VRG: Từ chặng đường đã qua đến mục tiêu phát triển bền vững năm 2020

Những cột mốc trên con đường phát triển bền vững của VRG

VRG đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong suốt chặng đường dài gắn với lịch sử phát triển của ngành cao su Việt Nam. Từ diện tích quản lý ban đầu là 78.000 ha năm 1975, đến cuối năm 2019, VRG đã phát triển hơn 400.000 ha, trong đó, khoảng 110.000 ha được đầu tư ở nước ngoài, được xem là những thảm rừng trồng phủ xanh trên đất trống đồi trọc.

Từ nguồn nguyên liệu phong phú hơn 320.000 tấn cao su thiên nhiên hàng năm, đạt khoảng 30% trong tổng sản lượng của Việt Nam, VRG đã xuất khẩu trên 40 thị trường và từng bước tăng tiêu thụ trong nước để phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao   su như găng tay, lốp xe, nệm gối, băng tải, chỉ thun, bóng thể thao… Nông nghiệp công nghệ cao đã được đưa vào ứng dụng trên một số diện tích của VRG, làm tăng hiệu quả sử dụng đất và giảm rủi ro khi giá cao su biến động.

Nhóm sản phẩm quan trọng thứ hai là gỗ cao    su với khoảng 1,5 triệu ster/năm và gỗ công nghiệp (MDF) có sản lượng khoảng 1 triệu mét khối/năm, đang đóng góp hơn 20% nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, 6.000 ha các khu công nghiệp trong vùng cao su được lấp đầy với tỷ lệ trên 85%, tạo điều kiện cho VRG đa dạng hóa hoạt động và doanh thu.

Chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đại chúng quy mô lớn từ ngày 1/6/2018, VRG tiếp tục tái cơ cấu toàn diện để trở thành Tập đoàn kinh tế công nông nghiệp có quy mô lớn hàng đầu của Việt Nam, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và mang nhiều hàm lượng khoa học kỹ thuật. Trong thời kỳ mới này, VRG nhận thức sâu sắc rằng phát triển bền vững là chiến lược xuyên suốt để giữ vững thành tích, tiếp tục tiến lên phía trước và giảm thiểu rủi ro, đồng thời, để tuân thủ chính sách quốc gia, đáp ứng xu hướng thị trường và hội nhập với kinh tế toàn cầu. Nghị quyết số 16 (18/10/2018) về doanh nghiệp phát triển bền vững và Quyết định số 82 (16/4/2019) về Chương trình phát triển bền vững giai đoạn 2019 – 2024 là nền tảng để VRG khẳng định những hành động cụ thể tiếp tục phát huy sự đóng góp về kinh tế, xã hội và môi trường của VRG nói riêng và của ngành cao su nói chung, được minh chứng qua các chứng chỉ của những tổ chức uy tín trong nước và quốc tế, cũng như những hợp tác chính thức ký kết với nhiều đơn vị bên ngoài.

Năm 2019, đã có 10 doanh nghiệp thuộc VRG nằm trong Top 100 Doanh nghiệp bền vững và 3 doanh nghiệp VRG đạt chuẩn bền vững được xét chọn và tôn vinh do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cuối năm 2019, lần đầu tiên VRG có 3 thành viên đã được trao chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chí của Việt Nam (VFCS) cho hơn 11.000 ha, tạo tiền đề tiếp cận với các hệ thống chứng chỉ quốc tế (PEFC,…).

Ảnh: Đào Phong
Ảnh: Đào Phong
VRG luôn hướng tới thân thiện môi trường và hỗ trợ cộng đồng

Cùng với sự phát triển mở rộng diện tích, các quy trình kỹ thuật sản xuất được VRG liên tục đổi mới, cập nhật để ứng dụng sớm nhất các tiến bộ khoa học kỹ thuật và kết quả nghiên cứu, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả của cây cao su và sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm hóa chất, xử lý chất thải, chống xói mòn và tăng dinh dưỡng cho đất bằng thảm thực vật và tận dụng bộ lá cao su rụng hàng năm… Đến cuối năm 2019, đã có 12 thành viên của VRG đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001, cho thấy công tác quản lý môi trường đã đạt nhiều tiến bộ.

Trong cam kết về chiến lược phát triển bền vững, VRG đã khẳng định không tiếp tục mở rộng diện tích cao su từ chuyển đổi rừng nghèo, không gây tác động làm suy thoái rừng, tăng cường quản lý rừng cao su theo hướng bền vững, tăng trữ lượng các-bon và đa dạng sinh học, góp phần phát triển rừng. Đến cuối năm 2019, khoảng 3.500 ha tại Campuchia và Lào đã có rừng tự nhiên được tái sinh trong tổng kế hoạch 20.000 ha phục hồi rừng của VRG.

Chiến lược phát triển bền vững của VRG cũng xác định trách nhiệm xã hội của VRG và các thành viên đã và sẽ được thực hiện trong suốt quá trình phát triển VRG. Quyền lợi hợp pháp, thu nhập và đời sống của người lao động luôn được đảm bảo theo quy định của pháp luật và gắn kết với thành quả sản xuất kinh doanh.

Quan hệ truyền thống với cộng đồng địa phương được nâng cao hơn nữa qua sự đóng góp liên tục của VRG trong chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Trong quá trình đầu tư ra nước ngoài tại Lào và Campuchia, nhiều công trình đầu tư an sinh xã hội của VRG và các thành viên đã được Chính phủ nước sở tại đánh giá cao và công bố trên nhiều phương tiện truyền thông, đồng thời, được người dân địa phương ngày càng tin tưởng, trong đó, một số người dân đã trở thành công nhân, cán bộ gắn bó với các công ty thuộc VRG.

Tạo sức bật cho phát triển bền vững của VRG năm 2020

Năm 2020, VRG tiếp tục phát huy kết quả bước đầu trong năm 2019 nhằm đẩy mạnh Chương trình phát triển bền vững trên nhiều mặt hơn nữa và để được công nhận thông qua các chứng chỉ bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về trách nhiệm đối với môi trường và xã hội, đặc biệt về năng lực quản trị của một Tập đoàn nòng cốt trong ngành cao su Việt Nam.

VRG và các thành viên đã xây dựng kế hoạch năm 2020 với quyết tâm cao cho mục tiêu đạt chứng chỉ bền vững về quản lý rừng cao su và chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia (VFCS) với qui mô trên 51.000 ha và 21 nhà máy chế biến mủ cao su. Chứng chỉ VFCS sẽ được Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) công nhận trong năm 2020, tạo cơ hội thâm nhập vào các thị trường tiên tiến của các sản phẩm được gắn nhãn hiệu chứng nhận VFCS/PEFC về sản xuất bền vững.

Danh hiệu Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam cũng được VRG khuyến khích các thành viên tiếp tục giữ vững và mở rộng, phấn đấu có 10 đơn vị thuộc Top 100 và 20 đơn vị đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, tuân thủ Nghị định số 40/2019/NĐ- CP ngày 13/05/2019, VRG tiếp tục hỗ trợ 12 thành viên duy trì chứng chỉ quốc tế về quản lý môi trường ISO 14001, tăng thêm 9 thành viên làm tiền đề cho tất cả đơn vị phấn đấu đạt vào các năm sau.

Năm 2020, là mốc thời gian của Quy trình kỹ thuật sản xuất cao su và gỗ cao su của VRG cập nhật các tiêu chí về phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường. Cũng trong năm nay, VRG sẽ bắt đầu triển khai việc ứng dụng công nghệ hiện đại (GIS) có độ chính xác cao để quản lý chặt chẽ toàn bộ diện tích đất đai của VRG qua bản đồ kỹ thuật số, giám sát nguồn nước và mức độ xói mòn đất, đánh giá diễn biến dịch bệnh, tình trạng phục hồi – tái sinh rừng, phát triển cơ sở hạ tầng trong vùng cao su… từ đó, đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời và công bố các kết quả phát triển bền vững với chứng cứ rõ ràng, minh bạch.

Đầu năm 2020, Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) đã công bố quyết định cùng với VRG thực hiện Lộ trình tái kết nối để tạo tiền đề cho các thành viên VRG đăng ký chứng chỉ quản lý rừng bền vững, hiện là yêu cầu của nhiều doanh nghiệp chỉ sử dụng cao su thiên nhiên và gỗ cao su bền vững. Thực hiện   Lộ trình này có thể cần nhiều thời gian hơn so với dự kiến vì chính FSC cũng phải chuyển đổi các tiêu chuẩn và quy trình hướng dẫn để đồng hành cùng doanh nghiệp áp dụng những mô hình quản lý rừng bền vững theo bộ tiêu chuẩn quốc tế được khuyến cáo toàn cầu. Theo đó, doanh nghiệp không chỉ khắc phục, cải thiện các điều kiện môi trường, xã hội trong vùng dự án mà được kỳ vọng trở thành nhân tố tích cực cho nhiệm vụ phục hồi toàn cảnh quan bao trùm hơn để mang lại sự phát triển cân bằng giữa nhu cầu nâng cao đời sống và kinh tế với phục hồi các hệ sinh thái có khả năng giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và duy trì sự phát triển bền vững của xã hội trong tương lai.

Nhiệm vụ phát triển bền vững của VRG trong năm 2020 đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng tạo nhiều cơ hội để thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh của VRG. Bên cạnh việc huy động và nâng cấp toàn nguồn lực nội bộ để tham gia, VRG sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm cập nhật kiến thức, tiếp cận với xu hướng thời đại, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và tăng cường truyền thông cho kết quả phát triển bền vững của Tập đoàn.

TS. TRẦN THỊ THÚY HOA

(Tổ tư vấn phát triển bền vững VRG)