo hướng bền vững, không mở rộng về lượng mà đi sâu về chất, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế cùng với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.
Tất cả các vấn đề trên đặt ra yêu cầu cấp thiết là cần phải có những giải pháp quản lý và kỹ thuật kịp thời để ứng phó phù hợp bảo đảm đúng định hướng của VRG, bảo đảm hiệu quả cao cao su ở tất cả các dự án.
Trên cơ sở QTKT 2012 là nền tảng, rà soát và kế thừa những giá trị thực tiễn trong quản lý nông nghiệp, tham khảo tiếp thu có chọn lọc các tiến bộ KHKT của các nước trồng cao su trên thế giới để sớm hoàn thiện xây dựng và ban hành QTKT cao su 2020 là chủ trương lớn, nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhằm tăng cường hơn nữa trong lĩnh vực quản lý công tác nông nghiệp, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của VRG năm 2020 và những năm tiếp theo.
– Vậy QTKT 2020 có những điểm mới gì và dự kiến thời gian ban hành như thế nào, thưa ông?
Ông Hà Văn Khương: QTKT 2020 được xây dựng với mục tiêu, đó là: “Tạo khung pháp lý để hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững, gắn liền với các yếu tố chính là Phát triển kinh tế – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội – Bảo vệ môi trường”. QTKT 2020 sẽ định hướng, có những giải pháp tập trung để các vườn cây cao su của VRG đạt các chứng chỉ quản lý bền vững của quốc gia hoặc quốc tế.
Đây là hệ thống quy trình gắn với định mức kinh tế – kỹ thuật, suất đầu tư vườn cây, đảm bảo có hiệu quả giai đoạn kinh doanh vườn cây, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của toàn VRG. QTKT 2020 có nhiều điểm mới VRG đang xem xét đưa vào, trong đó một số điểm trọng tâm như sau:
– Cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới, các kỹ thuật canh tác tiến bộ để nâng cao chất lượng vườn cây tái canh và kiến thiết cơ bản, bổ sung kỹ thuật thu hoạch mủ tiến bộ, các quy định quản lý linh động để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất…
– Tăng ứng dụng cơ giới hóa trên vùng đất đủ điều kiện để nâng cao năng suất lao động, giảm lao động trực tiếp. Ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa toàn bộ nguồn dữ liệu vườn cây nhằm phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo VRG và các đơn vị.
– Bổ sung chương mục mới về thu hoạch gỗ và chương mục mới về các quy định liên quan phát triển bền vững.
– Công tác quản lý gắn trách nhiệm được cụ thể hơn nhằm hỗ trợ cho việc quản lý rủi ro cho các dự án cao Dự kiến lượng định và cụ thể hóa hệ số rủi ro trong suốt chu kỳ sản xuất kinh doanh vườn cây cao su phù hợp với điều kiện khí hậu môi trường đất đặc thù của các vùng trồng cao su chính của VRG.
Tất cả những nội dung trên đều hướng đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, trình độ quản lý và hiệu quả đầu tư của toàn VRG. Theo chỉ đạo của lãnh đạo VRG, ban biên tập đang thực hiện tập hợp các sáng kiến trong công tác quản lý kỹ thuật xuất phát từ thực tiễn sản xuất đang được áp dụng trên vườn cây, tiếp nhận các ý kiến đóng góp về công tác quản lý sản xuất của các đơn vị trong ngành, góp ý từ chuyên gia xem xét và chọn lọc bổ sung điều chỉnh trong QTKT cao su 2020. Hiện nay, ban biên soạn đã hoàn thành dự thảo lần 1 và đang tham khảo ý kiến của các tổ chức và chuyên gia, dự kiến QTKT 2020 sẽ hoàn thành trong quý III năm nay.
– Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
QUỲNH MAI (thực hiện)
Related posts:
- Tối ưu hóa năng suất vườn cây tái canh: Cần những yếu tố gì?
- Cao su Đồng Nai: Triển khai hiệu quả, quyết liệt các giải pháp nông nghiệp
- Cảnh báo bệnh hại mặt cạo cao su mùa mưa
- Để vườn cây chất lượng tốt, năng suất cao
- Quy hoạch bảng cạo cao su tại Campuchia và Lào
- Để vườn cây chất lượng tốt, năng suất cao
- Cao su Lộc Ninh nghiệm thu 2 đề tài nghiên cứu khoa học
- Bộ lá chắc khỏe và năng suất cao khi phun phòng, trị bệnh phấn trắng
- Nghiêm túc thực hiện phòng chống cháy tại các dự án cao su Campuchia
- "Xây dựng chặt chẽ chế độ cạo cho toàn chu kỳ vườn cây khai thác khu vực miền núi phía Bắc"